Một thoáng văn miếu Bắc Ninh

Hoàng Đan, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Với 667 vị tiến sĩ được ghi danh (chiếm gần một phần tư tổng tiến sĩ cả nước), văn miếu Bắc Ninh đã phản ánh rõ nét truyền thống khoa bảng vẻ vang của vùng quê Kinh Bắc.

Nằm trên đỉnh núi Phúc Sơn, thuộc xóm 10, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, văn miếu Bắc Ninh được biết đến là một di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Bởi lẽ,  nếu như Văn Miếu Hà Nội chỉ ghi danh các vị đại khoa thời Lý đến thời Lê, văn miếu Huế ghi danh các vị đại khoa thời Nguyễn thì văn miếu Bắc Ninh ghi khắc tên tuổi khoa danh của 677 vị tiến sĩ  từ thời Lý đến hết thời Nguyễn xuất thân từ mảnh đất văn hiến này.
 

Theo các sử liệu còn lại đến ngày nay, văn miếu Bắc Ninh vốn được khởi dựng tại vùng sơn phận Thị Cầu thuộc tổng Đỗ Xá huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc vào thời Lê Sơ, cách đây hàng trăm năm trước. Cùng với sự thăng trầm phát triển của đất nước, văn miếu Bắc Ninh cũng trải qua rất nhiều lần tu bổ, tôn tạo và chuyển đổi vị trí. 
 
Năm 1893, văn miếu được xây dựng trên đỉnh núi Phúc Sơn thuộc xóm 10 (Phường Đại Phúc – TP Bắc Ninh).
 
Kiến trúc văn miếu Bắc Ninh có quy mô khá bề thế, uy nghi. Ngay từ dưới chân núi ta đã có thể dễ dàng quan sát được khu văn miếu. Khác với hai văn miếu hàng tỉnh khác là Hải Dương, Hưng Yên, Tam quan khu văn miếu Bắc Ninh có đôi chút nhỏ hơn, nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi, bề thế. Văn miếu Bắc Ninh cũng là văn miếu duy nhất còn lại đến nay ở miền Bắc không có lầu chuông, lầu trống hay khánh.
 
Tam quan của văn miếu.
 
Bước qua cổng Tam quan, chúng ta sẽ gặp ngay được tấm bia bình phong “Bắc Ninh tỉnh trùng tu văn miếu bi ký” khắc dựng năm 1928 bằng đá.
 
Bức bình phong được dựng từ năm 1928 bằng đá.
 
Tổng thể công trình văn miếu gồm: Tiền Tế (5 gian), Hậu Đường (5 gian) hai bên hồi Hậu Đường là Bi Đình (3 gian 2 dĩ), hai bên hồi Tiền Đường là Hội Đồng trị sự và Tạo Soạn; hai bên sân trước Tiền Tế là nhà Tả Vu, Hữu Vu.
 
Tại đây có thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 12 bia “Kim bảng lưu phương” lưu danh 677 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Lâm, Văn Giang thuộc Hưng Yên). Nhìn vào số vị đại khoa được lưu danh ở đây chúng ta không khỏi hết đỗi tự hào về tinh thần, truyền thống hiếu học của mảnh đất Kinh Bắc xưa.
 
Nhà Tiền tế của văn miếu.
 
 
Ban thờ cộng đồng tại nhà tiền tế.
 
Hiện vật quý giá còn lưu lại tại văn miếu chính là 15 tấm bia đá. Trong đó, 12 bia “Kim bảng lưu phương” được dựng khách năm 1889, có kích thước lòng bia như nhau (110cm x70cm) được đặt trên các con rùa đá, trán bia cong và được trang trí lưỡng long chầu mặt trời, ở diềm bên phải của mỗi bia được khắc vị trí của bia đó trong nhà bia.
 
Một bia phụ nhỏ có kích thước lòng bia (70cm x 40cm) khắc vào năm 1896 ghi chép lại số ruộng do các quan viên tỉnh Bắc Ninh cung tiến vào văn miếu để làm từ điền. Một bia nhỏ nữa hiện đang được dựng ở đầu hồi phía trái trong nhà bia có tên “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký” có số đo lòng bia là 50cm x 30cm, dựng vào năm 1912, ghi chép việc chuyển vị trí văn miếu từ Thị Cầu về núi Phúc Sơn.
 
Đặc biệt còn một tấm bia có kích thước lớn gần 10m2, được coi là bảo vật của văn miếu, hiện được dựng ở ngoài sân mang tên “Bắc Ninh tỉnh trùng tu văn miếu bi ký”, khắc vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928).
 
Bia đá cổ còn lại trong văn miếu.
 
Cùng với văn miếu Quốc Tử Giám, văn miếu Mao Điền (Hải Dương), văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên), văn miếu Bắc Ninh với những trang lịch sử văn hoá - giáo dục còn lưu giữ được đến ngày nay chính là những cứ liệu vô cùng giá trị của nền văn hiến Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bên làn điệu quan họ mang đậm tính trữ tình, hàng năm vào dịp đầu xuân đông đảo người dân Bắc Ninh và khắp mọi miền tổ quốc thường về đây dâng hương tưởng niệm các bậc hiền tài và thêm tự hào về truyền thống khoa bảng của mảnh đất này.

Chia sẻ