Tránh hàng ngoại “dỏm”, chị em quay lại hàng Việt chất lượng cao

Tạ Ban,
Chia sẻ

Vì lo mua phải hàng giả, hàng nhái, nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình, nhiều chị em chọn cách kinh tế và dễ mua hơn, đó là dùng hóa mỹ phẩm Việt uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

"Tiền mất tật mang" vì mua phải mỹ phẩm giả

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng và tất nhiên của chị em phụ nữ chúng mình. Tuy nhiên, với tâm lý “cứ hàng ngoại là tốt” mà nhiều chị em đã mua phải những mặt hàng hóa mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Lợi dụng sự thiếu thông tin của chị em, có không ít những địa chỉ bán mỹ phẩm ngoại trên các shop online với lời quảng cáo là hàng xách tay, hàng xả, giá có khi rẻ hơn 50 - 70% giá gốc. Đủ các nhãn hiệu nổi tiếng cùng đa dạng sản phẩm từ nước hoa, phấn, son, thậm chí cả sữa tắm, thuốc nhuộm tóc,... với những lời giới thiệu như "đúng rồi".

Gần đây, một công ty mỹ phẩm Pháp tại Việt Nam đã phải ra thông báo hãng không có bất cứ chương trình giảm giá nào như một số gian bán hàng online quảng cáo để người tiêu dùng cảnh giác. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng nắm được thông tin này.

Tránh hàng ngoại “dỏm”, chị em quay lại hàng Việt chất lượng cao
Mỹ phẩm giả và nhái có mặt ở rất nhiều các chợ, thậm chí được bày bán "chui" ở ven đường.

"Bây giờ bảo tự phân biệt mấy hàng mỹ phẩm này khó lắm. Nhìn thì cũng có cả tem chống hàng giả, bao bì, nhãn hiệu đều đầy đủ nhưng chẳng biết được có phải thật hiệu không hay cũng nhái, cũng "hàng Hồng Kông bên hông chợ Lớn", chị Hương cười nói.

Quả thật rất khó cho chị em vì như chị Tú, một người chuyên bán mỹ phẩm xách tay, cho biết: “Giờ hàng thật có cái gì thì hàng giả có cái đó. Người trong nghề như mình còn khó phân biệt nữa là khách hàng.”

Không chỉ hàng ngoại mà mỹ phẩm Việt cũng có khi bị làm nhái với giá chỉ bằng một nửa cho đến 1/3 giá thật. Tuy nhiên, cho dù bỏ ra một số tiền lớn, vào hẳn các shop thì chị em cũng phải đối mặt với rủi ro vì: “Hàng loại này nó làm tinh vi lắm, loại bán như kiểu đồ xôn ở chợ thì không nói, giả 100% từ bao bì đến nội dung, nhưng cũng có loại nó lấy hàng thật ra, trộn thêm hàng dởm vào rồi bán giá hàng thật, dùng một thời gian sau có thấy khác thì cũng làm gì được", Chị Loan, Q. Bình Thạnh, người bán mỹ phẩm nói.

Tránh hàng ngoại “dỏm”, chị em quay lại hàng Việt chất lượng cao
Mỹ phẩm giả do Chi cục quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ. (Ảnh: báo Hải quan)

"Mất tiền là một chuyện, mà quan trọng hơn là cảm giác bực bội khi bị lừa. Hơn nữa, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, tốn thời gian đi khám này nọ. Ức lắm!", chị Hương, một người bị dị ứng da mặt vừa bước ra từ một phòng khám da liễu tức giận.

Đó là các trường hợp vô tình, nhưng còn những người vì muốn làm đẹp nên bất chấp. Dù cho biết hàng vỉa hè thì chỉ là hàng đểu chứ làm gì có thật như lời quảng cáo mà vẫn mua. Lý do đưa ra vô cùng đơn giản: "Nó rẻ quá. Có khi một hộp phấn má hồng hàng hiệu là bằng nguyên bộ phấn trang điểm này. Mình phải tích tiền mua từ từ, cái nào chưa có điều kiện mua hàng thật thì mình mua tạm hàng này xài đỡ."

Đụng phải hàng này, đẹp đâu không thấy, chị em có khi còn phải tốn tiền khám bệnh nữa. Bác sĩ Chu Thanh Hương - Bệnh viện Đại học Y cho biết, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đến khám với dấu hiệu biến chứng như da nổi mụn bọc, mụn trứng cá, mẩn đỏ, sưng tấy… Đáng chú ý trong số này cũng có không ít trường hợp mang theo những di chứng mãn tính như: môi sưng, lở loét, lỗ chân lông to, da sạm, xuất hiện sẹo… do không được chẩn trị kịp thời.

Chọn và phân biệt "vàng - thau"

Để bảo vệ sức khỏe của gia đình và bản thân, chị em hãy là người tiêu dùng thông minh, tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Một khảo sát cho thấy trong số các bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm điều trị tại bệnh viện da liễu thì có tới 42,67% số người thường chọn mỹ phẩm từ mách bảo của người quen; 6,9% chọn theo tư vấn của người bán hàng và 55% mua mỹ phẩm ở chợ, chỉ một số ít người mua tại văn phòng đại diện bán hàng chính hãng.

Chính vì vậy, đầu tiên, hãy chọn gian hàng đại diện được công nhận của các công ty, hãng mỹ phẩm. Thường những địa chỉ này đều có trên trang web chính thức của công ty, nhãn hàng đó.

Trước khi mua hàng, nên gặp các chuyên viên tư vấn để xác định loại mỹ phẩm phù hợp và dùng thử sản phẩm tặng để biết da có bị kích ứng hay không. Đọc kỹ nhãn, mác, để biết thông tin cũng như nhận ra những đặc điểm phân biệt thật - giả.

Tránh hàng ngoại “dỏm”, chị em quay lại hàng Việt chất lượng cao
Nhiều chị em đã hướng nhiều hơn đến các sản phẩm mỹ phẩm nội có uy tín để bảo vệ sức khỏe gia đình.

Nhiều chị em chọn cách kinh tế hơn hẳn là chuyển sang sử dụng hóa mỹ phẩm uy tín trong nước. Vì trên thực tế, các hãng mỹ phẩm trên thế giới đều sản xuất lấy nguyên liệu từ một số nước cơ bản nên về mặt công dụng, mỹ phẩm Việt không thua kém các hãng nước ngoài.

Chị Vy, Q.Gò Vấp, thì chọn mỹ phẩm Việt vì: “Bao bì có đầy đủ thông tin, cách dùng, địa chỉ công ty, trang web, ngày sản xuất, hạn dùng nên mình khá yên tâm.”

Chia sẻ trên topic về hàng Việt Nam, thành viên có nick anhsang... kể kinh nghiệm của bản thân: “Mình chỉ dùng sữa rửa mặt nghệ của Thorakao, sữa tắm, dầu gội The Bol, trị mụn Lana, toàn đồ Việt thôi. Ưng ý lắm! Sau khi đã vòng vòng qua đủ các loại, mấy cái này vừa rẻ lại vừa hợp và thấy nó nhẹ nhàng.”

Tránh hàng ngoại “dỏm”, chị em quay lại hàng Việt chất lượng cao
Mỹ phẩm Việt chất lượng cao đang dần được chị em quan tâm và ưa dùng ngày một nhiều.

Các nhãn hàng Việt lại “toàn từ thiên nhiên, không có hóa chất linh tinh”, lành tính và cực kỳ hiệu quả. Vì vậy, nhiều hàng hóa mỹ phẩm của Việt Nam còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới và được ưa chuộng.

Đó là các dòng nước hoa của công ty cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn, điển hình là Miss Sài Gòn ngây ngất khó quên; là Ramus, E100 của Đại Việt Hương, nhãn hàng Lana của Lana hay kem dưỡng da của Lan Hảo... xuất khẩu mạnh sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Nga, Campuchia, Philippines, Ả Rập, Pháp, châu Phi.

Cô Chu Thanh Thảo, Q. Bình Thạnh, một người bán hàng mỹ phẩm lâu năm cho biết: “Cô bán những hàng hóa mỹ phẩm Việt này lâu rồi. Trước cũng lai rai, 2 năm lại đây bán thấy tốt hẳn lên.

Một là vì mấy công ty nó làm thêm nhiều sản phẩm, phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi. Hai là vì người ta xài hàng ngoại không hợp, quay lại xài hàng này thấy tốt nên giới thiệu nhau. Thứ nữa là giá tốt. Con xem, có chục ngàn, mấy chục ngàn cho tới hơn trăm một sản phẩm, sinh viên, người đi làm, ai cũng mua được hết.”


Có thể thấy, hàng giả thì đâu cũng có, dù là ngoại hay nội. Chị em nên trang bị kiến thức tiêu dùng thông minh để tránh tối đa hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.

Chúng ta cũng nên bỏ ý nghĩ rằng hàng ngoại, hàng hiệu mới tốt bởi hàng trong nước được nghiên cứu và sản xuất trước hết cho người Việt. Hơn nữa chất lượng hàng nội ngày càng được khẳng định uy tín và được ưa chuộng. Chẳng phải nhiều nước trên thế giới cũng đang nhập khẩu mỹ phẩm của Việt Nam đó sao?
 

Một số cách phân biệt mỹ phẩm thật - giả:

- Mã code (mã vạch): Trên bao bì hàng thật có in trực tiếp mã code. Một số sản phẩm dạng tuýp, ở phần đuôi có đóng nổi hạn sử dụng và mã code. Còn mã code của sản phẩm giả được in trên giấy rồi dán lên bao bì.

- Chất lượng in ấn: Hàng thật có kiểu trình bày, in ấn rõ ràng, nổi bật. Cần để ý tên sản phẩm, vì hàng nhái thường biến đổi một số chữ trên tên sản phẩm như: Lamcome thay vì Lancome; Kenzzo thay vì Kenzo; Lokasta hay vì Lacoste…

- Chất lượng bao bì: Bao bì phải chắc chắn, được làm từ bìa cứng hoặc giấy có chất lượng tốt. Vỏ nhựa (thủy tinh) của sản phẩm bóng, đẹp, sắc nét và tinh xảo; logo cũng như các chữ viết trên đó sắc cạnh, không lem nhem và dây mực; các đường viền, nét cạnh, gờ của vỏ nhựa (thủy tinh) được cán sắc sảo.

- Về mặt cảm quan: Son, phấn mắt và phấn má hồng khi trang điểm trên da có cảm giác nhẹ, mùi thơm nhẹ và dễ chịu, độ phủ mịn, đều. Thoa thử lên tay sẽ thấy độ bóng , mịn. Còn sản phẩm giả gây cảm giác bì và nặng da, mùi thơm nồng.

Dầu thơm thật có mùi thoảng nhẹ nhưng thời gian giữ mùi lâu. Còn dầu thơm giả do có độ cồn nhiều nên ngay khi xịt, mùi khuếch tán mạnh có thể gây nhức đầu và nhanh bay mùi.

Chia sẻ