"Xa xỉ thầm lặng" - phong cách sống "lên ngôi" sau dịch COVID-19 và lạm phát

Chuyển động 24h,
Chia sẻ

Hiện nay, phong cách sống "Quiet luxury" (Xa xỉ thầm lặng) đang diễn ra, trong đó một số người không dễ nhận ra trong đám đông nhưng có thể lại chính là tỷ phú.

Không khoa trương quần áo hàng hiệu, không trang sức đắt tiền, bề ngoài tối giản, ít thể hiện sự giàu có trên mạng xã hội... chính là đặc điểm của phong cách "Xa xỉ thầm lặng".

Đại dịch COVID-19 và sau đó là lạm phát đã đẩy hàng trăm triệu người trên thế giới vào hoàn cảnh vật lộn tài chính. Và khi hầu như người nào cũng gặp khó khăn kinh tế, sự phô trương giàu có lại có thể gây ra những phản ứng tiêu cực.

Xu hướng "Xa xỉ thầm lặng" (Quiet Luxury) xuất hiện bởi trong bối cảnh nhiều người gặp khó khăn kinh tế, sự khoa trương giàu có được cho là "thiếu đồng cảm", hoặc thờ ơ. Đó là lý do phong cách sống này, hay còn gọi là "giàu có không khoe khoang", lên ngôi trong thời điểm này. Theo thống kê, số lượt tìm kiếm cụm từ "quiet luxury" bùng nổ trong năm qua với mức tăng lên đến 614%.

"Quiet luxury" là lối sống mà người ta không phô trương những món đồ hào nhoáng đến từ những thương hiệu đắt đỏ hay những kỳ nghỉ xa hoa, mà tập trung vào những mục tiêu dài hạn như đầu tư, tiết kiệm. Tuy nhiên, "quiet luxury" hay "giàu có không khoa trương" không phải là lối sống chỉ dành cho giới "giàu ngầm". Mỗi người trong chúng ta đều có thể theo đuổi lối sống này nếu muốn.

Series phim truyền hình đình đám của Mỹ "Succession" đã mang đến cái nhìn khác về cách giới siêu giàu tiêu tiền. Với sự tư vấn của các chuyên gia về giới siêu giàu, loạt phim đã mang đến hình ảnh tủ quần áo phản ánh chân thực những người chiếm 0,01% thế giới ăn vận như thế nào. Đơn giản, không cầu kỳ hay nổi bật, người nào càng giàu lại càng khó bị nhận ra trong đám đông. Bởi khi số dư ngân hàng của bạn đã lên tới hàng tỷ USD, bạn không cần phải cố gắng gây ấn tượng với bất kỳ ai.

Xa xỉ thầm lặng - phong cách sống lên ngôi sau dịch COVID-19 và lạm phát - Ảnh 1.

(Ảnh: Asset Protection Planners)

Lý do mà giới siêu giàu không tập trung chi tiêu cho ô tô, trang sức hay quần áo hào nhoáng là bởi họ không coi đó là tài sản thuộc sở hữu cá nhân mà chỉ là những người trông giữ tài sản đó mà thôi. Do vậy, những người thuộc giới siêu giàu tập trung vào đầu tư và tích lũy, đặc biệt là đầu tư cho sức khỏe. Theo phân tích của Fortune, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong khi chi ít hơn cho những món đồ hữu hình dễ thấy như trang sức.

Quan trọng hơn, với phong cách "Xa xỉ thầm lặng", giới siêu giàu muốn bản thân là tấm gương cho con cháu mình. Kể cả khi mua một món đồ, họ cũng muốn đứa trẻ trong gia đình nhận thức được đó chỉ là niềm vui nhất thời hay là một vật hữu ích. Bằng cách này, họ đang xây dựng nhận thức xã hội về tiền bạc cho trẻ, thay vì phụ thuộc và tìm cách khoa trương nó.

Nói đến giới nhà giàu thời nay, không thể không nhắc đến đất nước Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tổng GDP hàng năm là khoảng 18.000 tỷ USD và có xấp xỉ 1.000 tỉ phú USD. Bất chấp những khó khăn kinh tế ở thời điểm hiện tại, theo nghiên cứu của Bain & Co, người tiêu dùng Trung Quốc dự kiến vẫn chiếm tới 40% nhu cầu chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ toàn cầu vào năm 2030. Do vậy, các nhà mốt lớn từ Burberry cho đến Dior cũng đang tìm cách để thu về doanh thu gấp bội.

Măc dù tiềm năng vẫn còn đó nhưng những thứ gắn mác thương hiệu lấp lánh, có thể "nhìn thấy từ xa hàng km" giờ không phải là xu hướng nữa. Thay vào đó, phong cách "Xa xỉ thầm lặng" đã lên ngôi.

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong quý II chậm hơn dự báo. Kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức 20%, báo Insider nhận định, "giới nhà giàu Trung Quốc cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để tiêu xài phung phí".

Tuy nhiên, "Xa xỉ thầm lặng" không chỉ là lối sống dành cho giới siêu giàu. Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, mỗi người đều có thể học được những điều hữu ích từ lối sống này và áp dụng cho mình bởi trong cuộc sống, có những giá trị không chỉ được đo đếm bằng tiền bạc. Chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần chính là cách đầu tư mang lại giá trị bền vững và lâu dài nhất, bởi sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Nếu bạn khỏe thì bản thân chính là người giàu có.

Hãy chi tiêu đúng với khả năng của mình và phân bổ hợp lý vào việc đầu tư và tích lũy, giữ kín thu nhập cá nhân để không gây ảnh hưởng tới cách người khác đối xử với bạn, và quan trọng là nên dành thời gian chia sẻ với con cái về chuyện tiền bạc vào thời điểm thích hợp. Trẻ nên được giáo dục rằng tiền là một vấn đề phức tạp và trang trải cho cuộc sống cũng là một việc phức tạp. Trẻ nên học cách dùng tiền thông minh, tự chủ về tài chính sau này, thay vì phụ thuộc vào tài sản của ông bà hay bố mẹ để lại.

Chia sẻ