Trẻ đón năm học mới, cha mẹ thêm nỗi lo

Đinh Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Con vào năm học mới, bên cạnh niềm vui tựu trường là hàng trăm khoản "phải lo" của các bậc phụ huynh...

Ám ảnh tiền phí
 
Mặc dù trong năm học mới, chưa có quy định về tăng học phí các cấp học, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn đứng ngồi không yên vì những khoản thu “tự nguyện”, “thỏa thuận” tính ra còn nhiều hơn cả tiền học phí.
 
Anh Lâm (Khương Đình, HN) cho con đi học trường mẫu giáo công lập gần nhà. Niềm vui vì xin được cho con vào một trường mẫu giáo công, lại đúng tuyến chưa lâu, nay đã trở thành nỗi lo mới. Tiền học phí, tiền ăn, tiền xây dựng, tiền quỹ, tiền mua điều hòa, máy lọc nước... thôi thì đủ các thứ tiền khiến vợ chồng anh phải đau đầu. “Cầm tấm giấy ghi các khoản thu của trường trên tay, mà tôi... choáng. Cho con đi học trường công cũng còn đắt thế này. Tiền điều hòa đã tốn gần 1.000.000 đồng, tiền quỹ phụ huynh 200.000 đồng... chỉ riêng mấy thứ tiền vặt đó cũng đủ chết".
 
Điều làm anh bức xúc nhất là việc, các khoản thu, nhất là khoản thu tiền điều hòa không rõ ràng. “Năm trước, con gái lớn của tôi đi học mẫu giáo lớn ở đây, các cô cũng phát động thu tiền lắp điều hòa, mỗi ch áu đã đóng 1.000.000 đồng rồi. Điều hòa cũng mua rồi, nhưng năm nay, lớp học sinh mới lại phải đóng tiền mua điều hòa tiếp, tôi không hiểu chỉ có bằng đấy cái điều hòa, mà năm học nào các cháu cũng phải đóng tiền mua điều hòa sao? Tôi còn có chị bạn cho con học ở 1 trường Mầm non trên đường Thái Thịnh kể, chị còn phải đóng 30.000 đồng/tháng để được... dựng xe trong sân trường khi đến giờ đón con”.
 
Nén tiếng  thở dài vì những khoản tiền đóng góp đầu năm, chị Mai Linh (Hà Đông, HN) e ngại: “hai con của tôi, một cháu năm nay học cấp 1, một cháu học mẫu giáo, tuy đều học trường công cả nhưng nhìn các khoản thu tôi cũng chóng mặt lắm. Ngoài các khoản thu như tiền học phí, thì các khoản khác như quỹ hội phụ huynh, tiền mua bình lọc nước, lát sàn gỗ cũng đến 3.000.000 đồng/cháu học mẫu giáo, và hơn 2.000.000 đồng/ cháu học tiểu học. Năm nay, thêm nhiều khoản thu hơn, chắc sẽ phải đóng nhiều tiền hơn nữa. Gia đình nào có 2 con cùng đi học thì đúng là méo mặt đầu năm học, chưa kể tiền quần áo, sách bút”.
 
Học sinh đón năm học mới, cha mẹ canh cánh nỗi lo cũ

Nhiều phụ huynh khi gửi con vào học trường ngoài công lập đã xác định tâm lý sẽ phải chấp nhận mức học phí cao và tăng từng năm theo mức độ trượt giá. Nhưng năm nay, nhiều phụ huynh thực sự “choáng” vì học phí của các trường quá cao. Đã vậy, không ít trường còn thu học phí một lần cho nhiều tháng khiến số tiền phải đóng đầu năm học trở thành một khoản tiền khá lớn.
 
Theo tính toán của chị Mai Anh (Kim Giang, HN) có con vào lớp 1của một trường tiểu học dân lập trên địa bàn Hà Nội thì số tiền phải nộp khi cho con nhập học là hơn 17,4 triệu đồng/học sinh (học phí: 3.000.000 đồng/tháng x 3 tháng; bán trú: 1.200.000 đồng/tháng x 3 tháng; ô tô đưa đón: 700.000 đồng/tháng x 3 tháng; cơ sở vật chất: 1.000.000 đồng; bảo hiểm y tế: 210.000 đồng/năm; bảo hiểm học sinh: 50.000 đồng; tổ chức hoạt động: 500.000 đồng/đồng phục).
 
Đối với cô con gái đang học mẫu giáo, chị Linh còn đau đầu hơn khi phải đắn đo suy nghĩ có nên cho con gái đi học thêm nhạc, họa. “Hai môn học này không bắt buộc, nhưng trong  lớp các cháu đều học thêm, tôi cũng muốn cho con học thêm mấy môn đó, nhưng mỗi tháng chỉ tính riêng tiền ăn trưa, tiền học của con cũng hết đứt 2.000.000 đồng, thêm tiền học nhạc, học vẽ chắc sẽ hết khoảng 3.000.000 đồng. Lắm khoản phải lo quá!”.

Bên cạnh nỗi lo lạm thu các khoản phí “tự nguyện” đầu năm học, thì nhiều phụ huynh không khỏi than thở việc sắm đồ dùng học tập đầu năm cho trẻ là khá tốn kém, nhất là trong hoàn cảnh các loại vật phẩm đều tăng giá so với năm học trước.

Điển hình, theo công bố của Nhà xuất bản Giáo dục, giá sách giáo khoa năm nay tăng trung bình 16,9% so với năm 2010. Có đến 193 tên sách điều chỉnh giá bìa, chẳng hạn: bộ sách giáo khoa lớp 1 gồm 6 cuốn, có giá 47.500 đồng, bộ sách giáo khoa lớp 6 gồm 12 cuốn và sách Tiếng Anh có giá 97.700  đồng, ở cấp THPT, giá các bộ sách giáo khoa thấp nhất là 113.700 đồng, cao nhất là 143.000 đồng...
 
Khắc khoải mong muốn của phụ huynh
 
Trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn, băn khoăn của mình. Đối với anh Minh Hoàng (Bùi Xương Trạch, HN) có con đang học tại trường mầm non K.Đ cho hay: “việc nhà trường yêu cầu các khoản thu như lát sàn gỗ, cải tạo lại một số cơ sở của trường công đã xuống cấp, tạo điều kiện học tập cho các con tốt hơn thì tôi hoàn toàn đồng ý thôi. Nhưng nhất định các khoản thu đó phải minh bạch, chính đáng. Chúng tôi phải được tận mắt thấy con cái của mình đã được học tập, sinh hoạt trong một môi  trường tốt hơn, không ai ngần ngại chi các khoản chính đáng như thế cả”.

Bên cạnh đó anh cũng bày tỏ nỗi lo lớn nhất của mình về chất lượng bữa ăn cho các con, việc đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, an toàn cho các con trong thời điểm giá cả leo thang, thực phẩm thiếu an toàn cũng là một nỗi băn khoăn lớn.
 
Nhiều phụ huynh cho biết, họ băn khoăn đến cơ sở vật chất và chất lượng
 giáo dục liệu có tốt hơn năm trước?

Còn đối với chị Lan (Chính Kinh, HN) phải gửi cô con gái 2 tuổi học tại một trường tư thục gần nhà thì chia sẻ: “thời gian qua, đọc nhiều báo cũng thấy sự mất an toàn khi gửi con ở các trường tư thục, tôi chỉ mong muốn phòng Giáo dục, Sở giáo dục kiểm tra các cơ sở tư nhân này chặt chẽ hơn nữa, về dạy và học, lẫn cơ sở vật chất của trường, các thiết bị y tế, các tiêu chuẩn khác có đủ đảm bảo để các con học tập hay không?”.

Tương tự như thế, anh Quân (Thanh Xuân Bắc, HN) có con học lớp 2 tại trường tiểu học Đ.T.C A cho hay: “việc nhiều trẻ em mắc các căn bệnh học đường không còn là hiếm, nhiều ngôi trường cũng không đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng học, ví dụ như ánh sáng phòng học, bàn ghế không đúng tiêu chuẩn quy định, thiếu nhà vệ sinh, diện tích trường chật hẹp, thiếu sân chơi... rất may con trai tôi học tại một ngôi trường rộng rãi, còn nhiều ngôi trường khác ở Thủ đô này các em khi tới học tập phải chen chúc rất khổ sở.
 
Còn điều nữa, những trường tiểu học có tiếng chút thì lượng học sinh một lớp dường như lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Nhiều lớp sĩ số rất đông, đông như thế thì các con làm sao mà học tập tốt được, các cô cũng không quản lý hết được? Tôi chỉ mong mỗi lớp sẽ có số học sinh vừa phải, các con được học thoải mái, được các cô quan tâm tận tình, chứ không phải cứ đông rồi xao nhãng việc quản lý các con”.
Chia sẻ