Vợ chồng bất bình đẳng

,
Chia sẻ

Tranh thủ lúc cậu con trai ngủ, chị bật máy vi tính lên viết bài. Vừa ngồi vào bàn, chị đã nghe tiếng chồng: “Em làm gì vậy? Pha cho anh ly cà phê đi”.

Thấy chồng rỗi rãi ngồi xem ti vi, chị định bảo anh tự làm lấy. Nhưng rồi chị lại vui vẻ đứng dậy pha cà phê mang tới cho chồng.

Trở lại bên chiếc vi tính, chưa kịp tiếp tục công việc, chị lại bị anh sai: “Em là ngay cho anh bộ quần áo rồi để sẵn ra đấy sáng mai anh đi dự hội nghị. Để ý luôn xem tập tài liệu anh đã cho vào cặp chưa nhé!”.
 

Cố nén tiếng thở dài, chị dịu dàng: “Để lát nữa nhé. Em đang dở bài viết cho liền mạch...”. Chẳng đợi vợ nói hết câu, anh cau có chép miệng: “Chuẩn bị luôn đi để mai anh đi làm cho khỏi trễ giờ. Mà quần áo phải là lượt phẳng phiu từ tối hôm trước thì sáng mặc mới không bị nhăn nhúm. Đề tài của em không viết giờ thì mai viết. Mỗi bài báo có nổi 200 nghìn nhuận bút không mà em cứ quan trọng hoá vấn đề lên như thế”.

Chưa chịu “buông tha” cho vợ, anh càu nhàu, than vãn rằng chị ương bướng, cứ tự chuốc cái khổ vào thân, đã bảo tránh xa cái nghiệp viết lách ra mà không chịu nghe lời. Rằng anh có phải gã đàn ông bất tài không nuôi nổi vợ con đâu mà chị cứ phải tận dụng từng phút rỗi rãi để “cắm mặt vào cái máy vi tính”…

Đi làm về chẳng bao giờ anh động tay vào việc gì để sẻ chia, đỡ đần cùng chị. Ngay cả khi chị mới sinh con, sức chưa ổn định đã phải tất tưởi vừa trông con vừa dọn dẹp nhà cửa, nội trợ... anh vẫn bàng quan như không.

Đang trong thời gian nghỉ theo chế độ sinh đẻ song với niềm đam mê máu thịt nên khi có xúc cảm, đề tài mới chị đều tranh thủ ghi lại với mục đích “làm giàu” thêm cho kho tư liệu, khẳng định năng lực của bản thân. Anh chẳng những không đồng tình ủng hộ mà còn mỉa mai chị “tham công tiếc việc một cách ngớ ngẩn”.

Trong con mắt của anh, nghề phóng viên mà chị đã và đang theo đuổi vừa vất vả, nguy hiểm mà thu nhập lại bèo bọt. Rất nhiều lần thuyết phục chị đổi nghề không được, anh quay ra dè bỉu, coi thường công việc của vợ…

Chị luôn bị làm phiền, nhiều lần anh làm chị bị đứt mạch cảm xúc xuất phát từ những câu nói khó nghe, động chạm tới tự ái nghề nghiệp của chị hoặc sự sai khiến việc nọ, việc kia.

Chị đã lựa lời nói cho anh hiểu rằng mỗi con người có sở thích, hoài bão và sự lựa chọn riêng, những người xung quanh, kể cả bạn đời cần tôn trọng chứ không nên áp đặt, gượng ép. Rằng nghề cầm bút của chị có nét đặc thù riêng. Anh bỏ ngoài tai tất cả, vô tình dồn ép sức chịu đựng của chị đi quá giới hạn cho phép.

Lồng ngực chị nhói đau khi nhận ra rằng hai chữ “bình đẳng”- vốn được coi là nền tảng căn bản nhất của tổ ấm gia đình dường như luôn xa vời tầm tay chị. Điều đó đồng nghĩa với hạnh phúc quá đỗi mong manh. Nhưng chị vẫn thầm hi vọng anh sẽ kịp nhận ra, sẽ tích cực sửa đổi...

Theo Tuấn Nguyên
Phụ nữ
Chia sẻ