Bác sĩ kê thuốc hình "cục xương" cho bệnh nhân ở TP. HCM

Theo Gia đình Việt Nam ,
Chia sẻ

Bác sĩ bắt bệnh chỉ dựa vào cân nặng, chiều cao của bệnh nhân, kiên quyết không kê đơn, giấu tên thuốc để trực tiếp bán thuốc không nhãn mác tại nhà giá cao gấp nhiều lần.

Khám bệnh chỉ cần đo chiều cao, cân nặng

Chị Trần Thị Giang (ở phường Tân Quy, quận 7, TP HCM) cho biết gia đình chị khổ sở vì  bé Nguyễn Minh Huy, 4 tuổi mắc bệnh biếng ăn.

Chị Giang đều đặn đến lấy thuốc hàng tháng tại phòng mạch tư của bác sĩ Trần Thị Ngọc Bích hơn một năm nay nhưng sức khoẻ của con chị vẫn không cải thiện. Thậm chí, bé Minh ngày càng còi cọc, suy dinh dưỡng. Trong khi, tiền mua thuốc hàng năm tốn gần chục triệu đồng.

Trong vai phụ huynh có con bệnh, chúng tôi đến phòng mạch tư của bác sĩ Trần Thị Ngọc Bích tại khu dân cư Trung Sơn (quận 8, TP.HCM) sau giờ hành chính. Có khá nhiều người đang chờ tới lượt khám, lấy thuốc cho con.

Trước đề nghị có con gái 5 tuổi biếng ăn nhờ chữa trị, bác sĩ Bích bảo mẹ đưa con ra một góc nhà cân, đo chiều cao cho con. Căn cứ vào các chỉ số này, bác sĩ  bắt bệnh “chiều cao, cân nặng đều dưới chuẩn khá xa” và chỉ định dùng hai loại thuốc “cục xương”, “viên gấu”.

Bác sĩ kê thuốc hình
"Cục xương", "viên gấu" bác sĩ Bích bán tại phòng khám.

Tuyệt nhiên, bác sĩ không hề hỏi han chế độ hay thói quen ăn uống của bệnh nhi.

Dường như đọc được thắc mắc “không khám mà sao cho thuốc”, bác sĩ Bích khẳng định: “Bác khám dinh dưỡng 23 năm rồi, nghe cân nặng, chiều cao là biết được bệnh liền”.

Vừa thoăn thoắt đổ thuốc từ hộp lớn ra hai túi nilon, bác sĩ Bích vừa hướng dẫn: Mỗi tối ngâm chung 2 cục xương, 4 viên gấu, sáng sau cho bé uống 1 lần. Phải uống liên tục trong khoảng từ 6 đến 8 tháng mới có tác dụng. Tiền thuốc mỗi tháng là 480 ngàn đồng.

Không chữa bệnh cho ai đòi kê đơn, biết tên thuốc

Trong vòng hơn nửa tiếng đồng hồ có mặt tại phòng khám, phóng viên chứng kiến khoảng hơn chục người, đa phần đều là khách quen, đến mua thuốc về cho con. Nếu là khám dinh dưỡng, ai cũng được mua hai loại thuốc nêu trên.

Đặc biệt, không người nào khi được hỏi nói biết “viên gấu”, “cục xương” họ thường mua tên gọi chính xác là gì, còn hay hết hạn sử dụng hoặc có tác dụng phụ gì không... Bởi tất cả các loại thuốc đều không có nhãn mác. Đặc biệt, chưa ai trong số họ từng được cầm đơn thuốc của bác sĩ Bích.

Khi phóng viên yêu cầu bác sĩ kê đơn, cho biết tên thuốc, ngay lập tức bác sĩ Bích phản ứng dữ dội. “Cho đơn rồi e xách ra hiệu thuốc mua thì sao, phiền lắm”. Và bác sĩ kiến quyết, nếu không tin tưởng bác sĩ, cứ muốn biết tên thuốc thì trả thuốc, lấy lại tiền.

Dò hỏi về bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng Trần Thị Ngọc Bích này, phóng viên được chị Thùy Dương, quận 8 chia sẻ: Trước đây phòng mạch của bác sĩ Bích hoạt động khám chữa bệnh trong hẻm 45 Âu Dương Lân, gần đây mới chuyển về khu dân cư Trung Sơn. Sáu năm trước em đã từng mua “cục xương”, “viên gấu” của bác Bích trị biếng ăn cho con gái đầu lòng nhưng con uống hoài không tác dụng, còi vẫn hoàn còi mà tốn gần chục triệu đồng mỗi năm.

"Kẹo cho con nít ăn chơi"

Mang thuốc mua tại nhà bác sĩ Bích đi tham khảo tại các tiệm thuốc Tây trên đường Lý Thái Tổ, đối diện Bệnh viện Nhi đồng 1( quận 10, tp.HCM), “viên gấu” là loại vitamin nhóm B được đóng vào các hộp hình con thỏ  với tên sản phẩm là Dobenzic.

Còn thuốc hình cục xương thực chất tên là viên bổ KidsGr’w, một sản phẩm của một công ty dược phẩm trong nước, sản xuất tại Văn Giang, Hưng Yên. Thành phần gồm Canxi nano, vitaminD, men bia tươi. Ngay trên vỏ hộp, nhà sản xuất cũng nêu rõ: “ Thực phẩm chức năng, không thay thế thuốc chữa bệnh.”

Bác sĩ kê thuốc hình
"Cục xương", "viên gấu" là viên bổ KidsGr'w và Dobenzic có bán ở tất cả các tiệm thuốc tây.

Có lẽ vì vậy nên hai loại dược phẩm này được các nhân viên nhà thuốc gọi chung là dạng “kẹo cho con nít ăn chơi”.  Giá bán lẻ cũng rất rẻ:. hộp KidsGr’w 30 viên giá 25 ngàn đồng, hộp Dobenzic 25 viên giá 12 ngàn đồng. Như vậy với số lượng 60 “cục xương”, 120 “viên gấu” mỗi tháng, nếu mua tại tiệm thuốc tây, chỉ  khoảng 108 ngàn đồng. trong khi đó, cũng số lượng và chủng loại thuốc này, bác sĩ Bích bán tại phòng khám tư là 480 ngàn, đắt gấp hơn 4 lần.

Thuốc bổ hay thuốc hại?

Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng 1,có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Ví dụ như bệnh lý thực thể, tâm lý, thói quen của trẻ, thái độ của cha mẹ đối với hoạt động nuôi dưỡng trẻ, v v.. .

Trước tiên, nguyên tắc khám chữa bệnh này là phải kiểm tra xem cơ thể trẻ có bị bệnh lý gì khiến chúng không chịu  ăn không. Sau đó, bắt buộc phải tìm hiểu chế độ, thói quen ăn uống thường ngày để đánh giá thừa thiếu các vi chất dinh dưỡng nào. Từ đó mới có thể đưa ra toa thuốc, liều lượng phù hợp cho từng bệnh nhân.

Đặc biệt, bác sĩ Tín nhấn mạnh, thuốc bổ không thể dùng liên tục và lâu dài một cách bừa bãi vì nó cũng có tác dụng phụ như tất cả các loại thuốc khác.

Ví dụ, nếu bổ sung một lượng canxi thừa so với nhu cầu cơ thể và trong thời gian dài liên tục sẽ gây tác hại cho thận của trẻ. Các đầu xương sẽ rơi vào tình trạng hoá xương nhanh lại khiến trẻ thành lùn chứ không phát triển được chiều cao như mong muốn, v.v….Ở các bệnh viện, muốn biết chính xác trẻ có thiếu canxi không, liều lượng thế nào, các bác sĩ phải thông qua các chỉ số của xét nghiệm nước tiểu.

Ngay như viên KidsGr’w, dù chỉ là một loại thực phẩm chức năng bổ sung canxi, nhà sản xuất vẫn có khuyến cáo “ Để có hiệu quả tốt nhất, nên dùng thành nhiều đợt, mỗi đợt 6-8 tuần, các đợt cách nhau 2 tuần.” Vậy, bác sĩ Bích cho bệnh nhi uống liên tục trong 6-8 tháng thì  liệu thuốc bổ này có trở thành thuốc hại?
Chia sẻ