Vô vàn những thiếu thốn “khó nói” của phụ nữ vùng lũ miền Trung

Văn Ngân,
Chia sẻ

Khi lũ về, người dân miền Trung, đặc biệt là phụ nữ gặp muôn vàn khó khăn và những thiếu thốn "khó nói".

Những thiếu thốn “khó nói” nhiều người chưa nghĩ tới

Thời gian qua, các tỉnh miền Trung đã phải đối mặt với nhiều cơn bão, lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tổ chức UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ), mỗi khi thiên tai xảy ra, người dân phải chịu muôn vàn những khó khăn, thậm chí là những thiếu thốn “khó nói”, nhất là phụ nữ.

Vô vàn những thiếu thốn “khó nói” của phụ nữ vùng lũ miền Trung - Ảnh 1.

Người dân vùng lũ chịu muôn vàn những khó khăn và thiếu thốn.

Cụ thể, điều cơ bản nhất là các địa điểm sơ tán người dân (nhà cộng đồng hoặc trụ sở UBND xã, trường học, hoặc nhà dân kiên cố…) thường không có chỗ ngủ riêng biệt theo giới tính. Họ thường phải chia sẻ không gian quá chật chội với nhiều gia đình, điều này làm hạn chế quyền riêng tư và có thể dẫn đến xung đột, thậm chí quấy rối và đe dọa nói chung.

Các điểm sơ tán cũng có thể không có nhà tắm và nhà vệ sinh hoặc thiếu thốn nhà tắm và nhà vệ sinh cho số lượng lớn người đến sơ tán,…

Vô vàn những thiếu thốn “khó nói” của phụ nữ vùng lũ miền Trung - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Nhâm, chủ tịch Hội phụ nữ xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, bà Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Người dân gặp rất nhiều khó khăn và cần thời gian dài để khắc phục. Một trong những đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai là người già, phụ nữ và trẻ em. Một số nơi nhà ngập hết, công trình vệ sinh cũng bị ngập, nước sạch thiếu thốn nên vấn đề vệ sinh của chị em gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Nhưng khi người dân đi sơ tán thì điểm sơ tán rất đông người, phòng vệ sinh hạn chế. Do đó, tới đây chúng tôi sẽ phải tham mưu cho lãnh đạo là trước khi sơ tán người dân, thì điểm sơ tán cần đảm bảo chỗ ở ổn định để chị em phụ nữ yên tâm ở lại”.

Theo UN Women, khi có thiên tai, nhiều phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú phải đối mặt với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật liên quan, đồng thời không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những căng thẳng khác, làm tăng nguy cơ sảy thai và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em;…

Vô vàn những thiếu thốn “khó nói” của phụ nữ vùng lũ miền Trung - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN về những thiếu thốn trong khi thiên tai xảy ra, bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết:

"Trong khoảng 1-2 ngày đầu, người dân vùng lũ rất cần đồ ăn, nước uống. Nhưng những người ở điểm sơ tán tập trung, nơi trú ẩn tại nhà của mình trên tầng cao vẫn thiếu những thứ mà chúng ta chưa nghĩ tới, như băng vệ sinh cho phụ nữ.

Lúc đó, quần áo của người dân cũng không đủ khô để mặc, họ cần những đồ mặc một lần trong một ngày rồi bỏ đi. Bà con vùng lũ rất cần những loại thuốc thông dụng như đau bụng, sốt… để cầm chừng trong một vài ngày vì không tiếp cận được với y tế. Do đó, bà con thường tự ứng cứu theo kinh nghiệm dân gian".

“Có nhà, có nước, có bếp nhưng không ở, không thổi, không nấu được”

Ông Trương Văn Long - Chủ tịch UBND xã An Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Chúng tôi vừa trải qua trận mưa lũ lịch sử, chưa bao giờ mực nước lại ngập cao như vậy. Xã An Ninh chúng tôi là vựa lúa của cả tỉnh, bình thường xuất gạo đi nhưng mưa lũ lịch sử khiến chúng tôi phải đi xin gạo về ăn.

Hiện nay, khôi phục lại cuộc sống đặc biệt là hệ thống trường học không hề dễ dàng do thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ. Trải qua hơn 1 tháng mưa ngập, ba cái khổ nhất của chúng tôi là có nhà nhưng không ở được, có bếp nhưng không thổi được cơm và có nước nhưng không uống được".

Vô vàn những thiếu thốn “khó nói” của phụ nữ vùng lũ miền Trung - Ảnh 4.

Ông Trần Quang Hoài – Phó trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Theo chính quyền các địa phương, hiện nay nhu cầu cấp thiết của người dân là được hỗ trợ kinh phí để khắc phục các công trình bị mưa lũ làm hư hỏng như: Trường học, y tế, giao thông, thủy lợi, cung cấp nước sinh hoạt,…

Hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi để phục vụ sản xuất đảm bảo đời sống; Các loại hóa chất, chất khử trùng môi trường nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh xảy ra sau lũ,...

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Quang Hoài – Phó trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cho đến nay người dân miền Trung vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là trong công tác khắc phục thiệt hại và khôi phục lại sản xuất. Ông Hoài thừa nhận khi thiên tai xảy ra những điểm sơ tán ở một số địa phương còn tồn tại một số bất cập.

"Các điểm sơ tán tránh trú bão tập trung thời gian qua ở miền Trung đã bảo vệ tính mạng của người dân rất tốt.

Nhưng những điểm sơ tán này chưa đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt của người dân được như bình thường, có thể nói là còn đang ở mức độ thấp. Nhiều điểm sơ tán dân ở tầng 2 của những công trình công cộng như trường học, trụ sở UBND... thường không gian chật chội vì số lượng người đông, không bố trí phòng ở riêng cho trẻ em và phụ nữ.

Đặc biệt, nhiều khu vực sơ tán tập trung như này thường không có nhà vệ sinh, đây là những điều kiện tối thiểu không có nên cuộc sống của người dân đến đây sơ tán "vô cùng khó khăn. Những nhu cầu tối thiểu như vậy sẽ là vấn đề đặt ra đối với các điểm sơ tán tập trung mà chính quyền địa phương cần phải quan tâm.

Một vấn đề nữa là những điểm sơ tán dân nơi công cộng, khi xây dựng thường làm bằng cửa kính, khi có gió bão mạnh cửa kính rất dễ bị vỡ, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng người dân", ông Hoài cho hay./.

Chia sẻ