Vợ chồng cần chuẩn bị gì trước khi sinh con?

,
Chia sẻ

Từ giai đoạn vợ chồng son chuyển sang giai đoạn làm bố mẹ, các bạn cần có sự chuẩn bị về mặt vật chất, tinh thần, sức khỏe... để việc sinh và nuôi dạy con được suôn sẻ.

Kiểm tra tài chính

Sau 3 năm kết hôn, Tuấn và Trang quyết định sinh con. Tuy nhiên, Trang tỏ ra lo lắng về việc chi tiêu cho đứa con sắp chào đời. 

Trang tâm sự: “Mặc dù rất muốn có con nhưng vợ chồng tôi đều không biết số tiền cần có để nuôi con là bao nhiêu. Anh ấy vẫn luôn bảo rằng chúng tôi sẽ xoay sở được nhưng tôi lo sợ sẽ có lúc cả hai cãi nhau về chuyện tiền nong. Cuối cùng, chúng tôi quyết định đi gặp chuyên gia tư vấn”. 

Có con là một sự kiện trọng đại trong đời sống vợ chồng và nó đòi hỏi bạn phải dự tính chi phí tối thiểu cho việc nuôi dạy đứa trẻ. Để mọi thứ diễn ra suôn sẻ, bạn cần điều chỉnh mọi thứ trong biểu đồ chi phí đã dự tính. Khi có đủ tiền bạc, hai bạn sẽ cảm thấy yên tâm chào đón thành viên mới hơn. Còn nếu không có kế hoạch đúng mức, vợ chồng bạn sẽ dễ gặp nhiều áp lực và vấn đề đau đầu sau này. Vì vậy, đừng coi thường vấn đề tài chính. Hãy hỏi ý kiến của những người đã có con để có thêm kinh nghiệm. 

Kiểm tra sức khỏe 

Chị Mai Hoa, nhân viên ngân hàng, 26 tuổi, chia sẻ kinh nghiệm: “Bố mẹ chồng muốn chúng tôi có con nhưng khi tôi đi khám, bác sỹ bảo tôi hãy chờ thêm một thời gian nữa vì tôi đang bị thiếu máu và có hàm lượng hemoglobin thấp. Tôi rất lo lắng nên đã đề nghị chồng hoãn việc sinh con một thời gian nhưng không nói cho anh ấy biết lý do thật sự. Điều này chỉ dẫn đến những hiểu lầm và cãi cọ giữa chúng tôi. Dần dần chúng tôi không còn thích nói với nhau về chuyện có con nữa”. 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cả vợ lẫn chồng đều nên đi khám sức khỏe tổng thể để đảm bảo mình có sức khỏe tốt trước khi quyết định có con. Đặc biệt, phụ nữ nên có chế độ ăn uống hợp lý với nhiều protein và sắt để việc mang thai được suôn sẻ. Bên cạnh đó, họ cũng cần thực hiện chế độ luyện tập hợp lý để việc sinh con thuận lợi. Nhiều người thường không để tâm đến vấn đề này và điều này có thể để lại tác hại về lâu về dài. 

Sự hỗ trợ từ gia đình 

Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng dọn ra ở riêng với bố mẹ chồng. Dù vậy, hai bạn cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bố mẹ khi quyết định sinh con.  

Anh Hoàng Hà, trưởng phòng kinh doanh, cho biết: “Tôi và vợ không sống cùng bố mẹ. Vì vậy, khi cô ấy mang bầu, chúng tôi đã lo lắng không biết sẽ xoay sở ra sao khi có con. Cuối cùng, bố mẹ tôi đã quyết định đến giúp đỡ chúng tôi và điều đó đã giảm gánh nặng cho vợ chồng tôi rất nhiều”. 

Sự giúp đỡ của bố mẹ có vai trò rất quan trọng khi người vợ mang thai. Có bố mẹ hoặc một ai đó ở bên cạnh, bạn sẽ cảm thấy yên tâm và an. 

Dành thời gian bên nhau 

Chăm sóc con cái là một công việc tốn kém thời gian, đặc biệt là trong mấy tháng đầu. Từ việc cho con bú cho đến việc thay tả, tất cả đều tiêu tốn nhiều thời gian của bạn. Do đó, hai vợ chồng nên cùng nhau chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái.  

Anh Ngọc Tuấn, một giảng viên, tiết lộ: “Chúng tôi rất ít khi cãi nhau cho đến khi đứa con đầu tiên chào đời. Cả hai đã sớm nhận ra đó là do tất cả những áp lực trong cuộc sống của chúng tôi gây ra. Bên cạnh việc chăm lo cho con, công việc bận rộn và căng thẳng khiến tôi không còn thời gian dành cho nhau”. 

Vợ chồng dành thời gian bên nhau là điều rất quan trọng. Mỗi ngày, hai bạn nên trò chuyện và ở bên nhau một khoảng thời gian nhất định. Trò chuyện sẽ giúp cả hai thêm khăng khít, gần gũi. Hãy nhờ người thân trông bé để cả hai có thể đi chơi vào dịp cuối tuần. Nếu không, hai bạn cũng có thể tổ chức một cuộc hẹn hò nóng bỏng tại nhà. Khi con đi ngủ, hãy cùng nhau ăn tối trong ánh nến hoặc xem phim.  

6 tháng đầu tiên là giai đoạn khó vượt qua nhất. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng trước hết hai bạn là vợ chồng đã rồi mới là bố mẹ. Hãy cố gắng hâm nóng tình yêu giữa hai người càng nhiều càng tốt.  

Chia sẻ cảm xúc với nhau

Hoàng Long, một lập trình viên, cho biết: “Có con là điều vừa hạnh phúc vừa căng thẳng. Có một việc chúng ta cần thực hiện thường xuyên là chia sẻ cảm xúc với nhau. Khi chia sẻ, cả hai cần rõ ràng và dễ hiểu. Có những giai đoạn khi tôi cảm thấy cảm thấy hoàn toàn bị vợ lãng quên vì đứa bé. Cô ấy bận rộn chăm con, thậm chí ngủ với bé khiến tôi cảm thấy mình như một người xa lạ. Một hôm tôi đã nói với vợ ấy về cảm giác ghen tị của mình và vợ tôi cũng đã nói về cảm giác của cô ấy khi có con. Chúng tôi đã dốc bầu tâm sự và điều đó đã giúp ích rất nhiều khi cô ấy hiểu được những suy nghĩ bên trong của tôi và tôi cũng vậy. Chúng tôi gắn bó với nhau hơn sau việc đó”. 

Khi có con, bạn sẽ trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau. Những cảm giác tức giận, buồn chán, ghen tị chỉ xảy ra khi hai bạn có ít thời gian cho nhau. Nếu không chia sẻ cảm xúc với nhau, mối quan hệ vợ chồng có thể bị tổn thương. Hãy dành thời gian để nói về cảm xúc của mình. 

Duy trì sự gần gũi

Chị Hồng Ánh, 25 tuổi, tâm sự: “Sau khi sinh con, tôi quá bận rộn chăm sóc mà nên không còn để ý đến chuyện chăn gối nữa. Tuy nhiên, chồng tôi vẫn rất muốn ân ái và không hiểu lý do vì sao tôi không muốn. Điều này đã dẫn cuộc tranh lạnh giữa chúng tôi”. 

Thường khi có con, người vợ trở nên thờ ơ với chuyện chăn gối do bận chăm sóc con cộng với việc tự ti về cơ thể mình. Bạn có thể không làm “chuyện ấy” nhưng nhất thiết pahri duy trì sự thân mật giữa vợ chồng. Cả đàn ông và phụ nữ đều muốn sự thân mật hơn là chỉ muốn sex, đây là lý do tại sao bạn nên thúc đẩy sự gần gũi trong mối quan hệ vợ chồng.  

Trầm cảm sau khi sinh

Với nhiều bà mẹ, họ trải qua sự thay đổi tâm trạng mạnh mẽ khi có con và một số khác thì mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh. Đôi khi không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng mắc chứng bệnh này.  

Anh Tuấn Tú, một nhân viên thiết kế, 28 tuổi, cho biết: “Chúng tôi không lường trước được những việc sẽ xảy ra khi em bé chào đời. Mỗi ngày có một loạt các vấn đề mới phát sinh. Và điều tồi tệ nhất là những lần con gái tôi bị ốm. Công việc, con ốm.. khiến chúng tôi bị trầm cảm”. 

Chứng trầm cảm sau khi sinh ở nam giới thường xuất hiện 6 tháng sau khi bé chào đời trong khi hầu hết phụ nữ mắc phải chứng này trong tháng đầu tiên.  

Đàn ông thường không nhận ra mình rơi vào tình trạng trầm cảm. Khi họ nhận ra thì đã quá muộn rồi. Ngay cả khi họ có gần gũi với con thì cũng thường tự tách mình khỏi bạn đời và điều này sẽ gây ra những hiểu lầm và tranh cãi giữa hai vợ chồng. Giải pháp là hãy cho nhau thời gian. Bạn cần hiểu rằng điều này chỉ xảy ra một thời gian ngắn và chìa khóa giải quyết vấn đề là hãy luôn ở bên nhau. Bên cạnh đó, hãy tập trung vào những khía cạnh tích cực của vấn đề hơn là khía cạnh tiêu cực. 

Thụy Vân

(Tổng hợp)

Chia sẻ