Vợ cũ không sợ Quốc Bảo "nhảy dựng"

,
Chia sẻ

"Tôi xóa sạch bộ nhớ về hôn nhân cũ. Thỉnh thoảng tôi có nhìn thấy một số ký ức hiện về khi thoáng nghe những bài hát cũ mà anh ấy từng bảo là viết về tôi".

Tôi không thích dùng từ “phụ nữ”, vì từ ngữ văn hóa ấy không hợp với chị - người đàn bà đã bước sang tuổi 40, dáng thấp thấp, tròn tròn nhưng gương mặt vẫn còn nét thơ trẻ ấy. Trần Thị Thanh Loan giờ không phải là một “cô chim xanh” (BB = Blue Bird = Thanh Loan) bị giam cầm với những lưới rào giăng sẵn. Ông Trời xui khiến để chị sổ lồng, rồi đơn độc nhưng tự do, mộc mạc đi tìm lẽ sống mới cho mình.

Không đủ niềm tin vào đàn ông


Yêu nhau gần chục năm, từ thuở còn hàn vi “anh chở em trên chiếc xe đạp cũ”, chị và nhạc sĩ Quốc Bảo mới đi đến hôn nhân. Họ có với nhau một đứa con trai thông minh, đáng yêu. Lúc còn là một người vợ, Loan BB làm biên dịch cho vài tờ báo, nhân viên giao dịch một đại lý tàu biển, trưởng phòng nhân sự công ty quảng cáo…, ngồi bàn giấy đến “mòn đít” nhiều năm trời, kiếm tiền chăm lo, vun véo cho gia đình. Vậy mà khi chồng cũ của chị thành công trong sự nghiệp, có tiếng tăm thì hạnh phúc đó bắt đầu rạn nứt. Và chính chị đã viết hồi kết cho cuộc hôn nhân đó, thay vì cố gắng lấy keo dán nó lại, rồi tô vẽ lên đầy đủ màu sắc hạnh phúc như người đời vẫn làm.
 
Chị chấp nhận ra đi, mất mấy năm giằng co, đau đớn để giành quyền nuôi con. Cuối cùng, con chị ở với bố. Chị thì “rày đây mai đó” với nghiệp mới - chụp ảnh - một nhân duyên trời cho để lo thân và tạo dựng mọi thứ, chuẩn bị cho ngày được đón con trai trở về trong vòng tay mình.
 
Chị luôn nói với con trai, “với mẹ, con không phải là cả vũ trụ” để con đừng xem mình là số 1 rồi có những ảnh hưởng về sau. Nhưng nhìn vào mắt chị, nghe những gì chị nói, đọc những gì chị viết, tôi biết, con chị là tất cả với quãng đời còn lại của chị. Gần đây, bài phỏng vấn về cuộc hôn nhân cũ trên một tờ tạp chí đã khiến nhiều người quan tâm…

- Một một số người trên mạng đã cho rằng chị không nên "nói xấu chồng cũ trên mặt báo" như thế, dù gì hai người cũng ly hôn đã lâu. Chị nghĩ gì về những ý kiến đó?

“Nói xấu” là mình đánh giá thấp người khác hoặc cố tình bóp méo sự thật về người khác theo chiều hướng tiêu cực. Những gì tôi nói về chồng cũ của tôi hình như chỉ khiến anh càng có thêm nhiều điều kiện để tìm được nguồn hạnh phúc mới, tất nhiên không phải với tôi.

- Trả lời phỏng vấn về những ngày đã qua, chị không ngại những người còn lại trong cuộc… nhảy dựng với chị à?

Chuyện quá khứ của tôi chẳng dính gì đến các đề tài gây sốc hay cấm kỵ. Tôi không tin là người ta dễ nhảy dựng với những điều hết sức đời thường từ một người có đầy đủ tốt xấu đàn bà như tôi.

- Điều gì còn lại ở cuộc hôn nhân đó khiến chị quan tâm?

Tôi xóa sạch bộ nhớ về hôn nhân cũ. Thỉnh thoảng tôi có nhìn thấy một số ký ức hiện về khi thoáng nghe những bài hát cũ mà anh ấy từng bảo là viết về tôi. Còn lại thì toàn niềm an ủi rằng, con trai duy nhất của chúng tôi đang lớn khôn, nếu không trong vòng tay bố thì cũng sẽ là trong vòng tay mẹ chứ không ai khác.

- Tuổi 40 thì cũng đã phải lo toan một nơi để dựa khi về chiều. Giờ nếu có một người đàn ông đến và ngỏ lời yêu chị, chị có dễ gật đầu?

Chắc là không. Tôi thừa nhận bản thân mình không đẹp, không giỏi giang, không giàu có, nhưng đòi hỏi hơi nhiều ở đàn ông. Họ phải thông minh hơn tôi. Họ cũng đừng để tôi “đọc” hết con người của họ. Nhiều người bạn cứ la, “Loan ơi, Loan cứng cỏi quá, độc lập quá thì sao mà lấy được chồng”. Thú thật, đến độ tuổi này, tôi bắt đầu ích kỷ rồi. Tôi đã hy sinh nhiều thứ trong quãng đời trước đây, giờ thì số phận sắp đặt cho tôi được sống theo ý tôi.

Cái nữa, tôi không đủ niềm tin vào đàn ông. Họ cũng giấu vợ, dối con mà đến với mình chứ người đàn ông chưa vợ, họ chọn các cô gái trẻ đẹp hơn mình mất rồi. Ngay cả người đàn ông như chồng cũ của tôi, anh ấy cũng sẽ tìm gái hai mươi mà yêu chứ dại gì đâm đầu vào gái bốn mươi như mình. Tôi cũng không thể yêu một chàng trẻ hơn mình vì không thích làm “máy bay bà già”. Còn trường hợp nếu gặp một người đàn ông già hơn mình (đã ly dị rồi) thì tôi không đủ kiên nhẫn, đủ sức lực để gánh vác và xoa dịu quá khứ của họ nữa. Đời tôi đã nhiều bi kịch rồi, tôi không muốn gánh thêm một bi kịch nữa.

Tóm lại, tôi đã bốn mươi, nói một cách hơi quá, thấy ngày của mình gần tàn rồi, chả muốn tạo thêm nghiệp làm gì. Tôi chỉ có một khao khát được đi khắp nơi trên thế giới, làm những điều tốt đẹp nhất cho cha mẹ, con cái của mình mà thôi. Con trai tôi, người đàn ông mà tôi yêu nhất, tôi còn không được ở bên cạnh nó thì tôi có thể sống được với ai. Bây giờ, tôi trốn tránh số phận bằng cách nhìn vào ống kính, lấy đó làm niềm vui sống của mình.

Chưa bao giờ chán trẻ con, chỉ chán người lớn


Sau một thời gian dài căng thẳng, mệt mỏi việc ra tòa, tranh giành quyền nuôi con với chồng cũ, nhạc sĩ Quốc Bảo, Loan BB định ra nước ngoài sống để trốn nỗi buồn, trốn quá khứ giày vò, đau khổ và ám ảnh. Nhưng qua đó rồi làm gì? Chẳng lẽ đi làm nail? “Sẵn có chút năng khiếu, tôi nghĩ hay là mình đi học chụp hình, rồi qua bên đó chụp hình trẻ con ở các trường mẫu giáo”, chị thổ lộ. Nghĩ là làm. Chị dốc vài chục triệu dành dụm được để đầu tư máy móc. Những ngày đầu tiên mua máy ảnh về nhà, chị giấu kín vào tủ không dám cầm, không dám nhìn vì… sợ. Phải 2 tuần sau, chị mới mò mẫm chụp bằng chế độ tự động cài sẵn trên máy. Chị đem con cháu trong nhà ra “thực tập”.

Sau đó, chị mang hình đi rửa thì gặp một anh có kinh nghiệm nhiếp ảnh. Người này nhận xét, động viên chị, bảo rằng chị có “năng khiếu” chụp trẻ con, nên theo đuổi đề tài này. Thế là chị đi chụp trẻ con khắp nơi, trong và ngoài nước. Từ chỗ chụp bằng chế độ tự động, chị cũng đã chuyển sang mày mò chế độ chụp manual, tự học các khái niệm tốc độ, khẩu độ, độ bắt sáng, góc máy, khoảnh khắc… và từ từ làm tốt công việc lúc nào không hay.
 
Và chỉ sau một thời gian ngắn, tay nghề của chị ngày càng vững vàng và được nhiều người biết đến. “Chụp xong, tôi đưa hình lên trang blog cá nhân, viết lách cho khuây khỏa, rồi báo chí biết đến tôi, mời tôi cộng tác cho đến bây giờ”, chị cười cho biết thêm.

- Nhìn vào sản phẩm chân dung của chị, người ta thấy trĩu nặng những sức mạnh nội tâm hoặc đẹp một cách rất tự nhiên, trong trẻo. Đâu là những bí quyết của chị?

Tôi chụp hình theo bản năng, chứ chưa qua trường lớp nào cả. Tôi nghĩ mình muốn thành công thì mình phải có cái riêng của mình. Cái riêng của tôi là tôi lắng nghe bản năng của mình và thể hiện nó trên sản phẩm. Theo tôi, nếu bạn muốn là thợ chụp hình thì hãy học trước rồi hành nghề sau, và thế giới sẽ có hàng ngàn người giống bạn. Nhưng nếu muốn làm người chụp hình có cái riêng, hãy cứ cầm máy, tự mình tìm tòi và chụp đi đã, rồi hãy học hành bài bản sau. Tôi vẫn đang mày mò, và đang muốn học “bài bản” lại đây.

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng thành công về đề tài trẻ con trên thế giới là bà Anne Geddes. Đây cũng là người gợi cho tôi nhiều cảm hứng để làm nghề. Nhưng tôi nghĩ nếu mình đi theo là mình bắt chước, cho nên tôi cũng rất loay hoay ngay từ ban đầu. Sau đó, tôi xác định mình không nên giống bà ấy là mang trẻ con đến studio, mà tôi phải đi đến tận nơi, tiếp xúc tại chỗ nơi bé đang sinh hoạt, môi trường mà bé đang sống và tận dụng ánh sáng tự nhiên có sẵn. Kết quả là tôi có một kho ảnh trẻ con nhiều màu sắc, nhiều văn hóa, nhiều cảm xúc khác nhau.

- Tháng 8.2007, chị mới bắt đầu vào nghề, và con trai là người mẫu đầu tiên của chị, nhưng lên mạng, ít thấy chị post ảnh cu cậu. Chị sợ mang ảnh con lên rồi người ta bình luận, nói mắt giống mẹ, lỗ mũi giống ba hay sao…?


Không phải vậy. Tôi có chụp cho con một số tấm, nhưng con mình không phải là một người mẫu tuyệt vời duy nhất của mình. Đâu phải cứ mê con mình thì suốt ngày đem con mình ra làm mẫu. Đâu phải yêu con rồi tạo thành tác phẩm. Con mình đẹp nhưng con người ta còn đẹp hơn.
 
Mỗi đứa trẻ là một bản thể đặc biệt. Nếu bạn không thấy vẻ đẹp của những đứa trẻ khác thì không làm được nghề này, phải có cái nhìn khách quan. Có những đứa trẻ ban đầu mới tiếp xúc nhìn không có gì đặc biệt nhưng sau đó, dần dần, mình thấy bé rất thú vị. Tôi thích gần gũi trẻ con qua ống kính, chúng xoa dịu bản năng làm mẹ của mình.

- Đến bao giờ chị mới thấy… chán trẻ con?

Có những bé có sẵn tố chất người mẫu trong người, biết diễn xuất trước ống kính nên chụp rất nhanh, nhưng cũng có những buổi chụp mất cả mấy tiếng đồng hồ, có khi chỉ ngồi chơi với bé mà chẳng chụp tấm nào. Tôi nghĩ cái đó mất mà được, mình mất rất nhiều thời gian nhưng mình được chơi với trẻ con, đó là niềm vui và kỷ niệm tuyệt vời mà không phải dễ gì ai cũng có được.

Đôi khi, sản phẩm cuối cùng chỉ chọn được vài tấm hình, đăng báo nhuận ảnh chẳng được bao nhiêu. Có giá trị chăng là mươi, mười lăm năm nữa nhưng tôi luôn… kính trọng trẻ con. Chính những ánh mắt trẻ đã giúp tôi có thêm động lực, có thêm niềm vui sống và có thể trụ lại với nghề.

Hồi trước, tôi có giữ mục chân dung phụ nữ và trẻ con trên một tờ báo. Nhiều phụ huynh viết thư về hỏi làm thế nào để cho con tôi lên báo. Tôi thấy trẻ con hồn nhiên mà người lớn tính toán quá, vì thế, tôi chán công việc đó nên tạm ngưng. Mình xác định ngay từ đầu có những trẻ con gia đình nghèo mình cũng chụp, chụp miễn phí vẫn vui nếu mình tạo ra được tác phẩm đẹp đẽ về trẻ thơ. Động cơ cầm máy hướng vào trẻ con là do mình mất cái duyên nuôi con, yêu trẻ con, nên đề tài đầu tiên là về trẻ con và đeo đuổi nó lâu dài là vì vậy. Sự tính toán của người lớn làm mình mất cảm hứng chứ mình không bao giờ chán trẻ con được cả.


- Ngoài đề tài trẻ con, vẫn thấy chị chụp ảnh cho người mẫu, ca sĩ, doanh nhân… và cả người bình thường. Vậy chụp ảnh cho người lớn chắc dễ hơn trẻ con nhiều, chẳng phải mất sức “dụ dỗ” và ngắm nghía cho lâu?

Không hề. Tôi thích chụp những người già thì già hẳn hoặc trẻ con thì trẻ con hẳn. Chứ đối tượng “sồn sồn” nhiều khi khó chiều lắm. Hình tôi chụp thật quá, nên có khi mích lòng. Một số người đã ở độ tuổi trung niên mà cứ muốn mình là cô gái 20, phải trẻ trung, phải hết sức mướt mát, mịn màng… Họ không đủ sức mạnh để thừa nhận mình đã già, phải chấp nhận có những nếp nhăn trên khuôn mặt, trên cánh tay. Họ cứ loay hoay đứng, ngồi, diễn sao cho họ giống người mẫu thì không thể diễn tả được vẻ đẹp nội tâm của mình được. Vì vậy khó để có thể có một bức hình đẹp. Họ không hiểu mỗi độ tuổi có vẻ đẹp riêng của nó.

- Nghe đồn là chị cũng không thích chụp cho những người đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ?

Những người đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, muốn già cũng không già được, muốn đẹp lão cũng không thể đẹp lão được. Chân dung quan trọng là ánh mắt, khi đã sửa, mắt không còn lanh nữa để có thể làm nên một chân dung đẹp. Nếu được đề nghị thì tôi cũng nói trước là sẽ không đẹp long lanh, lung linh như họ muốn. Tôi cũng đã từ chối vài trường hợp vì không muốn can thiệp photoshop quá nhiều.
 
Tôi thích những vẻ đẹp “thuận thiên”. Tôi đã chụp cho cô Nguyễn Doãn Cẩm Vân. Cô không trang điểm, không son phấn nhưng nhìn phúc hậu kinh khủng và có một cái thần thái đẹp tuyệt vời mà người phụ nữ khác không có. Tôi cũng có dịp chụp hình cho phu nhân của cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, người phụ nữ giản dị, chân thật và rất truyền thống. Tôi rất xúc động trước sự giản dị của họ.

Mong về già “ra đi” trong giấc ngủ
\

Hậu chia tay nhạc sĩ Quốc Bảo, dường như Loan BB yêu đời hơn, hài hước hơn, lạc quan hơn, tự tin hơn. Chị cũng có thêm khá nhiều bạn bè, đặc biệt là bạn bè trên mạng cộng đồng. Họ chia sẻ với chị về những bức hình chị vừa chụp, những câu status, những mẩu note chị vừa treo lên. Mà những câu status hay note của chị chẳng phải gì to tát lắm. Đó là chuyện chị ghi được trên đường đi chụp ảnh, chuyện con cháu, ăn uống, những tâm trạng thường nhặt và những bức xúc của mình. Chị có cái duyên khiến người khán giả phải “rần rần”, phải comment. Cần tình cảm, sẽ tình cảm, cần duyên dáng, sẽ duyên dáng, cần tưng tửng, sẽ tưng tửng, cần giang hồ, sẽ giang hồ.

- Chị hay nói chị sống “thuận thiên”. Thực tế cho thấy, chị cãi lại ông trời nhiều thứ lắm?

Tôi cho rằng về duyên số thì tôi với chồng tôi đã cạn tình nên việc chia tay nhanh chóng, thuận tình đến thế rồi tôi chẳng mơ cãi số mà quay lại. Còn công việc cũ trước kia, tôi cũng không phải là người cãi sếp đâu, chỉ vì công việc cần người thích hợp hơn nên nhân sự có thay đổi, đó cũng là lẽ thường tình.

Để biết thuận thiên hay không, thì bạn sẽ cảm nhận được ngay khi thức dậy mỗi buổi sáng. Nếu bạn không còn muốn đến cơ quan nữa khi thấy mình thừa thãi, và bạn biết bạn sẽ làm công việc khác một cách “xuôi chèo mát mái” hơn, thì tại sao bạn lại không cho mình có một lựa chọn thích hợp? Từ khi chọn nghề chụp hình, tôi thấy tôi vui, người thân tôi hài lòng, lại làm ra được thu nhập nuôi sống mình bằng chính sở thích của mình, tôi không còn mơ gì hơn thế nữa. Mỗi sớm thức dậy, tôi đều cảm ơn trời đất đã cho tôi đến với cái nghề này.

Giờ thì tôi thích sống một mình. Nói không cần đàn ông nữa thì hơi quá nhưng năng lượng của tôi đã dành hết cho nhiếp ảnh. Nhưng biết đâu, nếu tôi chưa hết nợ đàn ông, thì có ngày tôi phải trải qua cái “ải đàn bà” một lần nữa.

- Sau khi vùi đầu vào công việc, rồi trở về nhà, chị làm gì để giết cảm giác cô đơn?

Bề ngoài, bạn thấy cuộc sống trên thế giới ảo của tôi sôi nổi như vậy nhưng cuộc sống thật của tôi hơi chán. Về nhà, tôi tự tay mình nấu cơm, ăn xong thì nghe nhạc rồi ngủ, mỗi ngày tôi ngủ phải cả chục tiếng. Tôi muốn sau này, về già, tôi chết cũng chết trong giấc ngủ. Tôi tiên liệu trước được số của mình.

Theo Mỹ Thuật
Chia sẻ