Bánh đậu xanh, thứ “quà bánh” của Hải Dương

Đặng Tuyền,
Chia sẻ

Quà của Hải Dương là bánh đậu xanh, cũng có cả bánh gai, nhưng bánh đậu xanh mới đủ đặc trưng để trở thành thứ “quà bánh” sang trọng, lịch lãm và ấm lòng người.

Nếu nói về các loại bánh cổ truyền của người Việt, có mang tất cả các màu sắc, hương vị, lời lẽ, cũng chỉ diễn tả được một phần ấn tượng về bánh trên đất nước hình chữ S này. Chỉ biết, trong câu cửa miệng khách sáo của mọi người khi nhận quà (không có bánh) vẫn nói: Đến chơi với nhau là quý rồi, quà (bánh) nữa làm chi! Chứng tỏ, một thời, bánh đã là một thứ quà rất quan trọng trong đời sống của người dân mình.

Đi đến đâu cũng thấy bánh: bánh gai, bánh nếp, bánh tẻ, bánh giò, bánh pía… Vùng nào cũng ít nhất một vài loại bánh đặc trưng riêng làm quà.

Quà của Hải Dương là bánh đậu xanh. Cũng có cả bánh gai, nhưng bánh đậu xanh mới vừa mang nét tinh tế trong vốn ẩm thực của Hải Dương, vừa là thứ hàng hóa làm quà sang trọng, lịch lãm và ấm lòng người.
 


Thứ quà sang trọng, lịch lãm.

Nguyên liệu để chế biến nên loại bánh này lấy ngay từ hoa mầu của đồng nội. Thành phần của bánh cũng đơn giản: đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Những nguyên liệu này đều phải chọn lọc chế biến tinh khiết và pha trộn với nhau theo một tỉ lệ hợp lý (các nhà sản xuất không tiết lộ). Vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng.
 
Một trong những nguyên liệu chính của bánh là đậu xanh.

Giấy gói bánh, mầu sắc của nhãn phải nghiên cứu để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh: bánh được đóng theo định: 10 khẩu mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x1,1cm) nặng 45 gam, gần đây đã có những cải tiến, nhưng quy cách của khẩu không thay đổi.
 
Những khẩu bánh đậu xanh đã được thay đổi mẫu mã, nhưng vẫn theo quy định.

Bánh đậu xanh Hải Dương ra đời tại thị xã Hải Dương vào đầu thế kỷ 20, nổi tiếng có hiệu Bảo Hiên, Cự Hương, Mai Phương. Mai Hoa, …

Những người luống tuổi vẫn còn bánh đậu xanh Bảo Hiên. Chủ hiệu Bảo Hiên là bà Nguyễn Thị Nhung, mở cửa hàng từ những năm 1922. Bà làm bánh từ nhỏ. Chồng mất sớm để lại một đàn con nhỏ, bà đảm đương một cửa hiệu sản xuất hàng mấy tạ bánh mỗi ngày. Bà thường đặt hàng toa tầu đường kính loại tốt từ Tuy Hoà, những thuyền lớn chở đậu xanh từ Lục Nam xuống và hàng tạ mỡ khổ từ các lò mổ. Tinh dầu hoa bưởi thì nhà tự chưng cất lấy.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Dương có trên 50 nhà hàng bánh đậu xanh, trong đó có những nhà hàng nổi tiếng như: Bảo Hiên, Nguyên Hương, Bảo Long, Bá Tiến, Hoà An, Minh Ngọc, Quê Hương, ...

Theo lời kể của ông Gia Bảo, chủ doanh nghiệp bánh đậu xanh Gia Bảo thì bánh đậu xanh đã có thời được sản xuất tại Hà Nội. Nhưng xa đất Hải Dương, chất lượng bánh không ngon nên không thể phát triển được.

Riêng loại bánh này không thể ăn theo kiểu “bốc” mà phải “nhón” nhẹ nhàng. Những khẩu bánh nhỏ xinh tự tan ngọt mát, thơm thơm nơi lưỡi. Thưởng thức bánh cũng không thể ở những nơi ồn ào, mà thường bên bàn trà. Đặt khẩu bánh vào miệng, nhấp ngụm trà để cảm nhận hương, vị, hồn, vía quê hương.
 
Bánh đậu xanh nên thưởng thức với trà.

Chiếc bánh đậu xanh nhỏ bé, giản dị nhưng đã mang tiếng thơm của tỉnh Đông đến muôn nơi. “Quà bánh” chính là đây.
Chia sẻ