Xe ôm “phất” thời... “phố cấm”

Theo NDT,
Chia sẻ

Sau hàng loạt các tuyến phố treo biển cấm taxi vào giờ cao điểm, TP. Hà Nội lại quyết tâm "tiêm" thêm một liều thuốc mạnh khi dỡ bỏ hàng trăm điểm trông giữ xe trong 9 quận nội thành nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông. Được dịp, nghề chở xe ôm bỗng dưng đắt khách.

Triệu phú... xe ôm

Gần một tuần nay, anh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) - giám đốc một công ty du lịch nằm trên phố Gầm Cầu chỉ còn biết ngậm ngùi đóng bạt chú Camry cứng cựa trong gara để xài phương tiện giao thông công cộng vì điểm trông giữ xe gần công ty đã bị "xóa sổ". Nhưng hành trình từ nhà lên công ty của anh Hùng lại gặp không ít trở ngại. Đầu tiên, anh tính chọn taxi, nhưng gọi gần chục hãng, anh đều nhận được phản hồi: Tuyến đường nhà anh ở, giờ đó cấm taxi. Không dám bước lên xe buýt với muôn vàn rủi ro, tự lái xe máy thì sợ, anh quyết định chọn phương tiện xe ôm cho... lành.

Việc Hà Nội cấm đỗ xe ở trên hàng loạt tuyến phố khiến nhu cầu xe ôm tăng đột biến

Ngày đầu tiên đi xe ôm, chọn một thanh niên nhanh nhẹn thường đứng đầu ngõ, anh Hùng được hét giá 120 ngàn đồng cho quãng đường gần 10 km. Thắc mắc giá cả, anh nhận được câu phán xanh rờn: "Nể hàng xóm em mới lấy giá đó, bây giờ đi xe ôm còn đắt hơn taxi". Nhẩm tính, nếu đi ô tô, tiền xăng cộng tiền gửi xe cũng hết chừng đó, anh Hùng đồng ý với hy vọng, đi xe ôm sẽ tiết kiệm thời gian. Cứ như vậy, tính cả chiều đi và về, sau năm ngày thử sức với phương tiện mới, anh Hùng mất toi 1,5 triệu đồng. Tính ra, một tháng cũng mất đứt gần chục triệu đồng.

Hoàn cảnh gia đình chị Ngọc Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) lại đặc biệt hơn, khi cả mẹ lẫn con đều phụ thuộc vào xe ôm. Sự là, trước đây, vì bận công việc, hai vợ chồng đều không đưa đón cô con gái 7 tuổi đang học Trường PTCS Kim Liên, nên phải thuê bác xe ôm gần nhà với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng sau khi TP ra quân dẹp bỏ các điểm trông giữ xe gần cơ quan trên phố Bà Triệu, đi xe máy cũng chẳng biết gửi đâu, nên chị phải tính đến phương án thương lượng thêm 1 triệu đồng nữa với bác xe ôm để có phương tiện đi lại. Tuy nhiên, sau vài ngày phục vụ cả hai mẹ con, bác tài đòi tăng lương cho bằng mức giá anh em trong nghề.

Khi các  "thượng đế" méo mặt vì phải trả tiền cao thì anh Toản, một tài xế xe ôm chính hiệu trên phố Huỳnh Thúc Kháng lại phấn khởi khoe: "Trước đây, trung bình một tháng thu nhập khoảng từ 3 - 5 triệu đồng. Nhưng mới một tuần nay, vừa làm vừa chơi cũng đút túi đôi ba triệu đồng rồi. Nếu cứ đà này, thu nhập cả tháng cũng chạm ngưỡng chục triệu". Ngồi ngay cạnh, anh Lâm (quê Hưng Yên) hào hứng: "Có vài người còn ngỏ ý chạy theo tháng nữa đấy, bố trí lịch chuẩn, thu mỗi người 2,5 triệu đồng/tháng, cho cả cuốc đi và về, chạy cho 3 - 4 người cũng có 10 triệu đồng/tháng".

Xe ôm đại náo... "phố mạng"

Cột mốc "thịnh phát" của những bác tài xe ôm được bùng lên từ trước Tết khi phương tiện taxi bị cấm trên hàng loạt tuyến phố vào giờ cao điểm như: Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn; Xuân Thủy - Cầu Giấy; Láng Hạ; Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Thái Hà; La Thành từ Giảng Võ đến ô Chợ Dừa và cầu Chương Dương. Sau đó là lịch thay đổi giờ làm, giờ học gây xáo trộn nhịp sống của người dân Thủ đô. Mới đây, nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông, TP. Hà Nội tiếp tục tung thêm "quả đấm thép" khi thu hồi 262 điểm trông giữ xe trong 9 quận nội thành. Nhờ chiến dịch cắm "biển cấm" trên nhiều tuyến phố, các tài xế xe ôm mặc sức hoạt động, thu bộn tiền.

Nắm bắt thời cơ, các bác tài còn dùng tính chiêu giới thiệu sản phẩm bằng các tờ rơi, hay nhắn tin điện thoại. Thậm chí, công nghệ thông tin hiện đại như Internet cũng nhập cuộc với nội dung quảng cáo: Xe ôm cao cấp; Dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôm; xe ôm VIP... đăng tràn lan trên các trang web như một chiến dịch truyền thông thực thụ của giới hai bánh thời @. Để khuếch trương thanh thế, tại nhiều cổng trường học, áp phích được dán tràn lan trên bờ tường quảng cáo... xe ôm. Không quá khó để tìm loại hình này, chỉ cần gõ từ khóa “Xe ôm Vip” hoặc “Xe ôm cao cấp”... trên Google, một loạt thông tin về dịch vụ xe ôm đặc biệt này sẽ hiện ra kèm lời giới thiệu về tài xế: Đẹp trai, ăn mặc lịch sự, ăn nói có duyên và có xe máy xịn.

Nhận thấy thị trường khởi sắc, nhiều sinh viên, công viên chức hay những bác mới về hưu có sức khỏe tốt cũng tính chuyện vác xe ra đầu xóm, nhằm kiếm chút đỉnh. Theo tâm sự của Thành Trung, sinh viên năm thứ 3 Đại học Giao thông Vận tải, biết rằng khi TP. Hà Nội siết chặt quản lý các phương tiện lưu hành cá nhân, đặc biệt ô tô, tất yếu xe ôm sẽ vào mùa gặt hái. Vậy nên, ngay sau Tết, Trung đã mượn con Dream của bố ở quê lên Hà Nội chạy xe ôm. Đúng như dự kiến, chỉ làm thêm vào giờ nghỉ, tính từ mùng 10 Tết đến nay, Trung cũng dành dụm được một khoản tiền đủ mua con Honda Wave.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng phương tiện xe ôm mỗi khi cần ra đường, chị Thanh Trúc (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) bức xúc cho biết, con tôi ốm, muốn đưa vào bệnh viện nhưng không thể gọi được xe taxi. Hai mẹ con đành phải bắt xe ôm  trong khi ngoài trời vẫn lạnh cóng.          
Chia sẻ