Cô gái đăng tải clip cửa sổ máy bay VNA bị hở khiến nhiều người hoang mang

Theo Kênh 14/Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Ngày 23/8, một đoạn clip chỉ hơn 10s ghi lại cảnh tượng khiến nhiều người không khỏi sốc. Theo chủ nhân clip, cửa sổ bị hở này là trên một chuyến bay của Vietnam Airlines, và cô phát hiện ra điều này khi máy bay đã gần hạ cánh...

Người chia sẻ clip là một nữ doanh nhân trẻ có mặt trên chuyến bay số hiệu VN259 của hãng hàng không Vietnam Airlines. Theo đó, nữ doanh nhân tên T.N cho biết: "Trên chuyến bay VN259 từ Hà Nội đi TP. HCM chiều qua. Chuyến bay bị delay gần 1 giờ đồng hồ vì lý do kiểm tra kỹ thuật. Nhưng có lẽ quên kiểm tra cửa sổ máy bay".

Trong đoạn clip, cô gái T.N liên tục dùng tay đẩy tấm kính cửa sổ ngay tại vị trí mình ngồi. Tấm kính bị hở đến một khoảng khá rộng khiến những ai xem xong đều hoang mang.

Clip ghi lại cảnh cô gái dùng tay đẩy tấm kính cửa sổ máy bay Vietnam Airline và nhận thấy cửa kính này bị hở.

Rất nhiều bình luận thể hiện sự bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng này. Mọi người đều cho rằng việc hở cửa sổ máy bay trong quá trình bay là vô cùng nguy hiểm. Trong một bình luận, nữ doanh nhân này còn cho biết cô đã ngủ suốt chuyến bay từ Hà Nội đi TP. HCM nhưng khi máy bay gần hạ cánh, cô cảm thấy... lạnh nên sờ vào cửa sổ máy bay thì nhận thấy cửa bị hở nên đã quay clip lại.???

Cô gái đăng tải clip cửa sổ máy bay VNA bị hở khiến nhiều người hoang mang
Khoảng hở tại cửa sổ máy bay.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bình luận cho rằng không thể có chuyện cửa sổ có khe hở như vậy trong quá trình bay được, vì sẽ làm giảm áp suất, ảnh hưởng đến an toàn bay và sẽ có báo động ngay. Một người có nick X_Kn.. viết: "Vô lý nhỉ. Nếu cửa lỏng lẻo như vậy thì khi ở trên không chênh lệch áp suất đã thổi bay cái cửa đó ra rồi còn gì?"

Theo những thông tin chúng tôi tìm hiểu được, để quá trình bay diễn ra bình thường và an toàn, khoang máy bay phải kín mít, không thể có khe hở để giữ không khí trong khoang không lọt ra ngoài, giữ mật độ và áp suất bình thường như dưới mặt đất. Trên lý thuyết, khi lên đến độ cao tiêu chuẩn là khoảng 10km, máy bay có thể sẽ bị xé toạc chỉ từ một lỗ hổng. Còn thực tế, nếu vì một lí do nào đó máy bay có khe hở, lỗ hổng dẫn tới sự cố giảm áp suất, thì hệ thống kiểm soát điện tử sẽ lập tức thông báo với phi hành đoàn hoặc kỹ thuật viên bằng tín hiệu ánh sáng, âm thanh. Hệ thống điện tử cũng sẽ tự động thả mặt nạ dưỡng khí xuống ngay trước mũi hành khách.

Đồng thời, để tăng thêm độ an toàn cho máy bay khi gặp sự cố giảm áp, máy bay được hạ dần độ cao từ 9-10km xuống khoảng 4km. Ở độ cao này mật độ không khí khoảng 0,7-0,8 at, gần bằng áp suất trên mặt đất, bằng áp suất ở những đỉnh núi cao cỡ 4.000m, là nơi con người có thể thở bình thường mà không cần có mặt nạ dưỡng khí. 

Như vậy, nếu cửa sổ lỏng lẻo và có khe hở để không khí bị lọt ra ngoài thì ngay lập tức sẽ có các cảnh báo và các hướng dẫn cần thiết để đảm bảo an toàn bay, chứ không thể có chuyện chuyến bay "yên ả" từ đầu đến cuối.

Thông tin với chúng tôi, một chuyên gia về lĩnh vực hàng không cho biết thêm, cửa sổ máy bay của khoang hành khách được tạo thành từ 3 lớp riêng biệt, thường được làm bằng vật liệu acrylic. Trong số này, mục đích của lớp acrylic trong cùng (thường được gọi là "lớp chống xước") là để bảo vệ cho 2 lớp phía ngoài. Lớp ở giữa và lớp ngoài cùng có vai trò quan trọng hơn. Trong mọi trường hợp, áp suất bên trong máy bay luôn cao hơn áp suất bên ngoài máy bay. Lớp acrylic ở giữa và ở ngoài cùng của cửa sổ máy bay sẽ phải chịu lực do áp suất chênh lệch gây ra. Cả 2 lớp này đều có thể chịu được lực ép của áp suất, song nhờ có "lỗ thở", chỉ có lớp ngoài cùng phải chịu lực.

Theo chuyên gia này, nhiều khách ngồi gần cửa sổ táy máy, thấy lỏng lẻo nên cạy ra nhưng thực tế đó chỉ là tấm meca chuyên dụng. Còn hoàn toàn khoang máy bay vẫn kín, không ảnh hưởng tới an toàn bay. Đồng thời, khi thấy có sự cố "lỏng lẻo" như clip ghi nhận, thì hành khách cũng cần báo ngay cho phi hành đoàn, chứ không nên có các hành động cố cạy ra. 

Liên quan đến sự việc trên, tối 23/8 trao đổi với chúng tôi, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đã nắm được thông tin và sẽ cho bộ phận kỹ thuật xác minh. Hiện phía Vietnam Airlines chưa đưa ra thông tin chính thức. “Sau khi đăng tải lên trang cá nhân thì người đăng đã xóa clip. Chúng tôi sẽ làm rõ sự việc”, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho hay.

Cho đến cách đây vài giờ, nữ doanh nhân này đã ẩn clip trên faceook cá nhân của mình và đăng tải một status liên quan đến vụ việc này. Cô cho biết sắp tới sẽ làm việc trực tiếp với đại diện hãng. 

"Đối với các bạn nhân viên VNA đã có lời lẽ trịch thượng với mình, mình nghĩ đó là bài học chung cho những ai làm dịch vụ, nên hỏi về tình hình sức khỏe của khách trước sẽ tốt hơn là hoạnh họe họ. Bạn tranh cãi với khách, cho dù bạn thắng hay thua thì điều chắn chắn là bạn sẽ mất họ. Mình cũng đánh giá rất cao cũng như có thiện cảm tốt về em tiếp viên trên chuyến bay VN259 khi đã kịp thời liên hệ, kiểm tra ngay lập tức và gửi lời xin lỗi mình"
, T.N thông tin thêm về việc tiếp viên Vietnam Airlines đã liên hệ và xin lỗi mình.

TS. Nguyễn Bách Phúc  - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON- Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI từng trả lời báo chí sau sự cố máy bay VN1266 của Vietnam Airlines bay từ TPHCM đi Vinh bị giảm áp suất phải giảm độ cao đột ngột, buộc phải hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài vào tháng 12 năm ngoái. Theo đó, TS cho biết:

Khoang máy bay luôn phải giữ kín mít trong suốt quá trình bay

Máy bay càng lên cao, mật độ không khí ngoài khoang máy bay càng giảm, (tương ứng: áp suất không khí càng giảm). Mật độ không khí loãng này không cung cấp đủ oxy cho sự sống, con người lúc đó giống như bị ngạt thở.

Để khắc phục tình trạng này thì khoang máy bay phải kín mít, giữ không khí trong khoang không lọt ra ngoài, giữ mật độ và áp suất bình thường như dưới mặt đất. Cũng vì vậy mà dù máy bay lên cao 9, 10, 11km, hành khách vẫn cảm thấy bình thường, không có gì khác dưới mặt đất.

Điều gì xảy ra khi có sự cố giảm áp suất?

Khi sự cố giảm áp suất xảy ra, hệ thống tự động điều khiển của máy bay sẽ lập tức tác động, tự động thả mặt nạ dưỡng khí xuống ngay trước mũi hành khách, và tự động thông báo bằng tín hiệu ánh sáng, tín hiệu âm thanh.

Hoạt động tự động này diễn ra lập tức, trước khi con người nhận biết. Mặt nạ oxy giúp hành khách tự choàng vào mũi mình, oxy từ bình chứa, truyền qua các ống dẫn đến mặt nạ cho hành khách hít thở. Lưu ý rằng kể cả trong buồng vệ sinh cũng có mặt nạ tự động này.

Độ cao an toàn để hành khách có thể thở bình thường

Để tăng thêm độ an toàn cho máy bay khi gặp sự cố giảm áp, máy bay được hạ dần độ cao từ 9-10km xuống khoảng 4km. Ở độ cao này mật độ không khí khoảng 0,7-0,8 at, gần bằng áp suất trên mặt đất, bằng áp suất ở những đỉnh núi cao cỡ 4.000m, là nơi con người có thể thở bình thường mà không cần có mặt nạ dưỡng khí.

Nhờ việc hạ độ cao này, mà lỡ ra hệ thống cung cấp dưỡng khí trục trặc thì hành khách và phi hành đoàn vẫn sống yên ổn.

Theo Vietnamnet



Chia sẻ