Khu chợ siêu rẻ "có một không hai" bán thực phẩm đồng giá theo... đĩa ở Sài Gòn
Khu chợ chủ yếu dành cho công nhân với các loại thực phẩm như cá thịt, rau quả... được người bán xếp gọn gàng trong đĩa và được bán đồng giá. Người mua chỉ việc chọn hàng theo đĩa thay vì phải lựa chọn từng loại.
Với hàng trăm mặt hàng khác nhau trong đó chủ yếu là thực phẩm, nhìn bề ngoài khu chợ tạm dành cho công nhân ở ven quốc lộ 1A ở cạnh KCN Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng bình thường như bao chợ khác. Tuy nhiên, với những người dân trong vùng, chợ này có một nét đặc biệt riêng.
Nét riêng của khu chợ này chính là hàu hết các loại thực phẩm đều được bán theo dĩa.
Ở chợ này, người bán không dùng cân để tính tiền sản phẩm mà chia các loại rau, củ thành từng nhóm nhỏ như dưa leo 7 trái một đĩa, cà chua 8 trái, đậu bắp 20 trái… xếp ngay ngắn trên những chiếc đĩa nhựa hoặc rổ.
Tương tự, các loại thịt cá.. cũng được bán theo từng dĩa một. Những mặt hàng giống nhau tất nhiên được bán đồng giá khi phân chia theo dĩa. Ví dụ như đậu bắp, dưa leo, cà chua, củ cải... được bán giá 5 ngàn/đĩa. Các loại cá nục, cá ngừ, cá hường, đuối... được bán 20 ngàn/đĩa. Tôm tươi sống được bán từ 10 - 30 ngàn/đĩa.
Tùy theo giá của thực phẩm mà người bán cân rồi phân chia đều trên đĩa. Trong ảnh, em Trần Tuấn Tài (15 tuổi) phụ mẹ cân đầu cá ba sa. Với 1 đĩa 4 đầu cá, gian hàng của em bán 20 ngàn/đĩa.
Một vài người bán cho biết, kiểu bán độc đáo này hình thành khoảng 2 năm đổ lại. Lúc đầu, chỉ chừng vài người bán theo kiểu này, nhưng sau đó thấy hình thức này được nhiều người thích, mua bán đắt hàng nên giờ có nhiều tiểu thương bán theo.
Bất kể mưa hay nắng, cứ khoảng chừng hơn 3 giờ chiều chợ lại nhộn nhịp. Nhiều lúc, để phục vụ những công nhân làm về muộn, chợ nhóm họp tới tận 8 giờ tối.
Anh Nguyễn Văn Thành (công nhân công ty Pouchen) chia sẻ: "Bán hàng kiểu này rất thú vị, cánh đàn ông như chúng tôi đỡ phải chống xe, ngồi bệt chọn hàng mất nhiều thời gian. Nếu mua theo kiểu lựa và cân thì có khi mua không được lại mất lòng người bán hoặc đồ ngon người ta chọn hết rồi. Cứ mua theo đĩa, thấy đĩa nào ngon thì lấy. Người bán cũng phân chia rất đồng đều rồi nên không sợ thiếu".
Còn chị Lê Thị Thạch Thảo giải thích: "Khu này là chợ tự phát nên khá lộn xộn, vì vậy nhỡ chống xe để mua hàng, quay ra cái đã mất xe. Vì vậy, người ta bán theo đĩa để khách chỉ việc ngồi trên xe, chỉ đĩa thực phẩm mình thích lại nhanh gọn. Giá cả thì đồng giá, đỡ mất thời gian mặc cả, chọn lựa và không sợ cân thiếu. Chúng tôi đã chia hợp lý từng mặt hàng để công nhân tiện mua. Nhưng nếu họ muốn mua lẻ thì đương nhiên bán rồi".
Hầu hết công nhân nhận xét giá cả ở đây rất bình dân, như hai củ cải này được bán 5 ngàn/đĩa. Nếu ra chợ khác mua thì phải lên đến 8 ngàn. Theo chị May (tiểu thương) bán hàng đồng giá không lời nhiều, có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.
“Tôi bán rau củ quả nên thường giữ mức giá 5.000 đồng. Có món hàng giá cao hơn 5.000 đồng, nhưng cũng có món lại thấp hơn. Mình phải tính toán, bù qua sớt lại sao cho khỏi bị lỗ vốn. Vì thế, để làm vừa lòng khách hàng, hầu như người bán hàng đồng giá luôn chấp nhận một chút thua thiệt về mình” - chị May cười xuề xòa chia sẻ.
Thời gian lúc công nhân tan ca nên có rất đông người đứng chờ mua, trong khi số lượng ai cũng gần giống ai. Vì thế người bán chia đều trên những chiếc dĩa đựng sẵn, nếu khách hàng đông quá, mỗi người chỉ việc chọn cho mình một dĩa có mức giá sẵn, không phải mặc cả, cân đong. Như mặt hàng tôm, tiểu thương chia thành các đĩa từ 10 - 30 ngàn/đĩa để tạo sự tiện lợi cho người mua.
Vì đã biết sẵn giá, khách hàng chỉ cần lựa món hàng cần, không quan tâm đến giá cả, cân thiếu hay đủ. Điều này làm cho nhiều người cảm thấy an tâm và không còn e ngại bị ép giá khi mua.
Mỗi người bán một loại nông sản khác nhau, tất cả đều có mức giá nên không thấy có cảnh cạnh tranh bán hàng không lành mạnh.
"Mua ở chợ này, mình đã biết trước số tiền bỏ ra, nên rất dễ cân đối chi tiêu. Hơn nữa, người bán cũng phân chia các đĩa rất cân bằng, không sợ hơn thiệt. Nhiều năm làm ở KCN này, mình nhận thấy cả người bán, người mua hầu hết đều là người nghèo, công nhân. Họ ở nhiều tỉnh miền Tây, miền Trung lặn lội vào đây làm việc, sinh sống và thuê trọ. Việc bán hàng đồng giá như một cách chia sẻ khó khăn cho nhau", cô Lê Thị Thương (quê Tiền Giang, công ty Pouchen) chia sẻ.