Trò chơi Sử Hộ Vương gọi vốn thất bại và câu chuyện có nên hay không việc biến tấu văn hóa, lịch sử để "kích thích tìm hiểu"?

Mạn Ngọc - Clip: Kinglive,
Chia sẻ

Với tinh thần mang đến sự yêu thích và ủng hộ lịch sử Việt cho giới trẻ trong màn kêu gọi đầu tư của card game Sử Hộ Vương, thế nhưng liệu “sứ mệnh” đó đã đi đúng hướng mà những người sáng lập game này đã đề ra?

Clip phỏng vấn về card game gây tranh cãi Sử Hộ Vương.

Hai bạn trẻ Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo có mặt trong chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ mùa 3 với màn kêu gọi vốn cho dự án game Sử Hộ Vương.

Giới thiệu về thẻ game này, hai bạn Lộc và Thảo cho rằng Sử Hộ Vương được dựa trên không gian thần thoại lấy cảm hứng là lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Mặc dù với màn giới thiệu hùng hồn về 1 thẻ game mang sứ mệnh thúc đẩy người Việt tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của Việt Nam, thế nhưng mọi thứ trong game này dường như chưa đạt được tinh thần mà nhà sản xuất game đã đưa ra.

su-ho-vuong-3-1025-1564644817984530820692-crop-15646448239761835452722

Màn kêu gọi vốn cho game lịch sử Việt, nhưng hai bạn trẻ lại mặc trang phục mang hơi hướng Nhật Bản

Từ tạo hình nhân vật cho đến nội dung game hay cách chơi đều chưa đưa đến cho người chơi 1 cái nhìn đúng đắn về lịch sử cũng như các nhân vật lịch sử.

Bối cảnh trong game Sử Hộ Vương đều là những nhân vật lịch sử như Nguyễn Ánh, Nguyễn Du, Lý Chiêu Hoàng, Quang Trung… Tuy nhiên tạo hình của các nhân vật này được nhận xét là mang đậm tính truyện tranh Nhật Bản, Trung Quốc.

su-ho-vuong-03-1452

Nếu không có chú thích ảnh, ai có thể nghĩ đây là những nhân vật lịch sử của Việt Nam?

Màn kêu gọi vốn này không nhận được sự ủng hộ của bất kì shark nào bởi tính lai tạp của game. Một trò chơi với tinh thần đưa lịch sử người Việt đến gần hơn với người Việt thế nhưng lại "nhuộm tóc cho Nguyễn Huệ" hay "cởi bớt y phục của Hồ Xuân Hương".

64671096_638594729883883_2429956792290115584_o

Nguyễn Huệ xuất hiện với mái tóc nhuộm và lời thoại ngô nghê.

Hay như những nhân vật khác có trang phục táo bạo xẻ ngực, quấn vải quanh người, thậm chí còn "xuyên không" đến thời hiện đại để mặc… âu phục. Phù Đổng Thiên Vương – Thánh Gióng thay vì mặc áo giáp sắt thì nay lại cởi trần đi đánh giặc Ân.

1_1_1

Cởi bớt y phục cho Hồ Xuân Hương.

Sau khi tập Thương vụ bạc tỷ này được phát sóng, game Sử Hộ Vương nhận về rất nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng. Ngay cả trong chương trình, tất cả các shark đều không hề đồng thuận với những tạo hình nhân vật hoàn toàn mất đi tính chất lịch sử này.

64668992_638596353217054_6112769129804988416_o (1)

Chử Đồng Tử thì "xuyên không" đến hiện đại để mặc âu phục.

Shark Hưng cho biết: "Tôi sẽ không mua cho con mình game này, bởi lẽ những nhân vật lịch sử mà các bạn đưa ra có những nhân vật được ghi nhận 1 cách chính thống, có công với đất nước, thế nhưng các bạn lại đem ra đấu đá với nhau. Sẽ ra sao nếu ngày mai các bạn trẻ đăng tải lên facebook là Nguyễn Ánh đánh thắng Nguyễn Huệ rồi?".

Kết thúc màn kêu gọi vốn, 2 nhà sáng lập trẻ của thẻ game Sử Hộ Vương chỉ nhận được lời đồng ý đầu tư từ Shark Liên. Thế nhưng lời chấp nhận đầu tư này lại đi kèm với điều kiện Shark Liên phải được quyền tham gia vào việc xây dựng và thay đổi hình ảnh của nhân vật trong game.

Với những phản bác ngay trong chương trình Thương vụ bạc tỷ và những phản đối của cộng đồng mạng, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn đến các đối tượng để có những cái nhìn chính xác hơn về card game đang gây tranh luận rất lớn này.

Với đối tượng hướng tới là các bạn trẻ từ độ tuổi 15 cho đến 24, chúng tôi tìm đến các bạn học sinh trong độ tuổi này để biết các bạn nghĩ sao về 1 game thuần Việt nhưng lại vấp phải rất nhiều phản bác.

Screenshot (186)

Bạn Nguyễn Khánh chia sẻ nhận xét về game Sử Hộ Vương.

Bạn Nguyễn Khánh đang học tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội cho biết bản thân cảm thấy tạo hình nhân vật của game giống với anime Nhật Bản hơn là phác họa hình tượng lịch sử Việt Nam.

Bạn Đinh Tiến Khôi đang theo học tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng chia sẻ suy nghĩ của bản thân về card game đang gây tranh cãi này.

"Theo em nhân vật trong game hơi bị ‘ảo’ và sai lệch so với hình tượng mọi người vẫn biết đến về nhân vật lịch sử đó. Trong game này, những lời thoại hay sự kiện đều hơi bị xuyên tạc quá khiến cho game không được nhiều người ưa thích".

Trên thế giới đặc biệt là những nước gần với chúng ta như Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã từng lấy nhận vật lịch sử để tạo hình nhân vật cho game. Điển hình như trong game được hãng Koei Tecmo phát triển với tên gọi Samurai Warriors 4, xuất hiện nhân vật lịch sử nổi tiếng của Nhật Bản là Naomasa Ii (1561-1602) - Daimyo đứng đầu họ Ii ở Totomi và là nhân vật số 2 trong "Tứ Đại Thiên Vương của Matsudaira".

Với tạo hình nhân vật và nội dung của game này đều nhận được sự ủng hộ của người chơi cũng như không vấp phải những phản đối kịch liệt của đại bộ phận người dân Nhật Bản. Bởi lẽ, tạo hình nhân vật lịch sử này không quá bị biến tấu và lai căng, giữ lại được những nét đặc sắc mà người xem nhìn vào dễ dàng nhận ra được đây là trang phục đặc trưng của đất nước mình, cũng như thể hiện được sự tôn trọng với danh nhân lịch sử này.

Naomasa Ii (1561-1602) trong tranh vẽ của Nhật Bản tạo hình nhân vật trong game Samurai Warriors 4.

Sử dụng nhân vật lịch sử hay bối cảnh lịch sử vào game ở các nước khác vẫn nhận được sự ủng hộ, việc đưa lịch sử văn hóa vào các thể loại game đã không còn là điều quá xa lạ và bị phản đối.

Thực tế, những game dựa trên nhân vật lịch sử của các quốc gia khác cũng luôn có sự biến tấu về nhân vật nhưng cũng không phủ nhận đã phần nào giúp giới trẻ nước này có nhu cầu tìm hiểu hơn về lịch sử nước mình.

Vậy với "sứ mệnh" mang lịch sử đến gần với đời sống giới trẻ ngày nay của các nhà sáng lập game Sử Hộ Vương, các bậc phụ huynh đánh giá thế nào về tính thiết thực của thẻ game này?

Screenshot (187)

Chị Nguyễn Thu Trà cho biết sẽ không cho con mình chơi game này.

Chị Nguyễn Thu Trà (ngụ tại Thanh Xuân – Hà Nội) khẳng định sẽ không cho đồng ý mua cho con mình card game này.

"Đã là lịch sử thì phải lưu giữ lại những cái tốt đẹp để cho thế hệ sau hiểu về công dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Không thể nào lại là những hình ảnh không đẹp, ăn mặc thì hở hang như thế này. Tôi nghĩ những game như thế này nên được quản lý thật tốt, không cho phép lấy những hình tượng mang tính lịch sử ra để kinh doanh".

Đó là ý kiến của người dân về một card game đang có rất nhiều bình luận trái chiều mà đa phần là phản đối kịch liệt này. Bên cạnh đó, những người am hiểu về boardgame, game online hay các thể loại game khác đánh giá sao về game Sử Hộ Vương này.

Screenshot (189)

Anh Đoàn Khánh Hải cho biết nếu định hướng game là yêu lịch sử thì game này đã làm không đúng tiêu chí đề ra.

Anh Đoàn Khánh Hải (Lập trình game) chia sẻ với chúng tôi: "Nếu chỉ làm game thuần thương mại không thì mình không có đánh giá gì về nét vẽ hay tạo hình nhân vật, thế nhưng nếu dựa vào lịch sử để làm game, định hướng yêu lịch sử cho giới trẻ thì theo mình nét vẽ này là không đúng".

Với tư cách làm game và viết kịch bản game, anh Tôn Đức Quỳnh cho biết: "Về kịch bản của game này đã sai, bản thân người viết kịch bản cho game có lẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Nhật Bản. Còn về tạo hình game thì rõ ràng nét vẽ này không phải nét vẽ thuần Việt. Comicola là công ty khá được nhiều người ủng hộ, nhưng với dự án Sử Hộ Vương này thì không thể nào ủng hộ được".

68417420_685849835264323_8315301412292526080_n

Giáo viên bộ môn Lịch sử Đỗ Thị Phương cho biết học sinh sẽ tiếp nhận những kiến thức lệch lạc về lịch sử Việt Nam qua game Sử Hộ Vương.

Cô giáo Đỗ Thị Phương là giáo viên bộ môn lịch sử của trường THCS Phương Liệt cũng đã có những ý kiến về thẻ game Sử Hộ Vương với góc nhìn về giáo dục lịch sử cho các bạn trẻ.

"Game này lấy ý tưởng là lịch sử của Việt Nam thì trước tiên mình rất tán dương với nhà sáng lập trẻ tuổi của game. Tuy nhiên, với các hình tượng về nhân vật rất bắt mắt này lại không đúng với hình tượng lịch sử của người Việt Nam qua các tượng đồng hay tranh ảnh từ xa xưa để lại.

Bên cạnh đó, game mô phỏng chưa đúng về diễn biến lịch sử, điều này dẫn đến hậu quả là thông qua game đó học sinh không học được gì về lịch sử Việt, hoặc nếu có học được thì đó là những kiến thức bị lệch lạc".

Ngoài những hình tượng nhân vật lịch sử được đánh giá là phản cảm và lai căng này, một nhân vật khác xuất hiện trong game đó là hình tượng về Mẫu Thượng Thiên.

Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên hay chính là Mẫu Liễu Hạnh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là một hình tượng cao quý, được thờ phụng linh thiêng trong đời sống tâm linh của dân tộc.

Tượng thờ Mẫu Thượng Thiên và hình ảnh bị vẽ phản cảm trong game Sử Hộ Vương.

Mẫu Thượng Thiên không chỉ là hình tượng dân gian mà còn là một nét đẹp văn hóa được Unesco công nhận vào ngày 2-4-2017 về "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt".

phu-tay-ho-hn-2-nemtv

Phủ Tây Hồ - nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

"Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Tuy nhiên, lịch sử của ông cha hàng nghìn năm lại đang bị bỏ quên hoặc biến tấu ngay trên mảnh đất có bề dày văn hóa lịch sử ngàn năm này.

Với cách tiếp cận lịch sử văn hóa sai lệch, những trò chơi mang theo mình "sứ mệnh" cao cả thúc đẩy giới trẻ thêm yêu lịch sử Việt thế nhưng thực tế lại chỉ là những hình ảnh phản cảm, lai căng mà nhìn vào đó chẳng ai nhận ra được đó là một vị danh nhân lịch sử đáng được tôn trọng.

Tại Trung Quốc, xuất hiện nhiều game mang hơi hướng lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng dân gian và nhận được sự chấp nhận cởi mở của người chơi. Cũng như ở Nhật Bản với hình tượng Samurai đáng tự hào, họ cũng dễ dàng chấp nhận việc đưa hình tượng này vào nhiều thể loại game.

Thế nhưng để đạt được cái nhìn thiện cảm hơn với những game mượn yếu tố lịch sử, điều quan trong là phải giữ vững được hình ảnh của nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử liên quan đến nhân vật đó.

Văn hóa và Lịch sử là hai phạm trù nên được trân trọng thế nhưng những nhà sáng lập trẻ tuổi lại sử dụng để kinh doanh. Kinh doanh 1 thể loại trò chơi bằng những nhân vật văn hóa, lịch sử một cách thiếu tôn trọng và phản cảm.

Việc dựa trên lịch sử để làm game và định hướng cho giới trẻ đến gần hơn với lịch sử là điều đáng được hoan nghênh, nhưng những nhà sáng lập Sử Hộ Vương cần một sự cố vấn lịch sử đến từ những người có chuyên môn sâu về lịch sử văn hóa Việt Nam để không để lại hậu quả khiến người chơi (đặc biệt là đối tượng nhỏ tuổi) hiểu sau và lệch lạc về lịch sử nước nhà.

Sẽ ra sao khi ngày mai các bạn trẻ đưa những cái tên của các nhân vật văn hóa, lịch sử này lên mạng xã hội với thái độ cợt nhả, vui đùa mà Shark Hưng đã nói đến trong Thương vụ bạc tỷ? Sẽ ra sao khi những kiến thức mà các bạn trẻ nhận được lại là Nguyễn Ánh đánh thắng Nguyễn Huệ?

Chia sẻ