Tung tin nghệ sĩ chết, bịa chuyện li kì, trò mới để câu like

P.Linh,
Chia sẻ

Khi mạng xã hội ngày càng có vai trò “thống trị” với những người dùng internet, những thông tin thêu dệt về đời tư các nghệ sĩ nổi tiếng hoặc các hình ảnh thương tâm dễ bị lợi dụng.

Ghép ảnh, tung tin đồn nhảm về nghệ sĩ nổi tiếng

Càng lúc, mạng xã hội càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, thậm chí đã trở thành một kênh để các bạn trẻ cập nhật thông tin. Mạng xã hội tràn ngập những tin tức giật gân, các “trào lưu” lộ cảnh nóng, hở bạo, clip phòng the, đánh ghen, lột quần áo, đòi quà khi chia tay… Trong khi ít nhiều những sự kiện được dân mạng chia sẻ có tính sự thật thì cũng không ít các chuyện hư cấu, tin đồn, chuyện thêu dệt khác để “câu like”, và những tin tức như thế này thường nhắm vào những người nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ hoặc có ảnh hưởng đến cộng đồng.

Một trong những người bị lôi ra để bịa chuyện, “câu like” là ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Khoảng đầu tháng 3, fan Việt sốc trước đường link với tiêu đề: “Trang Moon và Sơn Tùng chính thức kết hôn”.


Hình ảnh "xác thực" làm cho thông tin này... như thật.

Sau đó, trên một trang Facebook lại dẫn đường link với tiêu đề “Sơn Tùng M-TP đã qua đời vào ngày 13/3/2015” kèm theo lời dẫn: “Trước thông tin Sơn Tùng MTP qua đời, hàng vạn tiếng khóc từ khắp nơi đổ về”. Để “tăng tính xác thực” cho thông tin, người khởi tạo đường link này thậm chí còn đăng kèm một bức ảnh Sơn Tùng nằm trên giường bệnh cùng hình ảnh nhiều người đang khóc. Không lên tiếng cải chính, Sơn Tùng vẫn hát và cống hiến hết mình trên sân khấu.


Chàng ca sĩ trẻ bị "tế sống" trên mạng xã hội.

Cũng là nạn nhân bị dân mạng “tế sống”, ca sĩ Phan Đinh Tùng cũng thót tim trước thông tin… mình qua đời. Những hình ảnh chàng ca sĩ này nằm trên giường bệnh và caption: “Sau 3 ngày nhập viện nhọc nhằn, chàng trai “Cào cào lá trera đi trong thanh thản” đã khiến không ít người hâm mộ bị sốc và liên tục chia sẻ đường link. Ca sĩ này sau đó phải lên trên Facebook cá nhân đính chính về thông tin thất thiệt kia.


Phan Đinh Tùng không giấu được bực mình trước những thông tin bịa đặt về anh.

Không chỉ những nghệ sĩ trẻ mới “dính dáng” đến trò phao tin quái ác của dân mạng. Trong tháng 3/2015, nghệ sĩ ưu tú Chí Trung và nhà báo Lại Văn Sâm cũng trở thành tâm điểm của trò “câu like” đầy phản cảm này. Bức xúc trước thông tin ai đó tung lên rằng mình đã “ra đi” vì tai nạn giao thông, NSƯT Chí Trung đã lên Facebook chính thức của mình đính chính bằng một status không giấu được bực dọc: “Ơn giời, con vẫn khỏe! Sợ các bố mẹ quá đi. Hic”.


Status đính chính của nghệ sĩ Chí Trung.

Mới đây nhất, nhà báo Lại Văn Sâm cũng bị lợi dụng để câu view. Kèm theo tin đồn ông “đã qua đời vì đột tử”, kẻ đưa tin còn đưa kèm bức ảnh của nhà báo được trưng trên bàn thờ nghi ngút khói hương, thậm chí ghi thời gian, địa điểm lễ viếng tang lễ như thể đó là một sự việc có thật.


Những thông tin thất thiệt này làm đau lòng nhiều người hâm mộ.

Đáng nói là, để làm cho đường link có vẻ xác tín, các “tin tặc” này thường tạo các tên miền tương tự như các trang báo mạng uy tín hoặc giả mạo tài khoản cá nhân của những sao Việt nổi tiếng. Giao diện của những thông tin bịa đặt gây sốc này cũng được cắt ghép hình ảnh tinh vi, cách trình bày “y như thật” giống với các trang báo mạng, trang thông tin điện tử khiến những cư dân mạng không tỉnh táo sẽ dễ tin là sự thật và nhấn vào xem cũng như chia sẻ các đường link này.

Chia sẻ ảnh cảm động, trúng thưởng để “câu like

Một kiểu “câu like” khác cũng hết sức phản cảm, gây ức chế với những người dùng mạng nghiêm túc là việc các fanpage hoặc các shop online đi lùng sục trên mạng để có những hình ảnh cảm động về những mảnh đời bất hạnh, các em bé bệnh tật hoặc người già, những câu chuyện cảnh giác rồi đăng lên để kêu gọi mọi người vào like hoặc share. Không thiếu những câu chuyện đậm đặc mùi hư cấu nhưng nghe qua có vẻ rùng rợn và dễ gây sợ hãi được chia sẻ trên mạng kiểu như: có một cô gái ở thành phố Hồ Chí Minh đang đi thì bị một người đàn ông lạ mặt chạy đến bảo: “Mày có tin tao dẫn mày vào khách sạn lấy nội tạng của mày không?” hay như chuyện đi rút tiền ATM bị thôi miên nên tự đưa tiền cho cướp…

Một số người bán hàng online, để thu hút người đọc chú ý vào trang cá nhân của mình thậm chí còn “nghe hơi nồi chõ” những câu chuyện đang hot trên mạng như chuyện ông cụ bán mía ở Campuchia rồi thêu dệt các phiên bản xung quanh như ông cụ bị con gái bạc đãi vì nghèo, ông cụ là người Việt Nam sang Campuchia làm ăn rồi bị lạc mất con… rồi kêu gọi mọi người cùng nhau share để tìm địa chỉ và người thân. Những hình ảnh thai nhi hoặc các em bé dễ thương bị bỏ rơi cũng thường được đối tượng này lợi dụng đăng lên “tường” Facebook, kêu gọi mọi người like, share hoặc bình luận. Đương nhiên, càng được nhiều người chú ý, vào bình luận, các trang cá nhân này sẽ càng nổi tiếng. Từ đó, họ có hàng trăm tài khoản khách hàng tiềm năng để tiếp cận, “kết bạn” và mời khách mua hàng.

Cách câu like kiểu này gây nhiều ức chế, phản cảm cho những người theo dõi new feed, nhất là những người tỉnh táo, nhưng đôi lúc, nó cũng đem đến hiệu quả không nhỏ cho những người làm kinh doanh online.

Một kiểu “câu” chú ý khác trên mạng cũng được cộng đồng mạng cảnh báo thời gian gần đây, đó là việc nhiều người nhận được các thông báo trúng thưởng điện thoại thông minh, thẻ cào điện thoại, thậm chí là xe máy hạng sang từ những tài khoản lạ. Các tin nhắn này thường có lời mời chào hấp dẫn, kèm theo số điện thoại để liên hệ nhận thưởng, có thể kèm theo đường link để kiểm tra danh sách người trúng thưởng cũng như các địa điểm nhận thưởng… khiến không ít người “tưởng bở” mà click vào xem. Đa phần những link này thường không có nội dung gì bên trong.


Thông tin trúng thưởng dởm.

Vụ lợi thật từ mạng ảo

Không đơn thuần là một trò đùa để cho vui, các hình thức “câu like”, “câu” người theo dõi trên mạng xã hội ẩn chứa những cái bẫy khiến tài khoản cá nhân những người cả tin click vào xem hoặc chia sẻ có thể bị nguy hiểm. Rất có thể, ẩn chứa sau những đường link “đen” này có chứa virus hoặc phần mềm gián điệp để lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng Facebook nhằm sử dụng tài khoản của họ với những mục đích bất chính.

Kể cả khi không nguy hiểm, những cú click chuột hoặc like tưởng như vô thưởng vô phạt có thể đem đến cho chủ nhân những lợi nhuận không nhỏ. Mạng xã hội Facebook có cơ chế hiển thị các hoạt động cá nhân của mỗi thành viên lên news feed dưới dạng thông tin lan truyền. Khi một thành viên bấm like, share hay bình luận gì đó ở các trang mạng hoặc trang cá nhân, hoạt động này sẽ được hiện công khai trên bảng tin để tất cả bạn bè của họ có thể nhìn thấy. Rất có thể vì tò mò, hoặc tin vào uy tín của tài khoản cá nhân của bạn mình, các bạn bè của người này sẽ tiếp tục trở thành “con mồi” của những vụ “câu like”.

Đương nhiên, để khuyến khích được nhiều người tương tác hơn nữa, các fanpage hoặc trang cá nhân này sẽ không ngừng đăng những nội dung mang tính chất câu kéo như ảnh thương tâm, ảnh cảm động, thông tin giật gân... hoặc tung ra những ứng dụng nhảm nhưng kích thích trí tò mò cao như "Ai hay rình mò vào tường nhà bạn?", "Bạn là nhân vật nào trong phim Tây Du Ký?", "Bạn sẽ chết vào năm bao nhiêu tuổi?"...

Với những cá nhân bán hàng online, việc tài khoản Facebook được nhiều người quan tâm sẽ giúp họ tạo ấn tượng, có thể bán được nhiều hàng hơn. Còn với những fanpage, nếu như không kinh doanh, những người sáng lập sau khi tích lũy được một lượng like và người theo dõi đủ lớn, họ có thể bán fanpage cùng danh sách khách hàng tiềm năng với giá bạc triệu. Nhiều fanpage nổi tiếng được lập ra không với mục đích kinh doanh nhưng có lượng người theo dõi, thành viên và lượt like khủng cũng được các cá nhân “săn” để gạ mua lại.


Những lượng like ảo có thể biến thành tiền thật.

Nhìn ở một khía cạnh nào đó, khe hở cho những kẻ lợi dụng mạng xã hội để vụ lợi cá nhân cho thấy, mạng xã hội đang “dắt mũi” người dùng mạng. Hết bôi nhọ cá nhân, tung tin đồn nhảm gây hoang mang dư luận, “tấn công” người nổi tiếng cho đến bịa đặt, thêu dệt những câu chuyện cảm động để “câu like” chuộc lợi, Facebook đang khiến nhiều người dùng phát sốt. Trong khi những “tin tặc” này chưa bị pháp luật sờ gáy, thiết nghĩ, tự những người dùng mạng cần chọn lọc nguồn tin để không nghe tin một chiều cũng như trở thành “miếng mồi” cho kẻ khác lợi dụng.
Chia sẻ