Tủi phận nàng dâu... "quê"

,
Chia sẻ

Ngay trong lần đầu tiên ra mắt, chị Hà đã cảm nhận được sự ghẻ lạnh của mẹ chồng tương lai

Trong mắt mẹ chồng, Hà chỉ là một cô gái tỉnh lẻ, xinh xắn theo kiểu "dở quê dở tỉnh" và thua kém con trai bà về mọi mặt. Giờ đây, khi đã về làm dâu trong ngôi nhà 4 tầng, tiện nghi tối tân ngay giữa trung tâm Hà Nội, nhưng cuộc sống của chị lúc nào cũng nặng nề, luôn trong tư thế sẵn sàng ra đi...

Dù sinh ra trong một gia đình tử tế, học hành đến nơi đến chốn, công việc ổn định, được nhiều người trong xã hội tôn trọng, song làm dâu trong gia đình giàu có ở Hà Nội, chị Hà chưa khi nào thoát ra khỏi sự kỳ thị về "dở quê dở tỉnh" - cách mà mẹ chồng chị vẫn hay thường dùng.

 Cho đến tận bây giờ, chị vẫn nhớ như in từng sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời mình. Đó là cuộc hôn nhân không lễ ăn hỏi vì mẹ chồng ngại đường xa không tổ chức. Trong khi đó chính bà đã nhờ người lái xe chở đến một ngôi chùa gần gia đình thông gia để làm từ thiện trong tháng đó tới 4 lần.Đó là đám cưới chị  tại một trong những khách sạn vào hàng sang trọng nhất ở Hà Nội mà không có sự xuất hiện của cô dâu. Thay vào đó là chú rể cùng vợ chồng của em chú rể đi tiếp khách vì mẹ chồng xấu hổ muốn dấu nhẹm cô nàng dâu "quê mùa". 

 Chị càng muốn xích lại cho phải đạo làm dâu  thì bà lại càng đẩy ra xa, ngay cả khi sợi dây vô hình là cô con gái đầu lòng của chị ra đời. Cuộc sống ngày càng chất chồng bao sức ép, mặc dù chị vẫn một mình nuôi cả chồng, cả con vì chồng chị làm ra bao nhiêu lại tiêu hết bấy nhiêu do  quen sống dư dả.            

 Sự phân biệt nhạy cảm giữa nông thôn và thành thị, tách bạch quá mức ranh giới giữa "quê" và tỉnh" đôi khi là rào cản lớn, gây nên những bất hòa, thậm chí rạn nứt, đổ vỡ trong nhiều gia đình thành phố hiện nay không phải là chuyện hiếm. Không quá bi đát như chị Hà, song  chị Thanh (phường Yên Hòa, Trung Hòa, Cầu Giấy) thường xuyên bị mẹ chồng, vốn cũng là dân nông thôn chính hiệu chê bôi: "Dân nhà quê mấy ai được học hành đến nơi đến chốn...". Trong khi thực tế chị đã có tấm bằng đại học và một công việc đàng hoàng. 

Từ những hậm hực với mẹ chồng mà chẳng thể làm gì, đã nhiều lần chị Thanh trút cả lên chồng. Kết thúc mọi cuộc cãi vã, bao giờ chị cũng tuyên bố xanh rời: Ly hôn. Người chồng tội nghiệp chỉ biết làm nguôi ngoai cơn nóng giận của vợ bằng cách an ủi rằng mẹ nói vậy chứ không có ác ý gì.

Thật may, trong nhiều trường hợp, sự kỳ thị với các nàng dâu xuất thân từ tỉnh lẻ dần qua đi và gia đình trở về yên ả, đầm ấm. Nhà anh Hòa, chị Lan (Cầu Giấy, HN) là một ví dụ. Dù xuất thân từ tỉnh lẻ, song có chút tiền của nên ngay khi cậu con trai độc nhất đỗ đại học ở HN, ông bà đã mua ngay một căn nhà mặt phố khá to, kèm theo lời dặn: "Con phải lấy vợ Hà Nội vì nhà mình chẳng thiếu thứ gì..." Nhưng trong một lần đi họp đồng hương, Hòa yêu rồi cưới Lan khiến  ông bà như chết điếng. Phải chấp nhận cô con dâu tỉnh lẻ trong nhà, ông bà luôn có câu cửa miệng mát mẻ: "Đúng là chuột sa chĩnh gạo".

Tuy nhiên, mọi chuyện đảo ngược khi Lan sinh được một cậu đích tôn, dần có địa vị ở một cơ quan nhà nước và kiếm được tiền. "Bây giờ cái gì cũng nhất con dâu. Việc lớn nhỏ trong gia đình đều đem bàn với vợ chồng em. Vấn đề gì em góp ý ông bà cũng nghe ngay. Bạn bè em ghen tỵ bảo "mày sướng như tiên" - dù có ai biết em đã chịu đủ mọi rè bỉu, cơ cực trước đây"- chị Lan tâm sự. 

Không ai có thể phủ nhận vai trò những người ngoại tỉnh đang góp phần tạo nên diện mạo của Thủ đô hôm nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phân biệt quá đáng của một số người đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ, nhất là những người phụ nữ đã về làm dâu trong các gia đình thành phố. "Con không có lỗi gì khi sinh ra không phải là người Hà Nội gốc. Nhưng ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Không thể đánh giá con người chỉ vì nơi họ sinh ra".  

 

Ngân Hạ 

Hanoimoi

Chia sẻ