TP.HCM: 10.000 bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Dã chiến số 8 xuất viện, nhiều người khỏi bệnh ở lại chăm sóc F0

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Sau 38 ngày hoạt động, Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 8 tạo TP.HCM đã làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân thứ 10.000.

Đây là sự nỗ lực rất lớn của hơn 700 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các bộ phận hỗ trợ ngày đêm đồng hành với người bệnh vượt qua COVID-19.

Đặc biệt, rất nhiều người bệnh chỉ sau 1 tuần điều trị tại đây đã khỏe mạnh trở về với gia đình.

Từ ngày 13/7/2021, Bệnh viện Dã chiến số 8 bắt đầu thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 với lực lượng nòng cốt là nhân viên y tế của Bệnh viện Bình Dân, kết hợp với Bệnh viện Thống Nhất và các nhân sự hỗ trợ.

TP.HCM: Bệnh nhân COVID-19 thứ 10.000 tại bệnh viện dã chiến số 8 xuất viện, nhiều người khỏi bệnh ở lại chăm sóc F0 - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân là trẻ em xuất viện.

Hiện tại, số lượng người bệnh trung bình được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 8 là gần 4.000 F0, lượng nhập viện và xuất viện mỗi ngày trung bình 400 người.

Có ngày số người bệnh được về nhà lên đến hơn 700 người, trong đó có cả những đối tượng có nguy cơ cao khi mắc COVID-19 như người bệnh lớn tuổi, béo phì hoặc có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân M.H.K. (29 tuổi), một bệnh nhân béo phì và gia đình cũng có nhiều thành viên thừa cân, béo phì.

Các bác sĩ nhớ rõ vì đây là một người bệnh bất hợp tác điều trị trong những ngày đầu nhập viện cho tới khi bệnh nhân thở khó, viêm phổi do COVID-19 mức độ nặng và được cứu sống ngoạn mục.

Bệnh nhân trong thời gian nằm dưỡng bệnh đã tự viết lời cảm ơn và xin lỗi lên nhóm điều trị vì "nông nổi không chịu nghe hướng dẫn và cảm ơn các bác sĩ vì đưa em từ cõi chết trở về".

TP.HCM: Bệnh nhân COVID-19 thứ 10.000 tại bệnh viện dã chiến số 8 xuất viện, nhiều người khỏi bệnh ở lại chăm sóc F0 - Ảnh 2.

Một số trường hợp bệnh nặng có bệnh nền, béo phì được các bác sĩ cứu sống.

Bên cạnh vấn đề tập trung điều trị các trường hợp chuyển nặng, Bệnh viện còn thiết lập tổng đài dã chiến để hỗ trợ người thân, người bệnh.

Tâm lý của người bệnh và người thân trong các trường hợp suy sụp, căng thẳng, lo âu cũng được đội ngũ nhân viên y tế và chuyên gia tâm lý hỗ trợ để hợp tác tốt hơn trong điều trị.

Tổng đài dã chiến đã trợ giúp tìm kiếm thông tin người bệnh, cập nhật để người nhà yên tâm, giải quyết các thắc mắc thủ tục hành chính, hỗ trợ kết nối lại các trường hợp lạc mất liên lạc với người thân trong lúc cấp bách.

Nhìn lại con số 10.000 người bệnh xuất viện, Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 8 cho biết tập thể y bác sĩ luôn hướng đến mục tiêu giúp người bệnh "hồi phục nhanh, xuất viện sớm".

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, Bệnh viện bảo đảm cho tất cả người bệnh được xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 kể từ khi nhập viện và trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ kể từ khi phết dịch tỵ hầu.

Có những ngày, đơn vị xét nghiệm RT-PCR của Bệnh viện Bình Dân phải thực hiện gần 1.000 mẫu cho Bệnh viện Dã chiến số 8.

Tổng số mẫu xét nghiệm từ khi thành lập đến ngày 20/8/2021 cho người bệnh và kiểm tra định kì cho nhân viên đang làm việc tại đây là hơn 13.000 mẫu.

Đồng thời, các y bác sĩ luôn luôn theo dõi chặt, can thiệp sớm đối với các trường hợp có bệnh nền, lớn tuổi, béo phì trước khi bệnh trở nặng.

TP.HCM: Bệnh nhân COVID-19 thứ 10.000 tại bệnh viện dã chiến số 8 xuất viện, nhiều người khỏi bệnh ở lại chăm sóc F0 - Ảnh 3.

Tập thể y bác sĩ luôn hướng đến mục tiêu giúp người bệnh "hồi phục nhanh, xuất viện sớm".

Việc bám sát quy trình để giải quyết xuất viện đúng tiến độ còn giúp bệnh viện kịp thời đón nhận các bệnh nhân mới, giảm tải áp lực cho cộng đồng vào đợt bùng phát thứ 4 do biến chủng delta tại TP.HCM.

Trong số 10.000 người bệnh, có những F0 chính là bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Thống Nhất và cả những người đã phục vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Điển hình là bác sĩ Dương Thanh Hải, là một trong những bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch từ những ngày đầu.

Khi nhiễm bệnh COVID-19, bác sĩ Hải vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ tại chỗ hướng dẫn những người bệnh qua trực tuyến.

Anh còn chủ động phối hợp với các đồng đội đến ngay những phòng bệnh khác khi được báo có người bệnh bị khó thở, trở nặng.

Khi đã hết bệnh, bác sĩ Hải viết đơn xin tình nguyện ở lại tham gia phòng chống dịch.

Ngoài bác sĩ Hải, nhiều nhân viên y tế cũng xin tình nguyện "hết dịch mới về nhà", bám trụ cùng đồng đội.

Vẫy tay chào nơi vừa cứu mình thoát hiểm họa COVID-19, nhiều người bệnh nói rằng sẽ nhớ về nơi này với thật nhiều y bác sĩ và hậu cần chăm sóc cho họ trong lúc cần thiết nhất: "Hẹn gặp lại, sau mùa dịch nhé!".

Chia sẻ