Vì... vợ nhà quê

Ngọc Bình,
Chia sẻ

Vì khinh vợ nhà quê, anh tìm mọi cách thoái thác về quê thăm bố mẹ vợ.

Chồng khinh, vợ lép vế vì là gái quê

Ai cũng nói chị Lụa thật may mắn khi “vớ” được anh Quyền, trai thành phố chính gốc. Trong đám cưới của chị, cô bạn thân đến vỗ vai: “Nhất mày nhé, lấy được trai phố vừa đẹp trai, vừa có nhà cao cửa rộng”.

Chị cũng cảm thấy may mắn vì lấy được người mình yêu. Và một phần quan trọng không kém, anh có nhà Hà Nội, niềm mơ ước của bất cứ cô gái ngoại tỉnh nào.

Nhưng hạnh phúc không phải lúc nào cũng tròn trịa. Anh yêu chị thật lòng nhưng không trọn vẹn vì trong mắt anh, chị là gái quê, luôn có nhiều thiếu xót.

Anh soi xét chị từ chuyện nhỏ tới chuyện to. Ví dụ, khi ăn, chị hay há to miệng, anh giảng giải: “Em đừng há miệng to quá khi nhai. Bất lịch sự lắm”. Mọi việc sẽ chỉ đơn giản là chồng dạy vợ nếu như anh không kèm theo câu giễu: “Gái quê thường thế. Bây giờ ở thành phố, em phải bỏ thói quen quê mùa đó đi”.

Rồi tới lúc chị xỉa răng, anh cũng bình luận: “Xỉa răng thì phải lấy tay che miệng lại chứ. Nhìn nông dân chết!”.

Trong chuyện lớn, khi sửa lại nhà, chị vất vả chọn lựa đồ đạc, anh gạt phăng đi và nói: “Đồ em chọn quê lắm. Làm sao mà hợp với phong cách thành thị được”.

Chị Quyên cũng thường xuyên bị anh Bính, chồng chị chê bai quê mùa. Mọi thứ chị mua, mọi thứ chị làm đều bị anh gắn mác “hai lúa”. 

Không chỉ chê vợ quê, anh còn chê cả gia đình vợ. 

Vì... vợ nhà quê
Vì chồng khinh gia đình chị quê mùa nên mẹ con chị hiếm khi được về thăm bố mẹ đẻ (Ảnh minh họa)

Mỗi lần hai vợ chồng về quê là mỗi lần chị cảm thấy cực hình. Đi đến nhà họ hàng, dù không lớn tiếng chê bai nhưng anh hay ghé tai vợ, thậm chí nói trước mặt bố mẹ vợ rằng nhà anh Nam to nhưng thiết kế quê một cục hay nhà ông Thường giàu mà không biết đường trang trí nội thất cho hiện đại.

Dù khó chịu với chồng mỗi khi về quê nhưng chị vẫn mong “được khó chịu” vì anh luôn trốn tránh trách nhiệm thăm nom bố mẹ vợ.

Chị Quyên tâm sự: “Cách nhà bố mẹ đẻ có 20 cây số nhưng cả năm tôi chỉ về nhà được 3,4 lần. Tất cả là do anh ấy chê gia đình tôi quê mùa, không hợp với cách sống thành phố hiện đại của anh. Tôi buồn lắm nhưng chẳng thể nào nói lại anh được”.

Quê mùa cũng có quyền hưởng hạnh phúc

Chị Quyên thương bố mẹ đến thắt lòng. Chị cho biết: “Bố mẹ tôi có hai con gái. Chị tôi lấy chồng trong Nam, vài năm mới về một lần nên các cụ chỉ biết trông ngóng gia đình tôi. Tôi biết, hàng đêm trong giấc ngủ, các cụ vẫn mơ chúng tôi về vui vầy bên các cụ”.

“Nhưng tôi thật bất hiếu, cứ để các cụ mòn mỏi chờ đợi. Tôi nhu nhược, không đấu tranh được với chồng để đưa con về thăm các cụ thường xuyên. Chồng tôi không bao giờ muốn về cái nơi mà anh ấy gắn cho hai chữ quê mùa”.

Một lần, chị đưa con gái về nhà sau nửa năm không lai vãng, chị thấy đôi mắt mẹ già rưng rưng ngấn lệ. Chắc bà giận chị lắm nhưng bà không thể hiện vì bà nghĩ: “Mình mắng nó, nó không về nữa, mình buồn đến chết”.

Như hiểu được tấm lòng người mẹ, chị quyết tâm “chiến đấu” với chồng. 

Khi về nhà, chị thẳng thắn trao đổi với anh. Hai người đã có trận khẩu chiến kịch liệt. Chốt lại, dù chồng giận, chị tuyên bố vẫn sẽ về thăm bố mẹ thường xuyên hơn.

Chị nói trong dòng nước mắt: “Anh khinh em, khinh gia đình em quê mùa, anh còn lấy em làm gì? Đúng là bố mẹ em đôi khi có nhiều hành động ấu trĩ thật nhưng có đến mức anh khinh rẻ như vậy không?”.

Sau “cuộc chiến”, chị quyết tâm làm người con hiếu thảo, chị mạnh mẽ tới mức anh cũng phải xem lại suy nghĩ, lời nói và hành động của anh trước đây.

Rất may, cuối cùng đã cũng xuống nước, làm lành với vợ và quan tâm tới bố mẹ vợ hơn. Những lời nói miệt thị người nhà quê của anh ngày càng ít đi.

Giống như chị Quyên, sau một năm trời chịu đựng, chị Lụa cũng lên tiếng phản đối thái độ khinh miệt nhà quê của chồng.

Sau nhiều tranh cãi nảy lửa, anh Quyền chốt lại: “Đúng là anh có hơi quá lời nhưng công bằng mà nói, anh có nhận xét sai đâu. Em lúc nào cũng tuyền toàng, bộc tuệch, ăn to, nói lớn, làm gì cũng chẳng ngó trước trông sau. Anh nói mãi em vẫn không chịu sửa”.

Đến lúc đó chị mới chợt nhận ra đúng là anh có hơi quá đáng nhưng lời anh nói có sai tí nào đâu. Đôi khi chị quá nhạy cảm với nhận xét của anh mà chụp mũ anh chỉ biết chê bai.

Thế là chị cười xòa: “Thôi cả hai vợ chồng mình cùng sửa”.

Chia sẻ