Yêu thương "đền đáp" yêu thương

Saga,
Chia sẻ

Ở gia đình nhà tôi, yêu thương được lưu truyền qua các thế hệ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như một lẽ thường tình giản dị nhất trên đời.

Ông bà nội và ông ngoại mất sớm, khi chúng tôi có ý thức nhìn cuộc sống xung quanh, chỉ còn bà ngoại. Mẹ tôi thương ngoại vô cùng, miếng đồ ăn ngon nhất, tấm áo đẹp, mẹ đều ráng dành cho ngoại; những chỗ đi chơi khuây khỏa tuổi già, đi hành hương… mẹ không ngần ngại dành thời gian đưa ngoại đi. Mẹ nói, đời ngoại cực khổ nhiều, cũng không còn được mấy mươi năm mà hưởng với con cháu, ngoại còn vui khỏe được ngày nào thì mẹ sẽ dành cho ngoại tất cả những gì ngoại mong, ngoại thích. Mà không chỉ mẹ, cha tôi, phận con rể cũng hết lòng thương ngoại.

Chị em chúng tôi lớn lên cùng với những tình cảm đó, tới lúc trưởng thành, cái cảm giác mình được và có khả năng đền đáp những yêu thương cha mẹ đã dành cho mình, nó tự nhiên cũng trở thành những niềm vui, niềm hạnh phúc.

Yêu thương
Thỉnh thoảng tôi lại mang những tấm ảnh cũ, những bức thư, tấm thiệp ngày xưa ra xem lại, hồi tưởng lại

Mà biết bao nhiêu yêu thương để đáp đền cho đủ? Tôi nhớ, ngày chúng tôi còn nhỏ, mẹ đối với chị em chúng tôi y như một bà tiên, chỉ cần thổ lộ ước mơ với mẹ, mẹ sẽ vung ‘chiếc đũa thần kỳ’ biến ước mơ nho nhỏ của chúng tôi trở thành hiện thực. Có lần tôi đi tập nghi thức đội cần gấp váy đồng phục trắng, mẹ chỉ bảo ‘Ngủ đi, đừng lo’.

Đúng thật, ngủ một giấc thật ngon, sáng ra đã thấy váy áo tinh tươm, mãi sau này tôi mới biết cả đêm trước mẹ gần như thức trắng với cô thợ may để kịp cắt may gấp cho tôi bộ đồng phục như bè bạn. Có những năm tháng gia đình sa sút, khó khăn, mẹ phải chạy bổ hàng hai chiều thêm cho đủ nuôi môt đại gia đình ba thế hệ hơn chục miệng ăn, vậy mà trong giỏ hàng cuối ngày về mệt mỏi luôn có những bọc chè sen thơm phức. Chúng tôi nhỏ chẳng biết gì, chỉ thấy chè thơm là mắt sáng rỡ, múc một muỗng hít hà xong cũng nhớ “Mẹ ăn với con”, và y như rằng mẹ sẽ lắc đầu: “Không, ba cái chè này mẹ ngán lắm. Mấy tụi con ăn đi…

Khi đã lớn và đến phiên mình làm mẹ, tôi mới cảm nhận sâu sắc những cái lắc đầu và những câu “Không, mẹ ngán lắm” của mẹ, cũng giống như mẹ từ lâu đã hiểu những câu “Không, má ngán rồi, con ăn đi” của bà ngoại ngày trước.

Cả ngoại và mẹ đều dạy chị em tôi, không được nói dối. Thế nhưng, có lẽ trên đời luôn có những lời nói dối không bao giờ là lỗi. Đó là những lời nói dối thật là thương từ hàng triệu người làm cha, làm mẹ trên thế gian này, phủ nhận nhu cầu của bản thân để dành hết những điều tốt nhất có thể cho con cái. Những lời nói dối không làm cho người ta giận nhau, xa nhau, mà trái lại như càng thắt chặt thêm cái tình nghĩa yêu thương giữa cha mẹ và con, giữa các thế hệ với nhau. Tôi gọi đó là "những lời dối của tình thương".

Yêu thương
Tôi gói trọn yêu thương vào hộp quà dinh dưỡng dành tặng cho cha mẹ

Ở xã hội hối hả tất bật của bây giờ, ngoài những yêu thương đền đáp như trước giờ đã có, những năm gần đây dường như càng cần thêm một điều nữa: đó là thời gian dành cho cha mẹ. Đừng nghĩ mình đi làm có điều kiện, mình tặng đó một khoản tiền, một món đồ sang trọng, mà quên rằng những cuộc điện thoại, những câu thăm hỏi, những vòng tay ôm, những cái hôn thơm trên má… cũng trở thành liều thuốc quý không gì sánh nổi giúp cha mẹ ta khỏe hơn, sống lâu hơn cùng con cháu. Lắng nghe sức khỏe của cha mẹ, thấu hiểu nỗi lòng của cha mẹ… đó là cách mà chị em chúng tôi không ai bảo ai, vẫn đang thực hiện hàng ngày. Bởi, lại cũng như mẹ từng nói về bà ngoại ngày trước, cha mẹ già chẳng chắc sẽ ở lại với chúng ta thêm mấy chục năm nữa mà hưởng với con cháu, một ngày còn khỏe phải là một ngày vui.

Để ai biết được mươi, hai mươi, ba mươi năm sau… khi cha mẹ trăm tuổi già, về với ông bà, chúng tôi cũng vẫn có thể mỉm cười, những vòng yêu thương đền đáp yêu thương ở gia đình chúng tôi đã được truyền nối một cách trọn vẹn.

Yêu thương
 

 

Chia sẻ