Vẫn còn những người thầy 'vật lộn' với phong bì

,
Chia sẻ

Dân gian có câu, "muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy". Ngày nay, phải chăng tình cảm ấy được chuyển hóa sang một dạng khác - mỏng hơn, nhẹ hơn - là "phong bì".

Cùng với sự "lượng hóa" này, mối quan hệ thầy trò đang có nhiều thay đổi. VietNamNet đã gặp gỡ những người thầy, cô và học trò các thế hệ từ những năm 1930 đến 1990 để lắng nghe những cảm nhận của họ.

Hội Phụ huynh HS tặng quà lưu niệm tiễn cô Hà Thị Mười Một thuyên chuyển sang Trường Trung học Pleiku, năm 1972. (Ảnh: Theo kekhopk.com).

Thế hệ 3X: "Muốn trò giỏi, phải yêu trò trước đã" - PGS TSKH Nguyễn Tuyết Minh (1938), giảng viên Khoa Quốc tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
"Chúng tôi không mắc sai lầm gì nhiều cũng là nhờ làm nghề thầy giáo", cô Nguyễn Tuyết Minh.


Tôi may mắn là một trong những lứa HS đầu tiên của Việt Nam được sang Nga đào tạo từ năm 1956-1961. Các bà giáo Nga lúc đó cũng chỉ mới ra trường, cách giảng dạy cũng rất cơ bản nhưng đã để lại ấn tượng đẹp trong tôi.

Lúc đó, họ rất thương chúng tôi vì đất nước tôi đang có chiến tranh và sang đây lại không biết ngôn ngữ nước sở tại. Những bài giảng, cách giáo dục của họ đi vào tâm hồn, tình cảm chúng tôi một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.

Giờ đây, tôi đã khá già so với học sinh tôi đang dạy, đáng tuổi bà của các em. Khoảng cách đó cũng là rào cản, nhưng phải vượt qua để sống cùng với các em, nói tiếng nói và thông cảm với các em.

Những gì tôi học được từ chính các thầy giáo của mình (cả giáo viên Nga và Trung Quốc), đó là làm thầy giáo đầu tiên phải có tâm, có ý thức trách nhiệm với nghề của mình. Nếu chỉ là một người bình thường, lời ăn tiếng nói có thể được mọi người cho qua. Nhưng làm thầy giáo thì phải lựa lời để nói. Làm không tốt, nói không đúng - làm sao lên bục giảng nói được học sinh.

Theo tôi, học sinh (HS) bây giờ có rất nhiều em sống với thầy cô bằng tình cảm thật lòng, chứ không chỉ mua điểm. Mặt khác, thầy phải soi lại mình. Giờ học, nhân cách, tình cảm của thầy cô có lưu lại điều gì đáng nhớ trong tâm trí của trò hay không...

Tôi không thể hỏi học trò có nhớ mình không trong khi bản thân mình lại không thể nhớ nổi học trò. Tình thầy trò có mãi mãi được hay không là do chính bản thân giáo viên.

Riêng về chuyện "chiếc phong bì", trong những năm kháng chiến gian khổ ác liệt, nghèo đói như vậy, tôi thấy không có tệ nạn đút lót, mua điểm như bây giờ. Các thầy giáo dù nghèo đói, nhưng cái tâm trong sạch.

Ngày nay, tôi vẫn thấy các ông bố bà mẹ trẻ mừng cô 1 bó hoa, trong đó có cái phong bì (đựng tiền).  Xã hội ngày xưa coi đó là phi đạo đức thì ngày nay lại coi đó là chuẩn mực (thay lời cảm ơn cô giáo vì đã chăm sóc con mình và cảm thông với cô vì lương bổng ít).

Một lần, bà mẹ tôi - nay đã 90 tuổi làm một tấm thiệp rất đẹp, trong ghi những lời lẽ rất ý nghĩa và tặng kèm một bó hoa cho cô mẫu giáo của cháu. Nhưng khi tặng, cô giáo mở phong bì chỉ thấy có tấm thiệp đã vứt ngay vào một xó. Sau đó, bà tôi về vội cho tiền vào phong bì mang đến và nói ô-sin để quên không cho phong bì này vào...

Làm thầy giáo phải tâm huyết và yêu nghề, yêu người học thì mới có thể làm thành công. Nếu để cho học sinh "đút lót", chỉ cần ra đến cửa là trò coi khinh mình ngay.

* Thế hệ 4X: Ông thầy phải sửa tính bảo thủ - TS. Nguyễn Tùng Lâm (1947), Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội
"Sản phẩm của giáo dục là nhân cách của người học, được xây dựng bằng chính nhân cách của ông thầy", thầy Nguyễn Tùng Lâm.


Mối quan hệ thầy trò có tính lịch sử nên khó để có thể so sánh thời trước đây và ngày nay. Thế hệ trước rất tôn sùng thầy, quý trọng ngay từ trong tấm lòng, luôn luôn lấy thầy làm tấm gương noi theo. Tình cảm thầy trò đến tự nhiên, sâu lắng và sau đó thường giữ được mối quan hệ, thậm chí bây giờ nhiều tuổi vẫn đến thăm thầy.

Hiện nay, người thầy không còn được tôn sùng như trước. HS đã có nhiều cách để cập nhật thông tin. Thầy không giỏi về nhiều thứ, thậm chí còn thua cả trò. Hơn nữa, sống trong xã hội hiện nay, con người với con người đã có sự cởi mở hơn, tự do, bình đẳng hơn, không có ý thức tôn thờ thầy một cách tuyệt đối như ngày xưa.

Không phải bây giờ học trò không quý thầy. Nhưng HS đòi hỏi ông thầy không chỉ đơn thuần cung cấp tri thức mà phải biết lắng nghe, chia sẻ, khơi dậy năng lực của mỗi học trò, giúp trò thành công từng bước trong cuộc sống.

Ngày nay, có 2 khía cạnh mà học trò đòi hỏi thầy của mình: Thứ nhất, không chỉ là tri thức mà cả nhân cách. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách của người học, được xây dựng chính bằng nhân cách của ông thầy.

Thứ hai, thầy giáo cũng là con người, chắc chắn sẽ có những sai sót, nhưng có vấn đề sai sót nào cho phép và sai sót nào không cho phép.

Tuy nhiên, có 2 điều hạn chế của nhà giáo mà chúng ta phải công khai, thứ nhất là tính bảo thủ. Thứ hai là mối quan hệ giữa thầy và trò để hiểu được học trò. Hiện nay, nhiều người dạy cứ cắp cặp đến dạy, xong rồi về, không cần quan tâm thêm.

Trở lại câu chuyện "phong bì", tôi kể một câu chuyện thế này, cô giáo cấp 1 dạy học sinh định nghĩa "phong bì để gửi thư", nhưng học sinh thì cứ khăng khăng là "phong bì để đựng tiền".

Trước "tệ nạn phong bì", tôi rất xót xa. Tôi cũng đã gặp phải, nếu biết được thì trả lại nhưng không biết được thì cũng rất khó xử. Thậm chí, tôi đã từng đưa phụ huynh sang góp số tiền đó vào quỹ khuyến học của nhà trường. Đây là cuộc vận lộn của cá nhân mỗi người thầy.

Thế hệ 5X: Đồng tiền có thể chi phối vai trò của người thầy - TS. Trần Kim Liên (1954), Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Hà Nội
"Đồng tiền cũng chi phối về nhìn nhận vai trò của người thầy", cô Trần Kim Liên.


Ngày chúng tôi đi học, nhìn nhận thầy cô giáo là những người rất cao quý, rất giỏi và là người mẫu mực để học trò noi theo và phấn đấu.

Học trò ngày nay, về khía cạnh nào đó đã không còn sự kính trọng với người thầy như những thế hệ trước đây.

Những năm gần đây, vị thế của người thầy đã thay đổi, đời sống phát triển, phụ huynh đã quan tâm đầu tư và chăm lo cho con cái. Xã hội đã quan tâm hơn đến vai trò của người thầy. Nhờ đó, đời sống của giáo viên thay đổi, nhiều người đã sống được bằng nghề của mình.

Tuy nhiên, cũng từ đó cách nhìn nhận lại khác, là cứ bỏ tiền ra có thể thuê được tất cả những người thầy làm cho con mình, thậm chí có người nghĩ có thể bỏ tiền ra để mua điểm. Cho nên, đồng tiền cũng chi phối cách nhìn nhận vai trò của người thầy.

Thời gian qua, báo chí cũng có nêu lên một số hành vi xấu của những người thầy, điều này phản ánh cuộc sống mà nghề nào cũng có. Nó xuất phát từ chỗ khi vào trường sư phạm không tuyển chọn kỹ càng; thứ nữa, cuộc sống đã làm người ta biến đổi, tha hóa. Cũng bởi vì từ những hiện tượng này, HS cũng nhìn nhận khác, xã hội cũng đánh giá khác người thầy...

Thế hệ 6x: Giảng dạy bằng cách làm gương - TS. Nguyễn Mạnh Hùng (1965), Giám đốc Thái Hà Books

TS Nguyễn Mạnh Hùng: tôi chỉ muốn nói với các em rằng, đừng hạ thấp mình, đừng chạy chọt, đút lót, quà cáp cho các thầy cô

Vừa rồi tâm sự với các em sinh viên thấy có chuyện chạy điểm, biếu  tiền để có điểm cao tôi rất ngạc nhiên. Có bạn còn kể: "Lớp em mang phong bì đến. Thầy mở ra xem. Nói rằng sẽ cho nửa  lớp trượt. Chúng em về gom tiếp tiền. Thầy mở ra xem và nói, cứ yên tâm về đi. Cả lớp sẽ đỗ". Tôi không tin. Và tôi cầu mong rằng câu chuyện này là do bạn học trò bịa ra hay tôi đã nghe nhầm!

Thời tôi đi học, chúng tôi ít có chuyện tặng quà thầy cô chứ không nói chuyện tặng tiền. Tôi không thể quên những ngày 8/3 hay 20/11 tặng thầy cô những bó hoa đi xin ở các vườn. Nhiều khi chỉ vài bông hoa mào gà. Thời đó, ít thấy ai chê các thầy cô.

Có thể ở mỗi học trò đều cảm nhận thấy, người thầy của mình luôn hết mình vì trò. Họ cống hiến thực sự. Họ vì tương lai đất nước thực sự.

Còn nhớ thầy Liễn dạy Toán lớp 7. Nhà lợp mái rạ. Hàng ngày đạp chiếc xe lọc cọc, hay tuột xích đi giảng bài. Buổi tối thầy cũng huy động chúng tôi đi học thêm để thi vào cấp 3. Thầy không lấy 1 xu, không mảy may vụ lợi.

Lớp 8 tôi bị viêm gan siêu vi trùng. Cô Chung, chủ nhiệm dạy Hóa đã mua gan lợn về, rang khô với nước mắm để tôi bồi dưỡng và ăn thêm cho mau lành.

Hay câu chuyện về ăn vụng cơm, ăn trộm rau khi đói quá khiến chúng tôi đến giờ nghĩ lại còn cay sống mũi. Ở tập thể, đói quá. Có bạn đã vào nhà ăn sinh viên ăn vụng cơm. Bị bảo vệ nhà trường bắt được. Cô Việt - Hiệu trưởng (Trường chuyên ngoại ngữ, ĐH Sư phạm ngoại ngữ HN) đã ôm lấy bạn này và khóc.

Có thể nói, trong suốt quãng đời học sinh tôi chưa từng tặng quà theo kiểu “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy". Bố mẹ tôi rất nghiêm. Dạy tôi rằng đi xin là nhục. Nhất là xin điểm. Bố bảo: "Học thế nào, điểm thế đó".

Xu thế quan hệ thầy trò "trượt dốc" theo kiểu thực dụng hàng hóa mua - bán cũng là một phần tất yếu vì con người vốn tham lam.

Nhưng người thầy tham lam thì thật nguy hiểm. Tri thức không mua bán được. Người ta chỉ mua bán được điểm và mảnh giấy (cái bằng) mà thôi.

Nếu không thay đổi tư duy giáo dục cho chính những người đang làm công việc “giáo dục” thì rất nguy. Muốn vậy, từ bây giờ, mỗi người thầy phải tự nhìn nhận lại mình. Tôi thường nói “learning by doing, teaching by being”, tức học bằng cách làm và giảng dạy bằng cách làm gương. Nếu dạy mà không làm thì chỉ là lý thuyết suông, không ai nghe, không ai phục.

Tuần trước, khi giảng bài cho sinh viên Học viện Hành chính TP.HCM có 1 lớp đã mang hoa tặng. Nhận xong bó hoa, tôi lấy 1 bó khác tặng các em. Em sinh viên sau đó nhắn tin rằng rất cảm động vì chưa bao giờ được "cảm ơn ngược".

Thực ra, tôi chỉ muốn nói với các em rằng, đừng hạ thấp mình, đừng chạy chọt, đút lót, quà cáp cho các thầy cô. Học kém chịu điểm kém. Chạy chọt là xấu, là nhục.

Tôi cũng có con đi học nhưng chưa bao giờ tặng phong bì hay quà cáp cho thầy cô. Làm như vậy tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh không chỉ làm hư thầy cô mà làm hư cả con cái mình. Học để lấy kiến thức chứ đâu phải điểm. Việc con có điểm cao, thành tích tốt tôi cho rằng đó là do sự ích kỷ của bố mẹ. Bố mẹ muốn “khoe” con mình với những người xung quanh.

Theo Bảo Anh
Vietnamnet
Chia sẻ