Trải lòng của người bị bán sang Singapore làm gái

Theo Phunutoday,
Chia sẻ

Xuống đường nghĩa là Thủy phải phấn son tô đậm, phải mặc váy áo ngắn cũn cỡn rồi theo một số chị em đi trước đến một nơi gọi là “khu đèn đỏ”.

Đến bây giờ, khi đã được giải thoát khỏi địa ngục nơi xứ người nhưng chị Lê Bích Thủy, 27 tuổi, hiện ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, vẫn bị khủng hoảng tinh thần vì ký ức về những năm trời kinh hoàng bị ép phải bán thân xác cho khách làng chơi ở Singapore khi còn là một cô bé. Trong ngôi nhà lá rách nát, xiêu vẹo như chính số phận của đời mình, Thủy ai oán kể cho chúng tôi nghe về kiếp sống đọa đày của một thôn nữ bị đẩy vào phố đèn đỏ nơi xứ người cho khách làng chơi dày vò thân xác. 
 
Dấn thân vào nước mắt 

Chị Lâm Bích Thuỷ cùng mẹ kể lại những tháng ngày tủi hờn, lo sợ Một chiều tháng 10, mưa dầm dề kéo dài 2 ngày đêm chưa dứt khiến ngôi nhà nhỏ xác xơ của Lê Bích Thuỷ ở ấp Tân Trung, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, buồn đến lạ và xiêu vẹo đến nao lòng: “Khổ quá nên em mới theo người ta xuất ngoại những mong kiếm tiền nuôi mẹ già nay đau mai bệnh. Ai ngờ khi đặt chân sang xứ người em mới biết mình bị lừa bán vào động thổ” - Thuỷ bắt đầu câu chuyện bằng những hồi tưởng như thế.
 
Người đưa đường dẫn lối gợi ý cho Thuỷ ấp ủ giấc mơ về một cuộc sống giàu sang, công việc nhàn hạ nơi xứ người là bà Nguyễn Thị Rìu (tự Út Rìu, ngụ ấp Tà Dơ, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu). Thủy kể lại: “Lúc đầu, em biết được bà Rìu có con gái đi nước ngoài làm ăn phát đạt nên thường xuyên gửi tiền về, cuộc sống sung túc nhưng khi sang bên bển rồi, em mới biết con gái bà ta là mắt xích trong một đường dây buôn người.

Chị Thuỷ nhớ lại cuộc đời mình.
 
Khi biết hoàn cảnh khó khăn của em, bà Rìu nói đừng phí hoài nhan sắc tuổi trẻ, nên xuất ngoại theo con gái bả sang Singapore làm phục vụ quán, vừa nhàn hạ lương lại rất cao. Bà ấy nói chỉ riêng lương cứng mỗi tháng, em được trả cả chục triệu đồng. Riêng khoảng “tiền típ” (tiền boa) cũng được ngần ấy, có khi hơn. Em nghe bả nói mà mê quá, nên năn nỉ bả giúp đỡ cho mình có được cái phước ấy!”.
 
Nguyễn Thị Rìu không phải là người xa người lạ, mà là họ hàng phía bà con xa với mẹ của Lê Bích Thủy. Khi biết được hoàn cảnh của Thủy và mong muốn khát khao đổi đời, đang rất cần tiền để chăm lo cho mẹ, thị Rìu chủ động đến thăm, gợi ý về một thiên đường bên xứ người, nhưng thực chất là lừa bán cô gái nhẹ dạ này cho động thổ nơi con gái thị có “cổ phần”.
 
Sau khi quăng miếng “thịt mỡ” về một cuộc sống tươi hồng, trước đề nghị được giúp đỡ của Thuỷ, biết cá đã cắn câu, thị lập tức nhận lời. “Hôm trước gặp em, hôm sau bả kêu em ra thị xã làm hộ chiếu mà theo giải thích của bả đó là giấy thông hành để xuất ngoại. Đâu đó, rồi bả dắt em lên Sài Gòn làm thủ tục, sau đó đặt vé và bảo em chuẩn bị tinh thần chờ đến ngày giờ là xuất ngoại” - Lê Bích Thuỷ, nhớ lại.
 
Ngày ra sân bay Tân Sơn Nhất, cùng đi với Thuỷ có 2 cô gái mà Thuỷ không rõ tên ở xã Suối Ngô và con gái bà Rìu, tên là Bích. Thủy kể lại trong sự căm phẫn: “Bích có thâm niên ở Singapore, lớn hơn em 1 tuổi. Bích dáng xinh, sang trọng, lanh lợi, ăn nói lưu loát tụi em rất ngưỡng mộ. Trên đường ra sân bay, Bích tâm tình do là chốn tình làng nghĩa xóm nên mới cất công về nước dắt tụi em sang. Khi đặt chân sang xứ người em mới rõ chân tướng của Bích, đó là mẹ mìn buôn người thứ thiệt.
 
Không như lời nói của bà Rìu và những cuộc gọi về trước đó của Bích rằng sang bển sẽ được cho nghỉ ngơi, được dắt đi mua sắm và sau đó thì làm phục vụ quán, vừa đặt chân xuống sân bay, em và nhiều cô gái khác bị tống lên một chiếc xe hơi đưa thẳng đến điểm tập kết”.
 
Điểm tập kết theo lời kể của Thuỷ là nơi mà Bích và người tình của thị là người bản xứ thuê lại để gom các cô gái Việt nghèo nhằm tiện chăn dắt. Lúc mới đặt chân vào căn nhà, Thủy cho biết: “Đó là một căn hộ chung cư nằm cách sân bay khoảng 20 phút chạy xe. Tại đây, có khoảng 20 phụ nữ đứng ngồi lố nhố, cả thảy họ đều là người Việt mình.
 
Sau này, qua tìm hiểu em mới biết họ cũng như em, gia cảnh nghèo, được bà Rìu và mạng lưới gom gái chân rết của bà ta chiêu dụ đưa sang đây đặng… vắt xác. Nhìn các cô gái ăn vận hở hang, phấn son loè loẹt, ăn nói ỡm ờ, em đã linh cảm chuyện chẳng lành. Lúc này, Bích trở mặt, thị ta hất hàm bảo em tranh thủ nghỉ chút xíu rồi trang điểm xuống đường”.   
 
Xuống đường nghĩa là Thủy phải phấn son tô đậm, phải mặc váy áo ngắn cũn cỡn rồi theo một số chị em đi trước đến một nơi gọi là “khu đèn đỏ” (nơi tập trung gái bán thân), vào bar với dáng vẻ ỡm ờ để câu khách, hoặc rảo bước trên đường để khách làng chơi đến ngả ngớn đưa đi dày vò...
 
Khi thấy mấy ông khách người nước ngoài nhìn hau háu rồi xán tới vỗ mông, bẹo má, em sợ quá bỏ chạy và bị bà Nhi, người trong đường dây của Bích cho mấy tên ma - cô chặn lại, buộc phải làm vừa lòng khách. Em lạy lục, van xin  nhưng bả không chịu. Bả nói muốn sướng thân thì phải trả cho bả 20 triệu đồng là chi phí ăn uống, đi lại, mua vé máy bay… Bằng không thì ai sao thì em phải vậy. Bả dọa nếu em bỏ trốn thì chết mất xác ráng chịu”. - Thủy hồi tưởng lại ngày đầu tiên kinh hoàng khi đặt chân đến nơi mà cô ngỡ là thiên đường.

Thoát khỏi tố quỷ và phanh phui mạng lưới buôn người

Kể đến đó, nước mắt Thủy trào ra: “Đường đi nước bước không rành, không tiền bạc lận lưng, không người quen, giấy tờ tùy thân bị bà Nhi thu giữ…, không còn cách nào khác, em đành phải chấp nhận số phận. Sau lời thị uy của bà Nhi, em bị đẩy vào một quá bar, bị ép phải sờ mó những bộ phận cơ thể nhạy cảm của những ông khách lạ. Một ông khách “chấm em”, thỏa thuận giá cả với Bích xong, ông ta gọi taxi đẩy em vào xe chở thẳng tới khách sạn…”.
 
Rồi cô gái ấy tiếp tục nói với giọng trầm buồn đến lạ lùng: “Tưởng đã được yên thân, ai ngờ ngay sau đó em bị đám ma - cô kè về phố đèn đỏ buộc phải lượn lờ cùng nhiều cô gái người Việt khác trên con đường ngắn nhiều ánh đèn màu để chờ khách làng chơi đến điểm mặt đưa đi. Em sợ quá ngồi thụp xuống đường bưng mặt khóc thì bà Nhi xuất hiện. Lúc đó, bả tát em và răn đe doạ nếu không siêng năng, bả sẽ điều em đi nơi khác, cho làm ở chỗ tệ hơn là phục vụ đám khách làng chơi biến thái, bệnh hoạn quen lấy việc hành xác, tra tấn phụ nữ làm vui. Em nghe sợ quá nên từ đó về sau, nghe lời bà ta rắm rắp”.
 
Trong 1 tuần lễ làm nô lệ tình dục nơi xứ người, mỗi ngày Thuỷ phải tiếp hàng chục người đàn ông. Tiền có được từ đám khách làng chơi này rất nhiều nhưng cô không được giữ đồng nào mà bị Bích và bà Nhi, trấn sạch... Rồi trong một lần lượn lờ ở phố đèn đỏ, có những bận cảnh sát ập vào kiểm tra, Thủy và một số chị em bị đưa đến đồn cảnh sát. Lúc đó, Thủy mừng lắm, cô những tưởng được giải thoát khỏi ổ quỷ, nhưng sau đó, người của bà Nhi lại đến bảo lãnh về.
 
Thủy và những người khác lại tiếp tục bị ép buộc phải tiếp khách. Có cô phản kháng liền bị bà ta cho tay chân đưa đi biệt giam mấy ngày, lúc thả ra thì toàn thân bê bết máu vì bị tra tấn, đánh đập. - Ngày thứ 8 ở phố đèn đỏ, bà Nhi nhận được tin báo của đám tay chân rằng cảnh sát sắp có đợt kiểm tra gắt, những ai không có giấy tờ tuỳ thân sẽ bị trục xuất về nước. Nhờ tin báo ấy mà bà Nhi đưa hộ chiếu cho các cô gai tội nghiệp và dặn:: “Khi nào cảnh sát hỏi thì đưa ra”. Nhân lúc lộn xộn, Thủy và một cô gái khác tên Hoa lẻn trốn ra ngoài!
 
Khi bước ra ngoài quán bar tệ nạn và thoát khỏi phố đèn đỏ ấy, Thủy lạc bạn, cô vừa chạy vừa khóc và may mắn được một tài xế taxi người bản xứ giúp đỡ đưa thẳng đến sân bay. “Đó là kỷ niệm ấn tượng mà em không bao giờ quên” - Thuỷ bộc bạch: “Trong lúc bị người cùng quê cha đất mẹ lừa bán đẩy vào ổ quỷ thì em lại được người dân nước bạn tận tình giúp đỡ. Đến sân bay, anh ấy mở cửa chỉ em vào trong. Thấy em hớt hải khóc lóc, lực lượng an ninh sân bay giữ lại. Lúc đó, do bất đồng ngôn ngữ nên việc giao tiếp chỉ diễn ra bằng tay nên họ chẳng hiểu em muốn nói gì. Đang lúc tuyệt vọng thì em được một nữ du khách người Việt sinh sống tại nước bạn biết chuyện làm phiên dịch. Nhờ vậy mà em được cơ quan chức năng nước bạn giúp cho vé bay trở về Việt Nam ngay chuyến bay trong đêm. Lúc em lên máy bay là 12h đêm của một ngày tháng 8/2010”.
 
Khi máy bay hạ cánh tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Thủy cho biết cô không dám ra ngoài vì sợ đồng bọn của bà Rìu, bà Nhi đến “xử lý”. Sau hơn 1 giờ đồng hồ suy nghĩ, sau cùng, Thuỷ mạnh dạn bước ra ngoài, đón xe buýt tìm đường về lại Tây Ninh. “Khi biết em trở về nhà, bà Rìu tìm đến chửi bới, hăm doạ. Tiếp đến, bả cho những tên côn đồ lượn lại nhà em đe doạ. Rồi bả đánh bài ngửa, khi gặp trực tiếp, khi điện thoại bảo em nếu không hoàn trả số tiền 20 triệu đồng gọi là chi phí lo cho em đi nước ngoài sẽ cho người… xử đẹp. Biết rằng mình khó sống yên với bọn chúng,  phần không muốn có thêm những nạn nhân như mình nên em đến công an xã Tân Thành, trình báo vụ việc”.
 
Từ đơn tường trình của nạn nhân Lâm Bích Thuỷ, xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, công an xã Tân Thành đã chuyển nội dung vụ việc đến công an huyện Tân Châu. Qua xác minh, điều tra vụ việc, nhận định đây là vụ “buôn người”, công an huyện đã khởi tố vụ án, bắt giam bà Rìu. Sau một thời gian điều tra, cơ quan Công an đã đưa vụ án ra xét xử. Bà Rìu bị tòa tuyên xử 4 năm tù giam vì tội buôn người. Sau đó Bích về nước và bị công an bắt, bị tòa tuyên án 6 năm tù giam.
 
Sau bộc bạch trên, Thủy nói: “Tuy đang thi hành án ở trại giam nhưng mẹ con bà Rìu vẫn nhắn tin hăm doạ khi mãn án sẽ trả thù”. Chúng tôi hỏi Thuỷ có sợ không, cô rắn giọng: “Mọi việc em đều trình báo các anh công an. Mấy ảnh động viên em yên tâm, không ai có thể đứng trên luật pháp”.
 
Câu chuyện về những tháng ngày đắng cay, tủi nhục ở địa ngục trần gian nơi xứ người của thôn nữ Lâm Bích Thuỷ là vậy. Nói về những giông bão đã qua, Thuỷ nói cô là nạn nhân may mắn, bởi thực tế còn nhiều, rất nhiều nạn nhân của bọn buôn người đã và đang bị vùi dập thân xác nơi xứ người.
 
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, Thủy nói: “Quyết định kể chuyện đời mình, em những mong đó là bài học cảnh báo về những mối nguy ẩn sau thiên đường nơi xứ xa, để những cô gái quyết định xuất ngoại kiếm tìm cơ hội đổi đời biết đường mà tránh hoặc cân nhắc, bằng không đi thì dễ nhưng khó có ngày về”
Chia sẻ