“Hàng độc” của làng nhạc Việt:

Tùng Dương: Sự ma mị trong lối hát

Nguyên Khôi,
Chia sẻ

Giữa sự phát triển ồ ạt “na ná” như nhau thì Tùng Dương với phong cách “ma quái” lại tạo nên sắc màu riêng biệt và có thể xét vào danh sách “hàng độc” của nhạc Việt.

Tùng Dương một phong cách ma quái khó trộn lẫn

Trong thị hiếu "trai xinh gái đẹp" của làng nhạc trẻ Việt Nam, Tùng Dương là một “nhan sắc” cá biệt. Bởi anh không đẹp, không bảnh bao như các “công tử” đi hát. Các fan nữ không gào thét vì thấy nụ cười của anh, bởi anh cười không được tỏa nắng cho lắm. Dòng nhạc của Tùng Dương lại kén người nghe và không phải ca khúc nào Tùng Dương trình diễn cũng “lọt tai”.

Ngay từ buổi tiếp cận với công chúng yêu nhạc qua chương trình Sao mai điểm hẹn năm 2004, Tùng Dương đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ca khúc Ôi quê tôi (Lê Minh Sơn), cách ngân nga trong câu hát, cách anh "ỉ ôi" và luyến láy khiến nhiều người "sởn da gà" và bắt đầu thích thú. Đầu tiên bởi nó lạ, nó không trộn lẫn và tiếp ngay sau đó là cảm giác "nghiện" giọng hát đầy ma mị của Tùng Dương.

Khai thác và phát triển dòng nhạc dân gian đương đại trong làng nhạc Việt có Thanh Lam, Ngọc Khuê nhưng Tùng Dương lại tạo nên một dấu ấn riêng biệt.

Cũng nhờ một số sáng tác của Lê Minh Sơn – nhạc sỹ “ao làng”, mà Tùng Dương đã phát huy tối đa sự ma quái trong giọng hát của mình. Chính vì vậy sau thành công tại Sao mai điểm hẹn 2004, Tùng Dương nhanh chóng giới thiệu Album đầu tay với tên gọi Chạy trốn. 7 ca khúc trong album đều là sáng tác của Lê Minh Sơn. Sự ma quái trong lối hát ở sản phẩm âm nhạc này được đông đảo bạn trẻ miền Bắc đón nhận.

Ở sản phẩm đầu tay, Tùng Dương tung hoành với jazz và phong cách dân gian đương đại, thì sản phẩm thứ 2 anh lại theo đuổi phong cách "New Age". Những ô màu khối lập phương đem lại những cảm nhận sâu sắc hơn của phong cách Tùng Dương với giới chuyên môn và những người yêu nhạc. Những ai quen với thể loại âm nhạc giải trí đơn thuần thì sẽ có cảm giác “mệt mỏi” và u uất khi nghe Những ô màu khối lập phương. 

Và anh cũng tâm sự: “Nhạc của Dương không phải nghe lúc nào cũng được, nhạc của Dương không có thể mở bất cứ ở đâu, đám cưới, ga xe, quán cà phê hay một nơi quá đông người và nhạc của dương không đơn thuần để nghe cho vui tai mà nghe để cảm nhận, để trải nghiệm, để thấy mình trong đó. Nghe nhạc của Tùng Dương không đúng thì sẽ điên mất!”

Kẻ “mặt dày” đáng khen

Mặc những lời chê bai về phong cách âm nhạc và lối trình diễn “lên đồng”. Tùng Dương “dày mặt” để theo đuổi lối đi riêng.

Có thể nói Tùng Dương là một kẻ liều lĩnh và gan dạ, bởi anh không phải diện “đại gia” đi hát cho vui miệng, anh vẫn phải cày cật lực trên mảnh đất nghệ thuật để tiếp tục có “vốn” đầu tư cho những "vụ mùa" mới. Nhưng anh dám đương đầu với những thách thức “khó nhằn” đi theo hướng mà ít ai dám thử thách. Mê hoặc khán giả bằng chính đam mê của mình với một thể loại âm nhạc riêng.

Những khán giả đã nghe Tùng Dương hát Bài ca cây lúa, Mùa thu cho em, Gửi gió cho mây ngàn bay... sẽ cảm nhận được chất giọng đẹp, cách thể hiện giàu tình cảm của Tùng Dương ở mảng âm nhạc trữ tình. Và nếu đi theo con đường này anh sẽ có đông đảo khán giả hơn, hát được ở nhiều chương trình hơn, nhạc của anh sẽ được nhấn nút "play" ở mọi lúc mọi nơi chứ không còn gói gém trong phạm vi nhỏ hẹp. Nhưng Tùng Dương lại giữ lòng sắt son với con đường riêng, chính điều đó đã tạo nên nét độc đáo cho chàng ca sỹ này.

Đại bộ phận khán giả yêu nhạc phía nam không thích Tùng Dương cho lắm, bởi họ không thích nhìn anh “lên đồng” trên sân khấu, không thích cách anh nấc lên trong cách hát. Họ cần những giai điệu “nhẹ”, cách hát nhẹ chứ không cần “lên gân, lên cốt” như Tùng Dương. Chính vì thế sân khấu dành cho Tùng Dương không phải nhiều. Thay vì chạy show mệt nghỉ như cac ca sỹ trẻ thì số lượng anh xuất hiện khá hiếm hoi, bù lại chất lượng lại luôn vượt trội.

Nếu Tùng Dương chiều lòng tất cả công chúng, đáp ứng tất cả những nhu cầu của khán giả muốn nghe nhạc thì anh không còn là anh và không có chất riêng. Khai thác một mảnh đất vốn ít người ngó ngàng là điều Tùng Dương đã làm. Lên sân khấu anh mặc kệ khán giả đang trông chờ điều gì, mong muốn ra sao, nhạc lên là anh hát. Anh say sưa thể hiện ca khúc, tay chân cũng buông lơi theo từng câu hát. Người không ưa thì tỏ vẻ chẳng mấy hài lòng nhưng không ít người mến mộ lại dành rất nhiều lời tán thưởng cho Tùng Dương. Nhiều đêm diễn, khán giả khá ngạc nhiên và thích thú khi thấy Tùng Dương “biến" mình thành con cò rồi lại hóa thân thành con nhện.

 

Quả ngọt trên mảnh đất cằn khô

Mảnh đất sỏi đá, ít ai dám dốc công dốc sức cày xới, anh lại dành toàn bộ tâm huyết của mình cho nó. Và trên mảnh đất ít người dòm ngó, anh đã có được những mùa quả chín thơm. Không dừng lại ở việc khai thác mảng âm nhạc mang đậm nét dân gian đương đại, từ ca khúc tới phần hòa âm phối khí và cả cách thể hiện. Tùng Dương tiếp tục thử sức mình với phong cách mới. Đó chính là "Electronic". Bằng việc ra album Li ti, thành quả sau gần 2 năm ấp ủ, với sự hoà quyện tinh tế giữa âm thanh điện tử và các nhạc cụ giao hưởng cùng DJ lành nghề, Li ti là một không gian âm nhạc rất “ảo”, tạo cho người nghe nhiều sự liên tưởng phong phú. Album cũng giành giải cao tại chương trình Album vàng.

Được hoà âm phối khí bởi những nhạc sĩ người Đức và thu âm tại Đức, nhưng cách hát và cách thể hiện của Tùng Dương vẫn giữ được nét Việt, hơi thở đương đại của nhạc Việt, tâm tư của người Việt trẻ. Từng bài hát vẫn mang những chất liệu riêng, mang đậm phong cách Tùng Dương và đậm nét tâm hồn Việt Nam.

  

Sự đầu tư, tìm tòi và sáng tạo của Tùng Dương đã được trả công xứng đáng và thu hoạch được những mùa quả ngọt ngào. Có thể kể đến những mủa quả ấy ở thành công của giải Mai vàng, Album vàng, Bài hát Việt và gần nhất là giải thưởng Cống hiến mà Tùng Dương đạt được.

Trong tương lại xa xôi, trên bước đường nghệ thuật còn dài của Tùng Dương, chưa biết chắc anh có tạo nên những thành quả lớn lao hơn nữa hay không? Có trở thành huyền thoại của nhạc Việt hay không? Nhưng ở thời điểm hiện tại anh đã tạo nên một dấu ấn, tạo nên một phong cách "made in Tùng Dương" mà không phải ca sỹ trẻ nào cũng làm được.

Chia sẻ