Vừa cầm hồ sơ xin việc của tôi, nhà tuyển dụng đã lắc đầu rồi buông thẳng một lời bẽ bàng

M.B,
Chia sẻ

Chả nhẽ vấn đề ấy thực sự quan trọng hay sao?

Mặc dù tốt nghiệp Đại học loại giỏi với điểm GPA cao, song tôi vẫn cảm thấy cực kỳ bấp bênh trên hành trình tìm việc làm. Bạn bè thì đều có chỗ làm ổn định, lương cao, tháng nào cũng khoe đi du lịch, mua sắm đồ check-in sang chảnh. Sự lo lắng trong tôi cứ lớn lên theo thời gian, khiến tôi cảm thấy chùn bước, áp lực đến từ nhiều phía, cả ở gia đình nữa...

Chuyên môn của tôi là về tuyển dụng - quản trị nhân sự, đây là một mảng khá rộng và tôi có thể đảm nhiệm nhiều vị trí. Trên thực tế, trong quá khứ tôi đã thử sức với nhiều công việc như tuyển nhân sự, quản lý nội bộ, tổ chức sự kiện văn hóa nội bộ, thậm chí tham gia xây dựng bộ máy nhân sự, tôi cũng đã từng làm rồi.

Vừa cầm hồ sơ xin việc của tôi, nhà tuyển dụng đã lắc đầu rồi buông thẳng một lời bẽ bàng  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chẳng hiểu số tôi đen thế nào nhưng cứ gặp một công ty là chỉ sau khoảng 2-3 tháng sẽ phát hiện ra vấn đề nào đó. Khi thì là công ty chậm lương, hay lương không được tốt như lúc đàm phán. Khi thì vấn đề nằm ở sếp áp đặt, môi trường làm việc chán nản, không đáp ứng những nhu cầu tối thiểu. Thành ra, ở mỗi công ty, tôi chỉ gắn bó trong khoảng thời gian trung bình là 4-5 tháng. Nơi mà tôi làm lâu nhất là 8 tháng.

Năm nay tôi 25 tuổi, và tôi rất mong bản thân có thể ổn định lâu dài với một công ty, để sau này yên tâm mà thực hiện các dự định khác trong cuộc sống như lấy chồng, sinh con. Hồi đầu năm, tôi ở nhà một vài tháng để bình tâm, nhìn lại chặng đường đã qua và cũng là để tích lũy thêm một số kiến thức về quản trị nhân sự. Tôi hi vọng trong năm nay, càng sớm càng tốt tôi sẽ được vào làm ở một công ty lớn.

Vậy mà cú sốc lập tức đến với tôi ở ngay lần xin việc đầu tiên trong năm 2022. Tôi đã chuẩn bị kỹ CV (hồ sơ xin việc) với đầy đủ những hạng mục chính là nơi từng làm và kinh nghiệm bản thân.

Thế mà vừa bước chân vào phòng phỏng vấn, HR cầm trên tay CV của tôi và lắc đầu ngao ngán. Trước đó tôi cũng gửi CV qua email nhưng có lẽ họ yêu cầu cho có chứ chưa từng xem. Không những vậy, người phỏng vấn tôi hôm đó là một chị khá lớn tuổi, đã buông thẳng lời bẽ bàng: "Sao chị chả thấy em gắn bó được lâu dài với chỗ nào vậy?"

Tôi cũng lên tiếng giải thích: "Dạ là vì em vẫn còn trẻ, nên em nghĩ chuyện thử nhiều môi trường, nhảy việc nhiều không có gì lạ. Vả lại, em nghĩ nếu môi trường nào đó không cho em những thứ xứng đáng với công sức bỏ ra thì nghỉ để tìm chỗ khác là điều nên làm ạ. Em hi vọng nhà tuyển dụng có thể nhìn nhận em với một sự khách quan. Bởi em cũng gặt hái được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Hơn cả, em luôn hết mình trong những công việc đó nên cũng không hối tiếc gì ạ".

Vừa cầm hồ sơ xin việc của tôi, nhà tuyển dụng đã lắc đầu rồi buông thẳng một lời bẽ bàng  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Vậy mà nhà tuyển dụng đã nói tiếp như cắt đứt mọi hi vọng của tôi: "Đó là em nghĩ vậy thôi, nhưng thực tế làm tuyển dụng như chị thì nhìn ra ngay. Những bạn này luôn mang tâm thế hào hứng, để rồi chán ngay tức khắc sau một thời gian ngắn làm việc. Công ty sẽ thiệt đủ đường, vừa tốn thời gian, vừa mất chi phí đào tạo mà cũng chẳng đi đến đâu.

Chia sẻ với em, chị đã làm ở đây được 8 năm rồi. Cả một thời thanh xuân chị gắn bó với công ty, từ lúc công ty còn nhỏ cho đến bây giờ phát triển lên cả một tập đoàn. Nhờ bám trụ và kiên trì, nên chị mới có thể ngồi đây đưa cho người trẻ như em lời khuyên. Ở công ty ai cũng gắn bó lâu dài như vậy, chứ nhất quyết không thể chứa chấp một người hay nhảy việc, thiếu kiên nhẫn được. Chị mong em hiểu. Bây giờ chị nghĩ em nên về nhà, nộp CV sang một nơi khác và gắn bó thật lâu dài, chứng tỏ năng lực bản thân. Chị rất tiếc vì không thể nhận em vào làm được".

Tôi lặng lẽ ra về, không nói thêm lời nào. Thật sự tôi rất buồn bã vì bản thân để vụt mất cơ hội tốt. Không ngờ, chuyện tôi hay nhảy việc trong quá khứ lại là khuyết điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Tôi thất vọng về bản thân và tự nhủ sẽ phải sửa đổi ngay lập tức...

Chia sẻ