Mâm ngũ quả - nét văn hoá đẹp của người Việt

Hải Đăng,
Chia sẻ

Tết đến, Xuân về, dù giàu, dù nghèo, trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt đều không thể thiếu mâm ngũ quả được bày trang trọng để dâng lên ông bà, tổ tiên cũng như mong ước nhiều điều may mắn sẽ đến trong năm mới.

Tết đến, Xuân về, dù giàu, dù nghèo, trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt bên cạnh cặp bánh chưng, bánh tét, lọ hoa tươi, đều không thể thiếu được mâm ngũ quả màu sắc bắt mắt. Theo như quan niệm dân gian, sở dĩ là ngũ quả bởi số 5 tượng trưng cho ngũ hành ứng với mệnh con người và đại diện cho sự sinh sôi, phát triển.

Tuỳ theo tập quán vùng miền và các loại trái cây đặc sản mà mâm ngũ quả ở mỗi vùng miền có sự khác nhau. Mâm ngũ quả của người Bắc thường tập trung vào các loại quả có màu sắc hài hoà và đẹp mắt. Các loại quả trên mâm ngũ quả cổ truyền của người Bắc thường có nải chuối, quả bưởi, quất, ớt, phật thủ, ngoài ra cũng có thể thay bằng các loại quả khác như cam canh, canh sành, táo, trứng gà... 

Mâm ngũ quả - nét văn hoá đẹp của người Việt 1
Một mâm ngũ quả truyền thống của miền Bắc với chuối, phật thủ, quýt, quất, ớt.

Trong đó, nải chuối xanh và bưởi hoặc phật thủ chính là linh hồn của mâm ngũ quả miền Bắc. Khi bày mâm ngũ quả, thường nải chuối xanh với những trái chuối lớn, cong sẽ  được đặt ở dưới cùng để làm trụ đỡ các loại hoa quả khác. Kế đó là quả bưởi đặt ở chính giữa nải chuối và các hoa quả khác bày khéo xung quanh. Cuối cùng những quả trái ớt lớn sẽ được cài giữa những quả chuối vừa gọn gàng, vừa đẹp mắt.

Mâm ngũ quả - nét văn hoá đẹp của người Việt 2
Mâm ngũ quả ngày nay có sự góp mặt của nhiều loại trái cây ngoại nhập.

Khác với người Bắc, mâm ngũ quả người miền Nam lại được chọn theo ước muốn bình dị "cầu sung (túc) vừa đủ xài với trái mãng cầu Xiêm, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung. Người Nam cũng thường kỵ thờ những quả mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có chuối (vì âm chuối đọc như "chui nhủi", ngụ ý thất bại), cam ("quýt làm cam chịu"), lê ("lê lết"), táo (người Nam gọi là "bom"), lựu ("lựu đạn") và không có cả sầu riêng và không chọn trái có vị đắng, cay. Cặp dưa hấu đỏ lòng, căng tròn tượng trưng cho sự sung túc, may mắn là thứ quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả của người miền Nam.

Mâm ngũ quả - nét văn hoá đẹp của người Việt 3
Mâm ngũ quả truyền thống của người Nam với ý nghĩa "Cầu sung vừa đủ xài".

Cách bày mâm ngũ quả của người miền Nam tập trung bày gọn gàng và đẹp mắt với các loại quả đan xen về màu sắc. Thậm chí nếu khéo tay, bà nội trợ còn có thể bày mâm ngũ quả theo hình tháp với những trái lớn ở dưới, trái nhỏ ở trên hoặc tỉa dưa hấu.e3

Mâm ngũ quả - nét văn hoá đẹp của người Việt 4
Nhiều bà nội trợ khéo tay tỉa hoặc xếp mâm ngũ quả thành hình ý nghĩa.

Mâm ngũ quả của người miền Trung không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên nên có phần giản tiện hơn. Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, bưởi, hồng xiêm, cam, lê ki ma, thanh yên... Rất phong phú!

Mâm ngũ quả - nét văn hoá đẹp của người Việt 5
Mâm ngũ quả miền Trung có phần giản tiện hơn.

Có thể thấy dù có nhiều điểm khác nhau, nhưng mâm ngũ quả với những quả trái tươi ngon vẫn là nét văn hoá chung của người Việt. Ngày nay, việc chọn quả để bày mâm ngũ quả của các miền cũng được giản tiện hơn rất nhiều. Quả không nhất thiết hạn chế ở số 5 và số lẻ mà có thể là 6, là 8, là 10 với sự góp mặt của nhiều loại trái cây nhập khẩu. Tuy nhiên các mẹ, các chị vẫn luôn dành thời gian để chọn được những quả trái tươi ngon trước để cúng ông bà, tổ tiên, sau là mong một năm may mắn, phát tài.

Một số lưu ý khi bày mâm ngũ quả

- Nên chọn trái tươi và còn xanh, tránh mua trái đã chín sẵn bởi trong nhiều ngày bày trên bàn thờ, trái chín dễ bị thối.
- Nếu muốn rửa trái cây, sau khi rửa phải để ráo nước, lau khô các kẽ để tránh các loại quả bị ủng, thối.
Chia sẻ