Vụ án Lucie Blackman: Từ vụ án có thật đến phim tội phạm hấp dẫn nhất trên Netflix

Ngọc Hưng,
Chia sẻ

Tháng 7/2000, cái chết của Lucie Blackman - cựu tiếp viên hàng không của British Airways (lúc đó đang làm tiếp viên tại Nhật Bản) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Một bộ phim tài liệu phát hành cuối tháng 7/2023 đã tiết lộ những tình tiết ly kỳ trong hành trình phá án của Đội điều tra trọng án thuộc Cảnh sát Tokyo.

Vụ án Lucie Blackman: Từ vụ án có thật đến phim tội phạm hấp dẫn nhất trên Netflix - Ảnh 1.

Vụ án Lucie Blackman đã thu hút dư luận Nhật Bản và quốc tế một thời gian dài. Đã có nhiều câu chuyện được thêu dệt, nhưng chỉ đến khi bộ phim tài liệu này công bố trên Netflix thì diễn biến cuộc điều tra mới được kể dưới góc nhìn của những người trực tiếp phá án.

Với tựa đề "Missing: The Lucie Blackman Case", bộ phim phỏng vấn một loạt thám tử Nhật Bản tham gia vụ án. Họ trình bày chi tiết quá trình điều tra và tập trung vào cha của Blackman, người luôn nuôi hy vọng rằng con gái ông cuối cùng sẽ được tìm thấy và còn sống.

Nhưng sau khi phát hiện ra vụ giết người kinh hoàng của Blackman, vụ việc dẫn cảnh sát vào thế giới tội phạm đen tối ở Tokyo và vạch trần người đàn ông thực hiện vụ tấn công tàn bạo này là một trong những kẻ săn mồi tình dục tồi tệ nhất đất nước. Vậy anh ta là ai và chuyện gì đã xảy ra với Blackman?

Sự mất tích bí ẩn của nữ tiếp viên người Anh

Lucie Jane Blackman sinh ngày 01/09/1978 tại thị trấn Sevenoaks, Kent, nước Anh, là con cả trong gia đình có ba người con. Xinh đẹp, thông minh và hài hước, Lucie làm công việc tiếp viên hàng không tại hãng British Airways cho đến khi cô và người bạn thân Louise Phillips quyết định cùng nhau chuyển đến Nhật Bản. Cả hai đều xin được thị thực du lịch 90 ngày.

Vụ án Lucie Blackman: Từ vụ án có thật đến phim tội phạm hấp dẫn nhất trên Netflix - Ảnh 2.

Lucie khi còn là tiếp viên hàng không của British Airways. Ảnh: The Mirror

Họ đến Nhật vào ngày 04/05/2000. Dù các điều khoản của thị thực quy định cấm làm việc, Lucie đã đã bắt đầu công việc tiếp viên tại Casablanca, một câu lạc bộ nằm ở quận Roppongi sôi động của Tokyo để chi trả các khoản nợ – theo lời cô bạn Louise kể lại. Nhiệm vụ của tiếp viên ở đây là uống rượu và trò chuyện cùng các khách hàng nam. Với dáng người cao ráo, mái tóc vàng đặc trưng của phụ nữ phương Tây, Lucie trở nên rất thu hút trong mắt các vị khách Nhật.

Tuy nhiên, vào ngày 1/7 năm đó, Phillips nhận ra Blackman đã không liên lạc sau cuộc hẹn hò với một người đàn ông. Một ngày sau, ngày 2/7, Phillips nhận được một cuộc gọi lạ từ một người đàn ông cho biết Blackman đã gia nhập một giáo phái và nói rằng cô sẽ không gặp lại bạn mình nữa.

Louise nhanh chóng thông báo sự việc với gia đình Lucie và họ lập tức bay đến Tokyo để tìm cô. Tuy nhiên, phía cảnh sát Nhật Bản lại tỏ ra thờ ơ, thiếu hợp tác trước lời trình báo mất tích, đặc biệt là khi biết về công việc của Lucie. Lấy lý do những phụ nữ làm công việc như vậy thường chạy trốn đến Bali hoặc Thái Lan với bạn trai, họ từ chối tiến hành một cuộc điều tra thích hợp.

Không từ bỏ, cha của Lucie đã bắt đầu một chiến dịch tìm kiếm công khai. Họ tìm đến sự giúp đỡ của Ngoại trưởng Anh Robin Cook, người tình cờ có mặt ở Tokyo vào thời điểm đó. Báo chí Nhật và Anh cũng bắt đầu đưa tin rầm rộ sau khi vào ngày 13/07, Thủ tướng Anh Tony Blair đề cập đến vụ mất tích với Thủ tướng Junichiro Koizumi trong chuyến thăm Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G8.

Khoảng 30.000 áp phích về người mất tích đã được phân phát khắp Tokyo và phần thưởng trị giá lên tới 100.000 bảng Anh cho ai cung cấp thông tin hữu ích về cô.

Vụ án Lucie Blackman: Từ vụ án có thật đến phim tội phạm hấp dẫn nhất trên Netflix - Ảnh 3.

Tim Blackman cầm tấm áp phích có ảnh cô con gái mất tích của ông, Lucie Blackman, tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào tháng 7 năm 2000. Ảnh: Reuters

Chính áp lực đó, đã bắt buộc cảnh sát Nhật Bản phải vào cuộc. Đến tháng 9 năm đó, hơn 150 cảnh sát Nhật đã được huy động để tìm kiếm. Nhiều phụ nữ đã nhớ về một người đàn ông – Yoji, hay Kuji đã từng có những hành động xấu xa với họ nhưng trước đó do không có bằng chứng nên không thể tố cáo hắn.

Sau khi Lucie mất tích, họ mới báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng, và mặc dù cảnh sát đã chậm chạp trong việc thu thập các câu chuyện này, cuối cùng, ba tháng sau, nghi phạm đã bị bắt giữ.

Joji Obara - gã doanh nhân có tâm hồn quỷ dữ

Obara tên khai sinh là Kim Sung Jong, sinh vào ngày 10/08/1952, có cha mẹ là người Hàn Quốc sống ở Osaka. Cha hắn từ một người thu gom phế liệu đã vươn lên thành chủ sở hữu của nhiều bất động sản và tiệm pachinko. Vì vậy từ nhỏ, Kim Sung Jong đã có thể theo học tại các trường tư tốt nhất ở Tokyo và còn có gia sư riêng để kèm cặp cho kỳ thi vào trường dự bị Đại học Keio.

Obara thông thạo tiếng Anh, thích những chiếc xe ngoại hào nhoáng – Ferrari, Maserati, Rolls Royce – và người ta nói rằng hắn bị ám ảnh bởi phụ nữ da trắng tóc vàng.

Để thực hiện tội ác, Obara dùng chloroform và ma túy để gây mê nạn nhân, sau đó bắt cóc và hãm hiếp họ. Mặc dù ám ảnh với phụ nữ da trắng, nhưng nạn nhân của hắn cũng có cả người Nhật.

Vào thời điểm khi Obara bị bắt, hơn 400 đoạn băng gã thực hiện hành vi đồi bại với các nạn nhân đã được thu hồi. Những cuốn băng ghi lại cảnh Obara đeo chiếc mặt nạ “Zorro”, kéo những người phụ nữ đã bất tỉnh lên giường, trói họ lại và tấn công họ trong 12 giờ hoặc hơn. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy đoạn phim nào về Lucie.

Cuộc điều tra cũng phát hiện những ghi chép trong đó Obara gọi tội ác tấn công tình dục của mình là “trò chơi chinh phục” và mô tả phụ nữ như thứ để thỏa mãn nhu cầu.

Vào ngày 9/2/2001, thi thể của Blackman được tìm thấy trong ngôi mộ tại hang động bên bờ biển ở Miura, Kanagawa, cách Tokyo khoảng 50 km về phía Nam, chỉ cách căn hộ của Obara vài trăm mét. Cơ thể của cô bị chia thành nhiều mảnh, bọc trong bê tông, đã bị phân hủy nên không tìm ra nguyên nhân cái chết.

Theo cáo trạng, Obara đã pha cho Blackman một loại đồ uống có chứa thuốc mê trước khi cưỡng hiếp cô tại một khu chung cư ở Zushi, sau đó ra tay giết hại. Về phần mình, Obara đã liên tục kêu oan, cho rằng loại thuốc khiến Blackman thiệt mạng là do cô tự nguyện uống.

Vụ án Lucie Blackman: Từ vụ án có thật đến phim tội phạm hấp dẫn nhất trên Netflix - Ảnh 4.

Bản ký họa Joji Obara trong phiên tòa. Ảnh: Getty Images

BBC đưa tin vào thời điểm đó:"Thẩm phán cho biết không có bằng chứng nào cho thấy chỉ riêng Obara chịu trách nhiệm về cái chết của cô Blackman… rõ ràng nạn nhân và bị cáo đã ở cùng nhau trước khi cô biến mất và tử vong. Thẩm phán nói điều này chưa đủ căn cứ để đưa ra một bản án."

Mẹ của Blackman, Jane Steare nói: “Tôi rất đau lòng. Tôi không thể tin được điều này. Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của tôi đã trở thành sự thật."

Quyết định tha bổng cho Obara trong vụ Lucie Blackman nhận nhiều chỉ trích. Công tố viên đã kháng cáo với phán quyết liên quan đến Lucie dựa trên bằng chứng pháp y được bổ sung. Vào ngày 16/12/2008, phiên tòa phúc thẩm tuyên bố Obara phạm tội bắt cóc, phân xác và phi tang thi thể của Lucie, nhưng không bao gồm sát hại. Luật sư bào chữa của Obara đã nộp đơn kháng cáo và bị Tòa án Tối cao Nhật Bản bác bỏ vào tháng 12/2010, bản án chung thân được giữ nguyên.

Vụ mất tích của Lucie Blackman đã thúc đẩy Richard Lloyd Parry – một nhà báo người Anh theo sát vụ án – tự tiến hành một cuộc điều tra và viết nên tác phẩm “People Who Eat Darkness”. Sau khi trao đổi với gia đình và một số bạn bè của Lucie, ông bắt đầu khám phá những góc tối của thủ đô Nhật Bản.

Cuối tháng 7/2023, một bộ phim tài liệu mang tên “Missing: The Lucie Blackman Case” dựa trên vụ án cũng sẽ được lên sóng Netflix. Đại úy Satoru Yamashiro hy vọng bộ phim tài liệu sẽ gửi thông điệp ý nghĩa: “Tôi hy vọng bộ phim này sẽ giúp ngăn chặn những thảm kịch tương tự. Thật kinh khủng, nhưng ít nhất tên tội phạm không ăn năn này đã bị loại khỏi đời sống trước khi hắn có thể làm hại người khác”.

Chia sẻ