Vợ hiền

Theo PNO,
Chia sẻ

Gần nửa năm kể từ ngày bị tai biến, một hôm, sau khi ăn sáng xong, anh Quân thấy mọi vật xung quanh tối sầm lại. Điều cuối cùng lưu lại trong trí nhớ là tiếng la thất thanh của chị Liên: “Ôi trời ơi! Anh làm sao vậy?”.

Sau cơn tai biến mạch máu não, anh Quân trở lại cuộc sống với bao khó khăn. Di chứng căn bệnh khiến cánh tay phải của anh bị liệt, sức khỏe giảm sút. Mỗi ngày ngồi ở nhà nhìn cảnh vợ loay hoay cơm nước, cắm hoa rồi giao hoa cho khách, lòng anh nặng trĩu nỗi buồn. Nhiều khi giật mình tỉnh giấc, anh Quân cứ ngỡ đó chỉ là giấc mơ. Đôi lần, anh tưởng mình không đủ mạnh mẽ để vượt qua thực tại phũ phàng khi trở thành một người tàn phế. Chính Liên - người vợ tần tảo đã vực dậy, dắt anh qua mọi khó khăn.
 
Gần nửa năm kể từ ngày bị tai biến, một hôm, sau khi ăn sáng xong, anh Quân thấy mọi vật xung quanh tối sầm lại. Điều cuối cùng lưu lại trong trí nhớ là tiếng la thất thanh của chị Liên: “Ôi trời ơi! Anh làm sao vậy?”. Khi anh tỉnh lại, chị đang nhìn anh với đôi mắt đỏ hoe. Anh bật khóc khi biết mình bị bệnh động kinh thứ phát, một di chứng của tai biến.
 
Theo lời dặn của bác sĩ, từ đó trong giỏ xách của chị Liên lúc nào cũng có hai trái chanh và một cái thìa. Sợ anh lo lắng, chị động viên: “Căn bệnh này dễ trị lắm. Bác sĩ dặn em, mỗi lần anh bị động kinh, em chỉ cần cho anh ngậm cái thìa để anh khỏi cắn vào lưỡi và vắt lát chanh vào miệng anh là ổn”. Từ đó, cứ cách một đến hai tuần, anh lại bị co giật. Mỗi khi tỉnh lại, chị luôn ở bên cạnh, nắm bàn tay anh thật chặt. Chị luôn mỉm cười để anh không cảm thấy sợ hãi. Những tháng sau, dường như chị Liên đã quen với những cơn động kinh bất chợt của chồng, chị khéo léo xử lý như một y tá chuyên nghiệp.
 
 
Lại một thử thách khác đến. Cả tuần liền, đêm nào anh Quân cũng thức trắng. Dù chị Liên đã tìm mọi món thuốc dân gian như chè hột sen táo tàu, canh nhãn lồng… nhưng anh vẫn không sao ngủ được. Chị lại chật vật đưa anh đến bệnh viện. Sau nhiều lần xét nghiệm máu rồi chọc tủy, một lần nữa chị bàng hoàng khi biết kết luận của bác sĩ. Anh bị chứng “đa hồng cầu”, một trong những căn bệnh hiếm và khó điều trị nhất. Suốt đoạn đường về nhà, anh biết chị đã khóc thật nhiều. Anh cứ ngỡ sau căn bệnh này, chị sẽ bỏ anh mà đi. Nhưng không, chị vẫn luôn bên cạnh anh...
 
Sáng sớm, chị thức dậy cùng anh đi tập thể dục. Mỗi tuần đều đặn, chị đưa anh đến bệnh viện tập vật lý trị liệu. Sau khi phẫu thuật, anh đã quên hầu hết chữ viết, con số, chị Liên lại trở thành cô giáo bất đắc dĩ. Chị dạy anh viết chữ, đánh vần, cộng, trừ, nhân, chia. Khi anh dần khôi phục ngôn ngữ, chính chị lại là người chủ động khuyên anh đi học tin học để cải thiện trí nhớ. Mỗi ngày bên anh luôn có một cô giáo nhiệt tình nhắc nhở việc học, anh không bao giờ có cảm giác cô đơn. Cánh tay phải của anh không thể nhanh nhẹn như trước nhưng cũng bắt đầu cầm nắm được các đồ vật trong nhà.
 
Mỗi lần tái khám, nhìn chị chen chúc xếp hàng chờ tên chồng, anh không cầm được nước mắt. Dù cả ngày vất vả với công việc buôn bán, cơm nước, nhưng buổi tối chị vẫn tranh thủ chở anh đến những quán nước quen thuộc. Chị luôn muốn tạo cho anh niềm vui dù bất kỳ ở nơi đâu. Vì vợ, mỗi ngày anh tự hứa sẽ cố gắng tập luyện để nhanh chóng hồi phục. Chị cho anh niềm tin, một ngày nào đó, cánh tay phải của anh sẽ mạnh mẽ như xưa, để lại làm chỗ dựa vững chắc cho chị.
Chia sẻ