Trong thế giới nhà thổ…

,
Chia sẻ

Tôi chỉ bừa một cô trông trát phấn lên mặt ít nhất. Đã có “luật”, khách đã chọn là tự động dạt ra, không tranh giành thêm. Các cô gái ngoan ngoãn rút lui, “khuyến mại” thêm cái liếc xéo.

Sau bữa cơm bàn xoay chọn món kiểu Trung Quốc no nê, chúng tôi đề nghị “Ma siêu Hảo” ngồi chờ để đi “có việc”. Bà chị tour-guide nửa mùa này hiểu vấn đề rất nhanh, chỉ dặn thêm: “Mũ nón cẩn thận vào, hoa độc cả đấy”.Chả là ở hầu hết các khu chợ của người Việt, chỉ có tầng trệt là các kiot buôn bán, các tầng trên là nơi ở và cũng là nơi “làm nghề” của hàng trăm cô gái. Lướt nhanh qua chợ “hàng nóng” ở tầng một, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để bước lên thế giới nhà thổ ở các tầng trên.

Bước qua cái cầu thang tối, ẩm và bốc mùi hỗn tạp, tôi trở thành mục tiêu của 4-5 cô gái. Họ ra sức kéo, giằng co để lôi tôi cho bằng được. Tôi chỉ bừa vào một cô có vẻ trát phấn lên mặt ít nhất. Đã có “luật”, khách đã chọn là tự động dạt ra, không tranh giành thêm. Các cô gái ngoan ngoãn rút lui, “khuyến mại” thêm cái liếc xéo.

Cô gái tôi chọn dẫn tôi vào căn buồng rộng chừng 1,5m, dài khoảng 2,5m. Một thứ mùi tanh ngái xộc vào mũi khiến tôi suýt nôn ọe. Tôi kịp đảo mắt nhìn quanh, ở đây có tới mấy chục căn buồng như vậy, san sát nhau. Phòng nào cũng treo đèn đỏ tù mù. Cô gái thản nhiên trút bỏ xiêm y, rồi giục tôi nhanh lên. Cô nói tiếng Việt, tôi nấn ná hỏi: “Sao biết anh là người Việt mà hỏi”, cô gái chỉ đáp gọn lỏn: “Nhìn là biết!”.

Cô gái há hốc mồm khi tôi đề nghị… nói chuyện, hứa trả cô 100 tệ, gấp 2 lần mức giá “tàu nhanh” ở đây. Để có thêm niềm tin, tôi trả trước. Cô gái đồng ý, mặc quần áo lại tươm tất. Cô tên Liên, xưng người Yên Bái. Theo câu chuyện của Liên, tôi đã mường tượng được vì sao các cô gái Việt lại sang đây đông đến thế.

4 năm trước, khi mới 17 tuổi, Liên theo chân một người quen sang Hà Khẩu bán hàng quần áo. Lương tháng 800 tệ chỉ đủ để cô ăn tiêu trong tháng, hầu như chẳng cất trữ được đồng nào. Được mấy tháng, Liên quyết định chuyển nghề, bước chân từ tầng trệt lên tầng hai.

Và chỉ cách nhau một cái cầu thang, cuộc sống đã khác hẳn. Từ khi bước chân vào nhà thổ này, cô bị nhốt luôn ở đây 24/24, chỉ biết ăn, ngủ và tiếp khách. Mỗi tháng phải nộp cho chủ 4.000 tệ, giá mỗi lần tiếp khách chỉ được 40 - 50 tệ tùy khách nên ít nhất mỗi ngày những cô gái như Liên phải tiếp 8 - 10 khách. Có khách là tiếp, bất luận đó là cửu vạn, nông dân hay những ông già ế vợ vốn rất nhiều ở vùng này. Có ngày, Liên nhẩm tính cô phải tiếp đến 18 lượt khách!

“Ban đầu mới vào em cũng cảm thấy ghê tởm lắm, nhưng giờ thì quen rồi, chẳng cảm thấy bất kỳ một cảm giác gì nữa”, Liên cười buồn, thú thực. Để duy trì được tần suất “lao động” kinh hoàng ấy, hầu hết các cô gái đều phải dùng chất bôi trơn, thuốc xịt gây tê và thậm chí là thuốc kích dục rẻ tiền.

Theo Liên, trong số các tú bà, tú ông cùng làm ăn ở đây, có nhiều thành phần bất hảo từ trong nước trốn truy nã hoặc trốn nợ giang hồ nên dạt sang rồi tuyển mộ gái, thành lập nhà thổ. Khách hàng của họ, ngoài những người nghèo, cửu vạn địa phương còn có một số không nhỏ là khách tò mò từ Việt Nam sang.

Ở nhà thổ này có một luật ngầm rất hà khắc: khách vào nếu trả tiền đàng hoàng sẽ được tung tác thoải mái, nhưng chỉ cần đòi “bùng” sẽ bị “điều trị” ngay. Cả gái cũng vậy, nếu không chịu phục vụ khách sẽ ăn bạt tai ngay và bị phạt bằng tiền.

Ngược lại, gái cũng có đủ trò để “móc túi” khách, đặc biệt là các vị khách vãng lai. Rất nhiều cô đã học bập bẹ tiếng Trung, ăn mặc kiểu Trung khiến các vị khách Việt bắt mắt. Và đương nhiên cái giá cho mỗi cuộc tình cũng đội cao lên, tâm lý dân ta cái gì ngoại mà chẳng tốt, chẳng đắt.

Có lẽ đã khá lâu, Liên mới tìm được người nói chuyện nên cô kể tất tần tật những gì cô biết và được nghe nói. Câu chuyện cứ dần dần mở ra thì có tiếng gõ cửa, một giọng lơ lớ không rõ đàn bà hay đàn ông nói với vào: “Lin a, hết giờ”. Liên đứng bật dậy, chào tôi tạm biệt.

Tôi bước chân ra, vẫn thấy các cô gái khác đứng ngồi lố nhố, chỉ chờ có khách lên cầu thang là bổ ùa ra…

Xa lắm đường về…

Những khu chợ Việt ở Hà Khẩu chỉ cách biên giới có vài bước chân, song mơ ước trở về quê hương xem ra chẳng mấy dễ dàng với các cô gái đã trót hoặc bị ép dấn thân vào cái chốn đèn màu này.

Những khu chợ Việt như thế này đều là nhà thổ có hàng chục cô gái bán thân

“Làm cái nghề nhơ nhớp này, ai chẳng có lúc nghĩ đến việc vứt bỏ hết, trốn về quê. Nhưng không phải muốn là được”, Liên nói với tất cả sự trĩu nặng chồng chất. Chính cô cũng đã bị đánh thừa sống thiếu chết hai lần chỉ vì tự tiện bỏ “công sở” ra ngoài và bị tai mắt của bà chủ phát hiện. Dẫu cô thanh minh hết nước hết cái rằng không có ý định bỏ trốn, trận đòn vẫn bổ xuống như một sự “dằn mặt” với các cô gái ở đây.

Đã có những người trốn về được bằng cách lợi dụng đêm tối hoặc giờ nghỉ chạy bổ ra đường, tìm thẳng đến cơ quan chức năng đề nghị được bảo vệ. “Con Lụa ở cũng huyện với em mới trốn cách đây hai tháng. Nó “làm ăn” ở quê khó quá, cứ tưởng qua đây ngon lành nhưng làm được hai tuần nó không chịu nổi phải bỏ trốn. Không thấy bị lôi về, chắc nó thoát được”, Liên vừa nói vừa thở dài, trong cái ánh sáng nhờ nhờ có thể thấy gương mặt cô đã hằn rõ những đường gân xanh mét.

Nhưng cũng có những người vì ý định bỏ trốn mà nhận một kết cục bi thảm. “Ma siêu Hảo” kể cho tôi nghe một câu chuyện rùng rợn, dù chẳng biết độ chính xác của nó là bao nhiêu phần trăm: cách đây 2 năm, tại một khu chợ Việt ở đây, một cô gái bỗng nhiên rơi từ tầng 4 xuống và chết trong đêm tối.

Đến sáng ra, không còn dấu tích nào của cái xác. Câu chuyện đó lan nhanh như một vết dầu loang ở cái thị trấn bé nhỏ và đông đúc này, có người nói cô gái xấu số nọ trong khi nỗ lực trèo ống nước bỏ trốn đã bị tuột tay và rơi xuống, có người nói cô tự tử, cũng có người nói cô bị một bàn tay đẩy xuống vì dám năm lần bảy lượt dọa bỏ trốn và không khuất phục những trận đòn của chủ.

Ngược lại, trong thế giới của những cô gái này, có những người không bao giờ mong muốn rời Hà Khẩu. Đó là những cô gái “quá date” vốn làm cái nghề này từ các tỉnh phía Tây Bắc, khi hương sắc tàn tạ đành dạt qua đây tìm chốn dung thân sống đến ngày nào hay ngày đó. Những cô gái này chỉ trở về hoặc đi tìm công việc khác khi bị chủ tống cổ như một quả chanh đã vắt cạn nước.

Cứ như vậy, những cô gái cứ đến và đi như những vòng quay đào thải của thời gian. Họ đến vì lầm lỡ, vì nhẹ dạ, vì ham hố và đi trong tủi nhục, đòn roi, thậm chí tự giải thoát bằng cái chết.

Gần như chẳng có khái niệm “cấm” ở đây, ngoài những nguyên tắc hà khắc của giới chủ. Chẳng hiểu đến bao giờ, những phận hoa héo chốn này tìm được cho mình một con đường sạch sẽ, hoặc rũ bỏ được bụi trần để trở về nơi thuộc về họ...

Theo Khoa học và Đời sống

Chia sẻ