Ung thư tuyến giáp: Có thể trị bệnh thành công nếu phát hiện kịp thời
Ung thư tuyến giáp là dạng thường gặp và nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp nguy hiểm.
Bệnh nặng vì chủ quan
Nhiều bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp không biết mình mắc bệnh do bệnh tiến triển chậm. Ở giai đoạn sớm, hầu như bệnh nhân không có triệu chứng gì. Khi sờ vào cổ, bệnh nhân cũng không thấy khối u. Nhưng không ít bệnh nhân lại chủ quan không đi kiểm tra, bỏ qua một số biểu hiện bệnh vì nghĩ bệnh không phát tác ngay, đến khi thấy khó chịu ở cổ họng mới chịu đi viện khám và điều trị.
Cuối năm 2013, bà Lương Thị Đào ở Hưng Yên thấy thường xuyên mệt mỏi, da khô, khi ăn nuốt khó trôi và có cảm giác đầy tắc ở cổ, khản giọng. Sờ tay vào cổ, bà thấy xuất hiện những nhân nhỏ ở bên trong nhưng nghĩ không làm sao nên bà chẳng đi khám. Đến khi cổ nổi u to, khó thở bà mới bảo con đưa vào viện tỉnh kiểm tra. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán bà bị ung thư tuyến giáp và khuyên nên phẫu thuật ngay để tránh những biến chứng.
Không riêng bà Sửu, nhiều người cũng mắc ung thư tuyến giáp vì chủ quan. Chị Trương Thị Qúy (30 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây vài tháng, mỗi khi ăn tôi cảm giác gợn gợn, sờ vào cổ thấy nổi một cục u nhỏ. Chồng tôi bảo đi kiểm tra vì sợ tôi bị bệnh về tuyến giáp. Thế nhưng vì công việc bận nên tôi cứ lần lữa mãi. Gần đây, khi thấy khối u trong cổ ngày càng to, nói khàn và ăn uống khó nuốt hơn nên tôi mới đến bệnh viện. Khi nghe bác sỹ kết luận, tôi bang hoàng trước cái tin mình bị ung thư tuyến giáp. Đau đớn hơn là khối u đã bắt đầu di căn, cơ thể xuất hiện những rối loạn tại cổ do u chèn ép, xâm lấn”.
PGS.TS Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc BV K, Phó Chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam cho hay, bệnh ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính của tế bào tuyến giáp trạng – là tuyến nội tiết ở cổ. Bình thường nhìn thì không thấy sưng to hay sờ không thấy khối u nên nhiều người chủ quan. Khi bệnh nhân thấy nuốt nghẹn, nói khàn, khó thở thì bệnh đã ở giai đoạn sau, nguy cơ bị khối u ác tính sẽ cao hơn.
Ung thư tuyến giáp là dạng thường gặp và nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp nguy hiểm. Ảnh minh họa
Bệnh hay gặp ở nữ giới
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Đức, phần lớn ung thư tuyến giáp hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới, người trẻ cũng hay mắc. Lứa tuổi hay gặp nhất là 25 – 30 tuổi.
So với các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến giáp có thể điều trị dễ dàng và thành công, người bệnh có thể kéo dài cuộc sống. Tuy nhiên do bệnh diễn biến chậm nên mọi người thường chủ quan. Nếu không điều trị kịp thời thì vô cùng nguy hại. Ung thư phát triển nhanh tạo các khối u lớn chèn ép vào vùng khí quản gây khó thở, khó nuốt. Khối u cũng dễ di căn ra các hạch ở quanh hai bên cổ và xa hơn là các bộ phận của cơ thể như xương, gan, phổi,… Thậm chí nếu người bệnh để lâu không điều trị thì có thể sẽ tử vong.
Việc điều trị ung thư tuyến giáp cũng có đặc biệt. Tuyến giáp là tuyến nội tiết của cơ thể giúp cơ thể thực hiện chức năng chuyển hóa iot. Ở tuổi trẻ còn làm cho cơ thể phát triển thể lực và tinh thần. Khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp đi sẽ ảnh hưởng đến nội tiết của cơ thể. Để khắc phục điều này, sau khi cắt người bệnh cần được điều trị thuốc nội tiết hàng ngày để bài tiết, duy trì trạng thái của cơ thể.
Thuốc viên levothyroxin (hormone giáp) bù lại lượng hormon giáp đồng thời đè nén sự sản xuất hormone TSH từ tuyến yên. Lượng TSH cao có thể kích hoạt các tế bào ung thư sót lại. Người bệnh sau mổ cũng thường cần uống Iốt phóng xạ. I131 phát tia phóng xạ giết chết các tế bào ung thư còn sót sau mổ. Iốt phóng xạ còn giúp điều trị hiệu quả ung thư tái phát hoặc lan tràn trong cơ thể.
Để chẩn đoán là u lành hay u ác tính, mọi người cần đến các cơ sở chuyên khoa về ung bướu, nội tiết để kiểm tra. Bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm liên quan đến tuyến giáp, nhất là những trường hợp có người thân từng mắc bệnh. Bởi nếu mắc bệnh mà điều trị sớm thì cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn. Hơn nữa, sau khi phẫu thuật, việc theo dõi định kỳ sau điều trị bao gồm khám lâm sàng toàn thân, chụp X-quang, chụp xạ hình, xét nghiệm máu cũng rất quan trọng.
“Khi phát hiện bệnh cần được điều trị đúng phác đồ. Đáng ngại là bệnh ung thư tuyến giáp có thể trở lại, ngay cả khi đã loại bỏ tuyến giáp. Điều này phụ thuộc vào việc điều trị sớm hay muộn. Khi đã di căn ra hạch vùng cổ thì nguy cơ tái phát cao” – PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay.
Để phòng tránh ung thư tuyến giáp, mọi người cần phải tránh bị nhiễm phóng xạ, hạn chế chiếu các tia phóng xạ, tia điện quang vào vùng cổ tuyến giáp khi mà còn trẻ. Đôi khi ta vô tình điều trị bệnh u máu ở trẻ em hoặc chiếu chụp nhiều vùng cổ thì có thể gây ung thư tuyến giáp. Ăn uống đầy đủ, không được thiếu I tốt, các chế độ ăn không nhiễm hóa chất độc hại.