“Tử tước và em” – một câu chuyện tình “không hoàn hảo”

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Và cứ như thế, họ dẫn dắt người đọc cùng bước vào cuộc chơi của họ, để cùng cười, cùng thích thú, cùng hồi hộp và cùng thăng hoa trong những cung bậc nồng nàn, mê đắm của tình yêu.

Tử tước và em

Tác giả: Julia Quinn
Dịch giả: Tùng Hân – Thảo Uyên

NXB Hội Nhà Văn
Giá bìa: 95.000



Anthony Bridgerton vẫn luôn biết rằng mình sẽ chết trẻ” – Julia Quinn đã mở đầu cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai về gia đình Bridgerton của mình như thế. Lời mở đầu ấy cũng chính là nguồn gốc của mọi mâu thuẫn và trái ngang trong câu chuyện tình yêu của chàng tử tước, một câu chuyện tình lãng mạn, hài hước và thật sự “gay cấn”!

Anthony Bridgeton, anh cả trong gia đình Bridgerton danh giá đang là đối tượng “đắt hàng” nhất trong “hội chợ hôn nhân” ở London, mục tiêu của “những bà mẹ tham vọng” và những cô tiểu thư đến tuổi gả chồng. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là trong số những quý cô ấy lại có một người luôn coi anh là lựa chọn tồi tệ nhất trong những lựa chọn tồi tệ. Cô là Kate Sheffield, con gái cả trong một gia đình đang đến hồi sa sút ở vùng quê Somerset.


Kate Sheffield chỉ là một cô gái quê mùa 21 tuổi mà chưa từng có một lời cầu hôn, là người luôn phải đứng sau cái bóng của cô em gái cùng cha khác mẹ, Edwina. Phải, Edwina, bất cứ ai cũng chỉ là cái bóng khi đứng cạnh Edwina, bông hoa hồng xinh đẹp khiến cả London phải chao đảo. Edwina, với vẻ duyên dáng yêu kiều và nụ cười tỏa nắng, với một trí thông minh và nét hài hước vừa đủ để làm mềm trái tim đàn ông. Và Edwina cũng chính là mục tiêu mà chàng tử tước Anthony hướng đến cho ngôi vị hôn thê đáng mơ ước.

Cô em gái của Kate sở hữu tất cả những gì mà Anthony Bridgeton cần cho một người vợ: xinh đẹp, thông minh và điềm đạm, hấp dẫn mà không làm cho máu anh phải sôi lên, và quan trọng nhất, là anh… không yêu cô! Sự thật là Anthony không muốn một người - vợ - để - yêu, sau tất cả những gì mà anh đã chứng kiến từ cuộc hôn nhân của cha mẹ mình. Cha mẹ anh yêu nhau, một tình yêu mà bằng chứng rõ ràng nhất là 8 đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau mang họ Bridgeton lần lượt ra đời. Nhưng tình yêu cũng biến thành nỗi đau đớn khi cha anh bỗng lìa đời ở tuổi 39, bỏ lại người vợ trẻ trung và 8 đứa trẻ. Anthony ngưỡng mộ cha. Ông là thần tượng vĩ đại trong trái tim anh, đến mức anh đã tin tưởng một cách mù quáng rằng, cả cuộc đời này anh sẽ không bao giờ vượt qua được cha mình, thậm chí cả vấn đề tuổi tác.


Anh đã tin tưởng như thế, như một hội chứng tâm lý đôi khi xảy ra ở những người vừa gặp cú sốc lớn. Và đó cũng là điều ngăn anh đến với một tình yêu thực sự. Anh sợ yêu, bởi anh biết anh sẽ sớm rời bỏ người mà anh yêu thương. Anh sợ một ngày tình yêu của mình lại biến thành nỗi tuyệt vọng và mất mát. Anh sợ cho đi vì không dám nhận lại. Anh sợ tất cả những cảm xúc thăng hoa và nồng nhiệt mà con tim đem lại sẽ lấn át ý chí sắt thép trong con người mình.

Nhưng cuối cùng, Anthony vẫn không cưỡng lại được tình yêu. Đó là khi anh gặp Kate và trò chuyện cùng cô. Dẫu cho mọi cuộc trò chuyện ấy hầu như đều dẫn đến tranh cãi, bởi sự bướng bỉnh của cô và sự cứng đầu của anh. Họ giống như nước với lửa, như Mặt Trăng với Mặt Trời. Nhưng họ lại yêu nhau, bởi nguồn năng lượng của sự đồng điệu đã nhen nhóm hai tâm hồn, gắn kết hai trái tim. Anthony đã yêu Kate bằng cả trái tim, nhưng lại ép buộc lý trí tự phủ nhận tình cảm ấy. Kate yêu Anthony bằng cả tâm hồn, đến mức sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng anh không hề mong muốn tình yêu của cô. Cứ như thế, họ rượt đuổi nhau trong cuộc chơi số phận. Và cứ như thế, họ dẫn dắt người đọc cùng bước vào cuộc chơi của họ, để cùng cười, cùng thích thú, cùng hồi hộp và cùng thăng hoa trong những cung bậc nồng nàn, mê đắm của tình yêu.


Có một sự thật là trước khi đọc “Tử tước và em”, tôi đã không nghĩ mình sẽ thích cuốn sách này. Bởi đã từng đọc qua hai cuốn tiểu thuyết với đề tài tương tự của Julia Quinn, tôi không tin nữ tác giả này có thể tiếp tục thu hút tôi bằng cuốn sách thứ ba chắc chắn sẽ có nhiều dấu hiệu lặp lại của hai cuốn tiểu thuyết trước. Nhưng có lẽ tôi đã không đúng hoàn toàn. Có thể tôi không thích “Tử tước và em” theo cái cách mà tôi đã thích “Công tước và em” hay “Lãng quên em sau mùa vũ hội”. Nhưng khó có thể nói đây là cuốn sách không hay sau chừng ấy nụ cười và những “cuộc đấu tay đôi” thú vị của hai nhân vật chính. Và một điều nữa, cũng chính là điều mà Quinn đã thú nhận ngay trong lời tựa cuốn sách, đó là cách bà xây dựng hình mẫu nhân vật trong tiểu thuyết của mình – những con người “không - hoàn - hảo”. Anthony Bridgeton đẹp trai, thông minh nhưng không hoàn hảo, và Kate Sheffield cũng vậy. Bởi những nhân vật hoàn hảo đơn giản sẽ chỉ tạo nên một câu chuyện buồn tẻ hoàn hảo. Và hơn nữa, đây là một câu chuyện tình. Trong những câu chuyện tình, có lẽ chẳng ai cần hoàn hảo trước cả thế giới. Mỗi người chỉ cần hoàn hảo trong mắt của một người là đủ!
Chia sẻ