“Dona Flor và hai người chồng”: Tinh thần, vật chất, bên nào nặng hơn?
“Dona Flor và hai người chồng” thực sự là một cuốn sách “nặng ký”, nặng cả về số trang và về những tư tưởng được Jorge Amado gửi gắm.
Dona Flor và hai người chồng
Tác giả: Jorge Amado NXB Văn Học |

Với tôi, “Dona Flor và hai người chồng” thực sự là một cuốn sách “nặng ký”, nặng cả về số trang và về những tư tưởng được Jorge Amado gửi gắm. Đây có lẽ cũng là cuốn sách mà tôi phải mất nhiều thời gian nhất để đọc, từng trang, từng trang, thậm chí đọc đi đọc lại.
Nhân vật chính của câu chuyện là Dona Flor, một phụ nữ Braxin xinh đẹp, gợi cảm, nổi tiếng đoan trang, tiết hạnh, và được biết đến như một cô giáo dạy nấu ăn tài năng. Thế nhưng cuộc đời của cô lại diễn biến không hề suôn sẻ. Ngay trong những trang rực rỡ nhất của cuộc đời, cô vụt trở thành bà góa bởi cái chết bất ngờ của người chồng, Vadinho. Vadinho, anh chàng đẹp trai, phóng đãng, đa tình, kẻ ngày đêm la cà ở sòng bài, ve vãn tán tỉnh tất cả mọi phụ nữ, kẻ sẵn sàng đánh vợ vì cô không cho hắn tiền chơi bạc.

Sau cái chết của Vadinho, người ta ngỡ vậy là Dona Flor từ nay được giải thoát khỏi gã chồng cờ bạc vô tích sự. Nhưng chẳng ai biết rằng, vắng Vadinho, Dona Flor chỉ còn là cái xác không hồn. Bề ngoài, cô là góa phụ đoan trang, tiết hạnh. Bên trong, cơ thể cô kêu gào vì đói khát. Ban ngày, cô là cô giáo đứng đắn, nghiêm nghị. Ban đêm, cô thả mình trong những giấc mơ phóng đãng nhất. Cô sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào, cho đến khi cuộc hôn nhân thứ hai đến…
Người chồng thứ hai của Dona Flor là sự tương phản hoàn toàn với người chồng thứ nhất. Theodoro, một dược sĩ đứng đắn, nghiêm trang, một lòng yêu vợ. Người ta lại kháo nhau, vậy là Dona Flor đã tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời mình, một hạnh phúc xứng đáng. Chẳng ai biết đằng sau cái vẻ tươi cười của quý bà Dona Flor tiết hạnh là một tâm hồn đầy những giằng xé vì mâu thuẫn. Theodoro cho cô một cuộc sống gia đình đáng mơ ước, nhưng lại quá đỗi nguyên tắc và nhàm chán. Đó là khi Dona Flor, một cách vô thức, bắt đầu nhớ về người chồng thứ nhất. Và đó cũng là khi Vadinho trở lại, trâng tráo nằm trên chiếc giường của chính cô, mời gọi cô. Nhưng kỳ lạ thay, không ai có thể nhìn thấy anh ta, ngoài Dona Flor.

“Dona Flor và hai người chồng” là tác phẩm đầu tiên của văn học Braxin mà tôi được đọc, một tác phẩm đậm màu sắc văn hóa ẩm thực và âm nhạc Bahia, với thần Xangô, với samba, lễ candomblé, rượu cachaca… Cả một đất nước Braxin tươi đẹp và quay cuồng trong vũ điệu của những thiếu nữ da màu, một đất nước Braxin rực rỡ sắc màu và huyền bí trong câu chuyện về những thầy phù thủy đã hiện lên đầy sinh động qua ngòi bút của Jorge Amado. Hài hước nhưng cũng đầy tính triết lý, “Dona Flor và hai người chồng” đã vượt qua giới hạn của một “một câu chuyện đạo đức, câu chuyện tình yêu” như lời giới thiệu ban đầu của nó để trở thành một “trận chiến khủng khiếp giữa tinh thần và vật chất”. Trận chiến ấy chính là cuộc đấu tranh nội tâm của Dona Flor, trải dài suốt hai cuộc hôn nhân của mình.
Tinh thần, ấy chính là những trăn trở về tiết hạnh, phẩm giá và đạo đức của người phụ nữ. Còn vật chất, ấy là khát khao nhục dục, bản năng giới tính và nhu cầu lạc thú. Tinh thần là hiện thân của chàng dược sĩ Theodoro, người chồng mẫu mực. Còn vật chất lại là đại diện của Vadinho, kẻ phóng đãng, đa tình. Trong cuộc chiến ấy, bên nào sẽ thắng? Người đọc sẽ phải đi hết chiều dài câu chuyện để tìm câu trả lời.
Nếu là bạn, bạn sẽ chọn bên nào? Một bên là Vadinho và một tình yêu đầy mê đắm, nhưng chỉ có thế. Còn một bên là Theodoro với nhà cửa, sự chung thủy vợ chồng, sự tôn trọng, trật tự, sự quý mến và chốn an toàn. Theodoro, tình yêu được tạo thành từ sự tôn thờ, trân trọng, nhưng cũng bởi thế mà lại nhàm chán. Vadinho, thứ tình yêu không thuần khiết, tội lỗi và bất kính, phóng đãng và nồng nhiệt những cũng bởi thế mà đau khổ.

Câu trả lời lại nằm ở chính những lời thổ lộ của Vadinho với người vợ của mình: “Anh (Vadinho) là chồng của Dona Flor tội nghiệp, người đến đánh thức nỗi lo âu trong em và gặm nhấm dục vọng ẩn sâu trong người em, trong sự cả thẹn của em. Anh ta (Theodoro) là chồng của quý bà Dona Flor, anh ta chăm sóc cho tiết hạnh của em, cho danh dự của em, để em được đời tôn trọng. Anh ta là khuôn mặt của em lúc buổi sáng. Anh là bóng đêm của em, người tình em không sao cưỡng lại được, cũng chẳng có can đảm làm thế. Cả anh và anh ta đều là chồng em, là hai khuôn mặt của em, mặt phải, mặt trái của em. Em cần cả hai để được hạnh phúc.”
Vậy là đã rõ, cuộc sống của chúng ta không thể thiếu tinh thần, nhưng cũng không thể chối bỏ vật chất. Chúng ta cần cả hai để được hạnh phúc. Mọi cuộc chiến đấu đều là vô nghĩa. Cốt lõi của vấn đề nằm ở khả năng dung hòa của mỗi người, cân bằng giữa tinh thần và vật chất, và cân bằng cuộc sống này.