“Thân phận” ở rể

Bảo Châu,
Chia sẻ

Chồng chị Mai tự ái: “Đúng là kiếp ở rể, nhục như con chó. Thích thì cho ở, không thích thì đuổi đi”.

1. Hai vợ chồng nhà chị Mai lấy nhau được mấy năm nhưng vẫn chưa dành dụm đủ tiền để mua nhà. Giá cả ngày một đắt đỏ, tiền nhà tăng vù vù mà chủ nhà không báo trước một tiếng. Chị Mai khuyên nhủ mãi, cuối cùng chồng chị cũng đành về nhà vợ ở cùng với mong muốn tiết kiệm được tiền để mua một mái ấm nho nhỏ.

Những ngày đầu tiên, mọi chuyện cũng cơm lành canh ngọt. Con rể rất hiếu thuận và yêu quý bố mẹ vợ. Thế nhưng, dần dần mọi chuyện cũng chẳng được êm xuôi. Tất cả cũng chỉ vì anh chồng chị Mai hay đi nhậu về muộn.

Một lần, đợi đến 2 giờ vẫn chưa thấy chồng về, chị Mai đành phải gọi điện cho chồng. Nghe thấy giọng lè nhè của các bạn nhậu, chị xẵng giọng: “Không về thì đi luôn đi”. Không ngờ, câu nói đó lại chạm lòng tự ái của chồng: “Đúng là kiếp ở rể, nhục như con chó. Thích thì cho ở, không thích thì đuổi đi”.

Có lần hai vợ chồng nhà chị Mai đến nhà anh bạn thân của chồng ăn cơm. Chén chú chén anh một lúc, chồng chị Mai mới trách bạn: “Lâu không thấy nhà ông qua nhà tôi ăn cơm”. Không hiểu anh bạn thân chỉ nói đùa cho vui hay cố tình châm chọc lại bảo rằng: “Nhà của ông đâu mà đến. Đến ăn có khi lại bị bố mẹ vợ và vợ cằn nhằn ấy chứ…”. Nghe thế, chồng chị sa sầm nét mặt, cuộc vui trùng xuống.

Sau lần đó, hễ vợ chồng có chuyện gì xích mích, anh lại lôi lý do mình ăn nhờ ở đậu khiến cho chị Mai nhiều phen uất giận, chẳng nói được gì. Về đến quê nhà chồng, chị lại bị chì chiết mang tiếng bắt nạt chồng. Mẹ chồng chị suốt ngày đay nghiến: “Tưởng có cái nhà mà to à?”.

2. Cùng cảnh ngộ với nhà chị Mai, chồng chị Trang cũng phải đi ở rể. Không những con trai đi ở rể mà ngay cả mẹ chồng cũng phải đi ở nhờ. Cũng vì từ hồi chị Trang sinh thằng Cún, ông bà ngoại vẫn còn đi làm, chẳng có ai trông cháu, bà nội lên đỡ đần. Chẳng ai trông con mình hơn là người nhà trông.

Nhà chị Trang cũng chật. Nên cả vợ chồng con cái và mẹ chồng đều ở trên tầng 3 với căn phòng 20m2, công trình phụ khép kín. Ấy thế nhưng cả khu tập thể nhà chị Trang chẳng bao giờ thấy một điều than phiền, cằn nhằn từ ngôi nhà đó phát ra. Mọi người cứ khen chị Trang tốt số, lấy được chồng ngoan và mẹ chồng cũng hiền lành. Chiều chiều, bà nội và bà ngoại đưa cháu đi chơi, tối đến thấy hai bà lại đi tập thể dục vòng quanh bờ hồ với nhau. Con rể sửa hộ bố vợ cái bóng đèn bị hỏng, xem cái xe tự dưng không đề được. Công to việc lớn gì trong nhà, bố mẹ vợ đều bàn bạc và rất coi trọng ý kiến của con rể. Mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi, bà nội về quê thăm ông nội, bà ngoại cứ nhắc mãi: “Thiếu bà nội, thấy văng vắng”.

Đâu phải cứ ở rể là khổ!

Ở rể là vấn đề nhạy cảm của nhiều đàn ông. Mang thân “chui gầm chạn” sẽ khiến họ sống lép vế và trở nên khép kín. Nếu người vợ không có cách ứng xử khéo léo thì chuyện rạn nứt vợ chồng là tất yếu.

Trên thực tế, chuyện ở rể cũng chẳng có gì là không thể. Nhiều gia đình đã sống đầm ấm, hạnh phúc. Bố mẹ thậm chí còn yêu quý và bênh con rể hơn cả con gái mình. Để làm được như vậy, trong suốt thời gian sống chung với nhau, con rể phải biết yêu kính bố mẹ vợ, coi đây là gia đình của mình chứ không phải chỉ là nơi “trú ngụ”.

Hãy biết dung hòa các mối quan hệ với gia đình nhà vợ, biết yêu thương và quý trọng mọi người trong gia đình nhà vợ như nhà mình. Làm được những điều đó sẽ khỏa lấp đi những hố ngăn cách giữa hai vợ chồng, giữa chồng và gia đình nhà vợ.

Chia sẻ