Ước mơ giản dị của cô thủ khoa nghèo đi học thay em, “sợ” mặc váy, mang giày cao gót

Mộc Cát,
Chia sẻ

Vừa chịu nỗi đau mất bà ngoại, vừa gặm nhấm nỗi cay đắng khi phải “học thế” đứa em gái tội nghiệp, Huỳnh Thị Thuý An (SN 1998, quê An Giang) đã vượt qua tất cả khi trở thành tân thủ khoa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM).

Gặp An khi năm học mới đã bước vào guồng, ấn tượng đầu tiên về cô gái An Giang là sự chất phác thật thà. Thân hình gầy nhom, nước da đen đúa, nhợt nhạt nhưng gương mặt An trông sáng láng, rạng ngời. An kể về chuỗi ngày khó nhọc, vất vả để đến trường, để có thể trở thành cô sinh viên ngành Du lịch như ngày hôm nay.

13

Hai mẹ con Thuý An trong ngày vinh danh thủ khoa trường Nhân Văn.

Cô thủ khoa “một nửa”

Chúc mừng An về danh hiệu vừa đạt được, An mỉm cười bảo: “Em chỉ là thủ khoa một nửa thôi anh ơi, nửa còn lại là của em gái em dưới quê”.

An kể: “Nhà em nghèo lắm. Từ nhỏ em đã phải lặn lội mò cua bắt ốc, phụ cha mẹ đi cắt lúa mướn kiếm tiền. Cày tối mặt tối mũi mà mãi không no đủ nên cha mẹ em quyết định lên Sài Gòn làm công nhân, để hai đứa con lại cho bà ngoại”.

1
Cô gái tuy gầy gò, hốc hác nhưng đôi mắt tinh anh.

Một mình bà phải đi làm rẫy mướn nuôi bảy, tám đứa cháu đến còng lưng. An học đến lớp 8, nhìn cảnh bi đát của gia đình, cảm thấy cực kỳ nản chí. Nghe con gái có ý định buông xuôi, ông Huỳnh Văn Lửa (47 tuổi, cha An) tức tốc chạy về, nhìn vào mắt An rưng rưng: “Đời tao đã dốt đặc, thấy người ta cầm tờ báo đọc, ký tên vào giấy mà ức lắm. Có mần thuê mần mướn cỡ nào, tao cũng ráng cho bây học đến nơi đến chốn. Nhất quyết không được bỏ”.

7
Cổng trường đại học đã mở ra với cô gái nghèo vượt khó.

Nhưng khi cô chị còn cầm cự bám víu quyển tập cây bút, cô em Huỳnh Thị Thuý Nhi bỏ cuộc. Đó là khi An đậu vào lớp 10 một trường danh tiếng của huyện, học phí phải đóng rất cao. Cha thuyết phục, Thuý Nhi không nghe. An vỗ về khuyên bảo, cô em nhìn vào mắt chị, lắc đầu: “Chị Hai học thế em đi. Chị sắp đến nơi rồi”.

Sự hi sinh của đứa em vừa là nỗi đau, vừa là động lực để An bước tiếp. Lên cấp ba, An xin vào một ngôi chùa gần nhà làm công quả để có chỗ nghỉ trưa và ăn cơm chay. Đã có lúc quá mệt mỏi, An như muốn ngã khuỵu. Nhưng mỗi lần về nhà thấy đứa em gái phụ mẹ bán tạp hoá, lại nhớ đến lời em, An nhất quyết không từ bỏ.

4
Vừa từ quê lên nên mọi thứ vẫn còn rất bỡ ngỡ với An.

9
Vốn tính nhút nhát nên cô gái chưa dám bắt chuyện với ai, chọn ngồi một mình một góc.

Năm này qua năm khác, An vẫn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt trong kỳ thi chọn học sinh giỏi năm lớp 11, An giành giải nhất môn Lịch sử với số điểm cao nhất tỉnh.

10
Hai mẹ con Thuý An trong căn trọ vừa mướn.

Niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì biến cố ập đến. Giữa lúc năm học lớp 12 đang diễn ra đầy cam go, bà ngoại An bất ngờ qua đời. Chịu tang bà ngay giữa kỳ thi, có lẽ An chẳng thể vượt qua nếu cha mẹ không kề cận, đứa em gái không an ủi vỗ về. Nuốt nước mắt, An xin nhà trường cho mình thi lại. cô em út Thuý Nhi lại đóng vai cô giáo, giúp chị khảo bài.

14
Thuý An trong ngày tốt nghiệp cấp ba.

Và trong những giờ phút căng thẳng nhất, lúc An phải mướn trọ để ôn thi đại học, cũng chính Thuý Nhi giúp An giải toả bằng những cuộc gọi hỏi thăm sức khoẻ chị, khoe rằng ba mới đi chài được mấy con cá to, bảo “chị ráng thi đậu đi rồi về em thưởng”. Trong giây phút ấy, An biết mình không chỉ học cho mình mà cho cả đứa em bé bỏng. Có lẽ vì vậy, nghị lực của An cũng tăng gấp đôi, để kỳ thi đại học vừa qua, An xuất sắc khi đạt đến 27 điểm.

Ước mơ của cô nàng “sợ” mặc váy

An nhớ lại: “Hôm lên Sài Gòn em đâu có biết đường. Đi lạc tới 10 chuyến xe buýt mới xuống được đến Thủ Đức. Đem theo có 700.000 đồng, đóng cọc nhà trọ với ăn uống mấy ngày là hết nhẵn. Mẹ phải vay mượn mấy dì cho em thêm 1 triệu nữa để bỏ túi”.

6
Ngày đầu lên Sài Gòn, An lạc xe buýt đến 10 lần.

An bảo, mình chọn ngành du lịch vì rất mê ngắm cảnh, khám phá vẻ đẹp quê hương, dù từ bé đến giờ cô nàng toàn quanh quẩn mấy khúc sông gần nhà. “Hơn nữa, em thấy nghề này làm cũng có tiền, có thể giúp mình đỡ đần được cha mẹ và em gái” – An thật thà.

Đã nhiều đêm, An mơ mình được bay bổng giữa bầu trời, đứng trước hàng trăm người ở phía dưới, thuyết minh cho họ nghe về một địa danh lịch sử, với chiến tích mở cõi của cha ông. An sẽ nói cho họ nghe về cuộc sống ở quê mình, về những người dân tuy nghèo đói nhưng mặn mà tình nghĩa. Và cái vùng đất khô cằn ấy đã dung dưỡng nên một Huỳnh Thị Thuý An của ngày hôm nay.

Nói chuyện một lúc lâu, An mới thổ lộ một chuyện thú vị: “Từ nhỏ đến lớn, em chưa bao giờ mặc đồ nào ngắn quá đùi hết. Em cũng không mang guốc và giày cao gót luôn”. Càng bất ngờ hơn, An bảo mình sợ đụng đến váy và đầm, vì “nhìn giống như mấy cái bao, ghê ghê sao đó anh ơi”.

Lạ nước lạ cái, cô gái có một niềm an ủi nhỏ anh bạn dưới quê đậu chung ngành với mình. Giữa dòng xe cộ đông như mắc cửi, hai cô cậu tân sinh viên lại đạp xe từ quốc lộ 1K đến làng đại học. Con đường dốc quanh co khúc khuỷu không ngăn cản nổi hành trình tiến đến tương lai của cô gái An Giang nhỏ nhắn.

2
Người bạn đồng hành cùng An trong những ngày đầu của đời sinh viên.

Trong căn nhà trọ nhỏ, An bảo chưa biết sắp tới sẽ ở đâu, vì mấy ngày trước mẹ của đứa bạn ở chung vừa bị tai nạn, viện phí đóng cao lắm. Cô gái ngồi ôm mấy bộ hồ sơ, cặp mắt hướng xa xăm, bảo dù sao cũng phải đi xin việc làm, chứ để ba mẹ nuôi hoài sao thấu. An muốn lao vào đời thật nhanh để gánh vác vị trí trụ cột gia đình.

11
Cô Phạm Thị Tuyết Vân (mẹ An) lo lắng cho những bước đường sắp tới của con gái.

12
Cô thủ khoa đại học đang định nộp đơn xin việc làm.

Trên trần nhà, mái tôn ra rả tiếng mưa nặng hạt, chúng tôi hỏi mơ ước lớn nhất hiện tại của An là gì. Cô gái bảo: “Em chỉ mong sao trụ được bốn năm đại học. Em sợ bỏ giữa chừng lắm anh ơi. 12 năm đi học, năm nào em cũng sợ”.

Ôi cái mơ ước ấy, tưởng nhẹ nhàng, giản dị mà sao chua xót quá. Nhưng tin chắc với một nghị lực phi thường, rồi sẽ có một ngày An sải cánh bay cao.

Chia sẻ