TP HCM phát văn bản khẩn phòng, chống bệnh dại

Tin, ảnh: Liên Anh,
Chia sẻ

Các cơ sở tiêm vắc-xin phòng dại cần đảm bảo nguồn vắc-xin để người dân tiếp cận đầy đủ. Cán bộ y tế phải được tập huấn về kỹ năng tư vấn xử trí các trường hợp bị động vật cắn; đảm bảo vắc-xin, huyết thanh kháng dại, an toàn tiêm chủng...

Chiều 20-3, Sở Y tế TP HCM phát văn bản khẩn đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC); trung tâm y tế, phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức; các cơ sở tiêm vắc-xin về việc tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

TP HCM phát văn bản khẩn phòng, chống bệnh dại - Ảnh 1.

Người dân tiêm vắc-xin phòng dại tại Viện Pasteur TP HCM

Sở đề nghị trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường giám sát các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với ngành thú y trên địa bàn để kịp thời thông tin khi phát hiện hoặc nhận được thông tin giám sát về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại.

Đồng thời, tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm và hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. Ngoài ra, vận động người dân kịp thời đến các cơ sở y tế để khám tư vấn và tiêm phòng dại khi bị chó, mèo cắn.

Đối với HCDC cần chủ động hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị địa phương trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người. Song song đó, phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn và tái tập huấn về chuyên môn cho cán bộ ty tế về công tác phòng, chống bệnh dại trên người. Đồng thời, phối hợp với Chi cục chăn nuôi thú y chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra xử lý ổ dịch kịp thời.

TP HCM phát văn bản khẩn phòng, chống bệnh dại - Ảnh 2.

Một trường hợp bị chó cắn vùng mặt đến Viện Pasteur TP HCM tiêm phòng dại

Đối với phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức phổ biến triển khai nội dung đến các cơ sở y tế, cơ sở tiêm vắc-xin phòng dại.

Riêng các cơ sở tiêm vắc-xin phòng dại cần đảm bảo nguồn vắc-xin để người dân tiếp cận đầy đủ. Bên cạnh đó, cán bộ y tế phải được tập huấn về kỹ năng tư vấn xử trí các trường hợp bị động vật cắn như xử lý vết thương; sử dụng vắc-xin, huyết thanh kháng dại; đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Chia sẻ