Tranh cãi nảy lửa việc bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, "người trong cuộc" nói gì?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nhiều người tán thành việc bỏ Hội phụ huynh để tránh lạm thu. Thậm chí từng có ông bố ở TPHCM còn gay gắt hơn, gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ.

Cứ vào đầu năm học mới, các khoản thu tại nhiều trường lại là vấn đề khiến phụ huynh đau đầu. Điều đáng nói, một số khoản được "đóng mác" tự nguyện do Ban đại diện cha mẹ học sinh (Hội phụ huynh) đứng ra hô hào, kêu gọi. 

"Hội phụ huynh (HPH) hay hội... phụ thu?" - Đây là câu hỏi "nóng" năm nào cũng được đặt ra và bàn tán khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều người tán thành việc bỏ HPH để tránh lạm thu, thậm chí từng có phụ huynh ở TPHCM còn gay gắt hơn, gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Hội này. Theo ông bố này, gọi là HPH nhưng thực tế biến tướng hoạt động với mục tiêu "Hội phụ thu học sinh" để thực hiện "BOT học đường".

Tranh cãi nảy lửa việc bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, "người trong cuộc" nói gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hội phụ huynh - Có cũng như không?

Nhiều người cho rằng, HPH có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, là tiếng nói đại diện của các cha mẹ học sinh khác, song hiện đang có tình trạng lấy quan điểm của một vài người đứng đầu áp đặt lên đại đa số phụ huynh trong lớp.

Phân tích kỹ, có thể thấy rằng nếu không có HPH thì học sinh vẫn học bình thường, giáo viên vẫn dạy bình thường. Trong thời kỳ công nghệ phát triển, giáo viên chủ nhiệm có thể thông tin trao đổi với gia đình học sinh một cách dễ dàng. HPH không giúp gì cho phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con em mình cũng như sự kết nối giữa phụ huynh - học sinh với nhà trường. 

Ngược lại, nhiều trường hợp HPH cũng không thực hiện đúng vai trò, trở thành "cánh tay nối dài" giúp nhà trường thu thêm nhiều khoản không hợp lý, ngoài quy định. Cứ vào đầu năm học mới là câu chuyện này lại gây tranh cãi, bức xúc dư luận. Cần có những biện pháp mạnh tay hơn để xử lý hoặc có thể xoá bỏ để giảm những nỗi lo toan mỗi mùa khai trường.

"Ngày xưa không có "cái gọi là" ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, chỉ có một ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Tôi mong các trường dẹp bỏ để các cháu được học trong môi trường lành mạnh, thầy cô được quý trọng như xưa", một người góp ý.

"Người trong cuộc" nói gì?

Luồng ý kiến ngược lại phản biện, nhiều người kêu không cần HPH vì có cũng như không, song những lúc lớp có việc cô trò cần phụ huynh giúp như dã ngoại, liên hoan lớp hay sơn sửa, trang trí nọ kia... thì cô giáo hô hào vài ngày cũng chẳng có ai lên tiếng xung phong.

"Phàm mà những người hay kêu ca, phàn nàn về vai trò của HPH là những người không bao giờ chia sẻ, giúp đỡ gì cho hoạt động của các con. Còn những người luôn nhiệt tình, vụ gì của lớp cũng có mặt, họ thừa hiểu HPH làm những gì, khó khăn ra sao và những người đó không bao giờ có ý kiến", một người nói.

Một phụ huynh có 2 nhiệm kỳ cấp 2 và cấp 3 tham gia HPH của con chia sẻ những công việc từng "kinh" qua: Thường xuyên ứng trước quỹ để làm các hoạt động, sự kiện; Luôn nghĩ và tìm hiểu chỗ nào ăn ngon, chơi vui để còn tổ chức các hoạt động cho lớp; Mỗi cuộc liên hoan, dã ngoại HPH tham gia (hỗ trợ quản lý chỉ bảo cho các con) nhưng vẫn nộp tiền theo suất bình thường.

“Một số người nghĩ là chúng tôi tham gia HPH sẽ được cô giáo cân nhắc để ý đến con em mình. Nhân tiện đây cũng xin thưa là nếu con chúng tôi học không tốt thì chúng tôi không có mặt mũi nào làm trong HPH cả, mà thời gian đó chúng tôi tập trung dạy dỗ kèm cặp con cho tốt hơn.

Sẽ có ý kiến hỏi thế sao lại tham gia HPH thì chúng tôi xin trả lời rằng: Chúng tôi yêu các con, muốn làm được những gì tốt nhất có thể, muốn gần gũi với các con trong giai đoạn lứa tuổi học trò, chứ khi các con lớn lại muốn tự lập không muốn có sự tham gia của bố mẹ nữa", phụ huynh này chia sẻ. 

Một người khác cũng cho biết, năm nào chị cũng xin rút HPH nhưng chưa bao giờ được cô giáo và phụ huynh khác đồng ý. "Có một lần có một phụ huynh lớp con thứ 2 của mình hỏi là: Chắc chị làm công việc tự do hay sao mà nhiều thời gian thế? Mình chỉ cười nhẹ thôi, mỗi người chỉ có 24h mỗi ngày, ai cũng có công việc và gia đình, chỉ có điều chúng mình sẵn sàng chia sẻ những khoảng thời gian ít ỏi đó cho nhiều bạn nhỏ hơn thôi".

Nhiều người cũng bày tỏ, họ rất biết ơn HPH vì đã bỏ thời gian để làm công việc tập hợp, kêu gọi cả lớp cùng tham gia công tác chung. 

Họ cho rằng, HPH nào thì phong trào nấy. Lớp có HPH nhiệt huyết thì các con được nhiều hoạt động, nhiều trải nghiệm. Lớp mà không có hoạt động gì chỉ có học và học thì trẻ sẽ thành "gà công nghiệp" đúng nghĩa. 

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Kim Phương, admin Nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh (được biết đến qua nhiều bài viết, quan điểm về giáo dục với bút danh Trần Phương)  là một phụ huynh nhiều năm đảm nhận vai trò trong HPH, cho rằng, nếu gạt ra vài thành phần tư lợi cá nhân thì HPH có "ti tỉ" thứ việc không tên mà những người "ở ngoài" đôi khi không nhìn thấy được. Ngược lại, họ hầu như không được nhận một quyền lợi nào cho bản thân hay con cái.

"Sơn sửa lớp, lắp điều hòa, quạt, rèm, kê bàn ghế, bảng, phấn… lo cho từ cái chiếu ngủ trưa, góp gom quỹ, chưa có thì ứng trước, máy chiếu lỗi gọi thợ, cáp hỏng tự đi mua, ngày họp, lễ phụ huynh ngủ ngon còn HPH chia việc mua đồ như bó hoa, cái quả, tấm bánh, ly trà cho các con. 

Có xích mích thì lắng nghe, dàn hoà, trẻ đánh cãi nhau thì tìm cách chia sẻ dạy bảo. Phụ huynh với giáo viên có không ưa nhau thì lắng nghe, giải thích và tìm cách tháo gỡ. Đầu năm thì tổ chức liên hoan, sinh nhật 50 cháu thì đủ 50... Cuối học kỳ thì tổng kết, cuối năm thì liên hoan, gala dã ngoại… và thống kê kinh phí sao cho vừa vặn. Thiếu thì âm thầm quyên thêm của "nhà giàu", không có thì tự bù. Ai làm?", anh Phương đặt câu hỏi.

Tranh cãi nảy lửa việc bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, "người trong cuộc" nói gì? - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Kim Phương - admin Nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh

Nhiều năm đảm nhận vai trò trong HPH, anh Phương chia sẻ, mong muốn của anh là được đồng hành cùng phụ huynh và các con. Tất cả những việc làm đó chỉ nhằm giúp cho các con có được môi trường tốt nhất trong học tập, không có tham vọng hay đòi hỏi sự ưu tiên gì, đây là công việc mang tính tự nguyện.

"Ở đâu tôi không biết, nhưng ở trường con tôi thì không có việc HPH là "cánh tay" nối dài của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, đó là sự thật không cần bàn cãi. Họ đa phần là những tri thức, không dễ điều khiển hay làm tay sai cho ai. Mọi người luôn sẵn sàng lên tiếng, nếu ai có những việc làm ảnh hưởng đến các con. 

Mỗi vấn đề từ nhỏ nhất đều được Hội đưa ra trao đổi bàn bạc trước, bao giờ cũng có ít nhất 2-3 phương án để lựa chọn, sau đó Hội đưa lựa chọn của mình vào nhóm phụ huynh lớp để thông qua, cơ bản ai nấy đều hài lòng. Sau khi đạt được sự đồng thuận, lúc đó Hội sẽ báo cáo thầy cô chủ nhiệm và nhận được sự ủng hộ. Hội làm việc vì niềm vui chung của cả lớp nên mọi người gọi thế nào cũng thấy vui vẻ!

HPH khi đại diện cho lớp gần như không gắn với tên con. Trên lớp không có cô giáo nào biết HPH là cha mẹ của em nào, vì vậy các con đều không có sự ưu tiên (tất nhiên có thể không tuyệt đối, nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào). 

HPH đều là những người chẳng có lợi lộc cá nhân gì (cho bản thân và cả con), hi sinh thời gian cá nhân cho các con, thậm chí off bàn việc lớp hoặc tiền trạm cho các chuyến đi tham quan của lớp, mọi người trong Hội đều tự bỏ tiền túi ra trang trải các chi phí", anh Phương nói.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, thay vì bỏ HPH, chỉ nên thay đổi cách thức hoạt động cho hợp lý. Vẫn biết ở đâu đó, một số ban đại diện cha mẹ học sinh được lập ra chỉ với mục đích cho đủ ban bệ; một số khác lập ra chỉ để thu các khoản tiền được gọi là "tự nguyện đóng góp". 

Thế nhưng, cũng có rất nhiều HPH đã và đang đại diện cho tiếng nói của phụ huynh, lặng lẽ góp phần hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm và nhà trường trong việc xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tích cực cho con trẻ.

Chia sẻ