Khám phá 5 phiên chợ độc đáo ngày xuân

Kim Giang,
Chia sẻ

Chợ âm dương ở Bắc Ninh là cầu nối giữa người sống và người đã mất. Chợ Viềng Nam Định quá nổi tiếng với việc cầu may. Chợ Bắc Hà mang không khí xuân vùng cao...

Cùng với việc đi lễ chùa, người Việt Nam còn rất hay đi chợ vào dịp đầu xuân năm mới. Đặc biệt, trên khắp đất nước hình chữ S thân yêu có những phiên chợ một năm mới mở một lần vào ngày đầu năm.
 
Chợ ngày xuân với người Việt không chỉ là nơi mua bán, giao thương hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, giao duyên, cầu may mắn, tài lộc.
 
Cùng aFamily khám phá một số phiên chợ đặc biệt đó.
 
1. Chợ âm-dương làng Ó Bắc Ninh
 
Đây là một phiên chợ rất đặc biệt, tương truyền chợ có từ khá lâu, được họp trên bãi đất trống thuộc địa phận làng Ó, xã Võ Cường, Tỉnh Bắc Ninh mà ngày xa xưa đã từng là nơi chiến trận ác liệt, nhiều người đã vĩnh viễn yên nghỉ tại đây.
 
Chợ mỗi năm chỉ họp 1 lần vào đêm mồng 4, rạng ngày mồng 5 Tết âm lịch. Sau một thời gian gián đoạn, năm 2010 chợ đã được phục dựng lại đúng như xưa.



 

 




Nơi diễn ra phiên chợ Âm-dương

Theo nhiều người cao tuổi trong làng, chợ là một dịp rất hiếm có để người sống và người đã khuất có cơ hội gặp nhau. Chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng.
 
Đây là chợ mà không có lều quán, không sử dụng đèn nến để thắp sáng. Nhiều người đi chợ thường mang theo một con gà đen được chăm sóc cẩn thận trước đó để làm vật tế thần. Tuy không có lều quán nhưng trong chợ cũng có nhiều hàng mã, hương, nến, cau, trầu...
 

 
Chợ không phải là nơi mua may bán rủi như nhiều chợ nơi khác. Trong chợ người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả. Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ.
 

 
Người ta hầu như không quan tâm nhiều đến việc "mua may bán rủi" như ở một số chợ khác. Chợ họp là dịp để người cõi trần gặp người cõi âm. Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Sáng hôm sau, có người xem trong túi đựng tiền của mình chỉ toàn là vỏ hến, lá dong... thậm chí có cả mẩu yếm sồi...
 
2. Chợ phiên Bắc Hà - Lào Cai
 
Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) đã quá quen thuộc với những ai đã đặt chân tới Tây Bắc. Chợ họp theo phiên vào thứ 7 và chủ Nhật. Đầu xuân năm mới, nếu có dịp du xuân tới vùng đất địa đầu Tổ Quốc, bạn hãy nhớ ghé qua chợ phiên Bắc Hà. Xa xôi hơn cũng cùng ngày phiên bạn cũng đừng bỏ qua chợ Simacai và chợ Cán Cấu.
 


 
Chợ phiên vùng cao luôn mang tới rất nhiều bất ngờ cho du khách từ xuôi lên bởi màu sắc, những đồ giao thương. Đặc biệt nhất, chợ phiên là nơi giao duyên của những đôi trai gái đến từ những bản làng xa xôi.
 
3. Phiên chợ Lượn
 
Chợ họp 3 ngày từ 22 đến 24 tháng Giêng tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Phiên chợ này là chợ hát giao duyên của dân tộc Nùng, Thái, Tày...
 



 
Tên chợ giống nhau, nhưng ở mỗi tỉnh lại có những nét riêng biệt độc đáo. Tại phiên chợ Lượn ở Kỳ Lừa (Đồng Đăng, Lạng Sơn) những người đi chợ hầu như không mua bán gì, họ chỉ tới chợ như cái cớ để gặp gỡ, hát "Lượn" với nhau, trao tình, trao duyên, vui chơi cho hết ngày.
 
4. Chợ tình Khâu Vai - Hà Giang
 
Đây là phiên chợ cuối xuân vì bắt đầu từ ngày 23/3 âm lịch tại dẻo cao Khau Vai (Hà Giang). Khi chợ tình Sa pa dần mất đi vẻ nguyên sơ, nhiều khách du lịch lên tận vùng đất xa xôi này.
 
 
Theo truyền thuyết, phiên chợ tình chỉ họp duy nhất 1 đêm, là nơi những chàng trai, cô gái người Mông "yêu nhau nhưng không tới được với nhau" trong quá khứ có cơ hội gặp nhau, cùng kể truyện và hát cho nhau nghe về cuộc sống hiện tại, về những kỷ niệm một thời thương nhau.
 
5. Chợ Viềng Nam Định
 
Phiên chợ cầu may đã quá nổi tiếng, hàng năm thu hút tới cả trăm nghìn lượt khách tới tham quan. Chợ Viềng họp vào đêm mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm với quan niệm “bán rủi, mua may.”
 
Ngày xưa, người ta đi chợ hầu hết theo phương thức thức trao đổi hàng hóa (chủ yếu là đồ cũ) không qua tiền tệ, để tìm cho mình những thứ phù hợp với công việc, nhu cầu, sở nguyện, theo tinh thần “ “bán được là quý, mua được càng may.”
 
 
 
Có hai chợ Viềng, chợ Viềng gần phủ Dầy, ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Phủ. Chợ Viềng ở gần chùa Bi, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Chùa.

Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ này cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau như đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò, cây cảnh, giống cây trồng ...
Chia sẻ