Vợ mê hát, chồng say thơ, tổ ấm thành tổ lạnh

Theo PLVN,
Chia sẻ

Thú vui chồng vợ thay đổi đến chóng mặt khiến cho hạnh phúc gia đình cũng đảo điên theo…

Ca sĩ nhà
 
Tháng vừa rồi, khi xem lại sổ chi tiêu của gia đình, anh Vũ Anh Tuấn (Ngõ Gạch, Hà Nội) thấy ngạc nhiên khi các khoản chi phí cũng vẫn giống tháng trước, nhưng khoản tiền hai vợ chồng tiết kiệm định kỳ hàng tháng thì không có. 

Thắc mắc, anh Tuấn hỏi vợ và nhận được câu trả lời cùng nụ cười bẽn lẽn: “Em mới tìm ra mấy địa chỉ hát karaoke trực tuyến hay lắm, nên đã đầu tư mua tai nghe liền micro, dàn loa, phần mềm biên tập nhạc rồi”.
 
Rồi như để trấn an chồng, chị An vợ anh Tuấn nói tiếp: “Anh yên tâm cái món hát karaoke trực tuyến này chỉ mất chút xíu đầu tư ban đầu thôi chứ so với quán karaoke, phòng trà nhạc sống, phòng thu âm thì không tốn tí nào.”
 
Chị An - vợ anh Tuấn có sở thích đặc biệt với ca hát. Ngày xưa chị đã trốn bố mẹ đi thi vào trường nghệ thuật mấy lần nhưng đều bị lôi về vì “theo gì cái nghề xướng ca vô loài” – theo lời bố chị.

Vì thú vui của mình, nhiều cặp vợ chồng biến tổ ấm thành "tổ lạnh" (Ảnh minh họa)

Thế nên, khi xuất hiện loại hình hát karaoke thì chị trở thành fan ruột ngay cả khi đã có chồng con. Không tuần nào là chị không tụ tập đám bạn đi hát vài lần. Thấy vợ ham mê quá, anh Tuấn đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng tình hình chưa kịp thay đổi mấy, thì nay lại đến karaoke trên mạng.
 
Bẵng đi một dạo, đứa con gái học lớp 2 mách anh Tuấn rằng phải đến cả tuần nay nó phải tự đi học về một mình, qua đường rất sợ. Ngạc nhiên anh hỏi vợ là người vẫn chịu trách nhiệm đón con buổi chiều, thì chị cho biết “tại đợt này hội karaoke mạng đang chuẩn bị cuộc thi 'giọng ca vàng offline' nên phải luyện, mà muốn luyện thì phải đợi hết giờ làm, giờ đấy lại trùng với giờ đón con”.
 
Một thời gian sau đó, một người bạn của anh Tuấn rỉ tai rằng bắt gặp vợ anh thường ngồi quán cà phê gần hồ Ngọc Khánh với một người đàn ông lạ. 

Mất mấy buổi đi rình, anh Tuấn vỡ lẽ ra rằng đó là ông thầy dạy hát karaoke của vợ. Vì muốn trở thành “sao” trong cuộc thi “giọng ca vàng offline” sắp tới vợ anh đã tìm được ông thầy chuyên dạy hát karaoke. 

Và họ thường dẫn nhau ra quán cà phê vắng để luyện giọng. Tuy sự việc chưa có gì nghiêm trọng, nhưng đến lúc này anh Tuấn không thể tôn trọng thú vui của vợ được nữa… 
 
Nhà thơ xóm
 
Làm chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy nhưng anh Nguyễn Văn Thông (ở thị trấn Bần Yên Nhân, Hưng Yên) vẫn nuôi mộng một ngày kia sẽ trở thành thi sĩ. Của đáng tội mấy năm cấp 3 anh học lớp chuyên văn, những tưởng tương lai sẽ trở thành thầy giáo dạy văn, nhưng rồi do gia cảnh đông em, bố mẹ nghèo nên đành rẽ tắt học nghề sửa xe. 
 
Có ông chủ yêu thơ, nên quán sửa xe của anh trở thành câu lạc bộ của… các cụ hưu trí mê thơ. Lắm hôm mải nói chuyện thơ phú với các cụ, anh Thông quên cả mấy cái xe khách gửi sửa.

Chị Diên vợ anh bực mình lắm nhưng nói mãi rồi đâu vẫn đấy. Một tối đóng cửa hàng, anh Thông mở tủ cầm đi chục triệu.
 
Thấy lạ, chị Diên hỏi thì anh ậm ừ: “Đàn bà đừng hỏi việc lớn, rồi sẽ biết”. Tưởng chồng mang tiền đi lấy thêm linh kiện sửa xe, chị Diên cũng không hỏi thêm nữa. Nào ngờ, một lúc sau anh Diên khệ nệ bê về một dàn máy vi tính. Và, những ngày sau đó, anh Thông cứ ngơi việc cửa hàng là vùi mình vào chiếc máy tính một cách say sưa.
 
Không biết gì về máy móc nên chị Diên không hiểu chồng mình đang làm gì, chị bí mật gọi đứa cháu ruột đến nhờ điều tra chồng. Lựa lúc chú đi vắng, đứa cháu bật máy xem các tệp tin của cậu và cười toáng lên gọi chị Diên: “Dì ơi, hóa ra chú nhà mình làm thơ trên máy”.
 
Đến lúc này thì chị Diên đã hiểu mấy hôm nay đi chợ, mọi người cứ cười cười trêu chị: “Là vợ thần đồng thơ sướng nhé!”. Có mấy ai biết, vì mải chuyên tâm vào chuyện thơ phú mà anh Thông quên mất nghề kiếm cơm của mình, nhiều khách sửa xe quen đã không còn ghé cửa hàng do không chịu được sự chậm trễ và nhầm lẫn lung tung của ông chủ. 

Gia đình hai anh chị trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. 
Chia sẻ