Tết là khi bố trở về từ biển

,
Chia sẻ

Tết của nhà tôi có thể gói gọn trong một giờ, một ngày hay cũng có thể trải dài cả tháng. Chỉ cần ghe cá của bố về an toàn là nhà tôi có tết…

Mỗi một năm có ba ngày tết, tính cả ngày 30 nữa là bốn. Có thể với nhiều người, khi được ăn tết trọn vẹn với đầy đủ thành viên là chuyện bình thường. Còn gia đình tôi có 5 người nhưng bố và anh trai đi biển quanh năm, chỉ còn ba mẹ con tôi ở nhà mong ngóng. Tết đến là những khi ghe cá đầy!

Có năm thì bố và anh về kịp ăn tết. Nhưng cũng có năm thì sau tết đến nửa tháng trời bố và anh mới về. Vậy mà khi ấy nhà tôi vẫn còn hương tết nhộn nhịp.

Bánh chưng làm từ trước tết nhưng mẹ vẫn để dành một cặp cho bố và anh. Bánh để chừng ấy ngày thì thường bị mốc xanh, mốc trắng nhưng mẹ bảo phải để phần tết cho bố và anh để thể hiện sự ấm cúng, trân trọng của người ở nhà đối với người đi xa. Tôi chợt thấy mẹ của mình tinh tế thật đấy, bởi mẹ bảo rằng dù còn ăn được hay không thì vẫn là hương vị tết. Thi thoảng ngó đến hai cái bánh chưng mẹ để dành cho bố và anh, tôi thèm nhỏ nước dãi.
 

Chuyện ăn tết sớm hay muộn là chuyện thường với làng tôi rồi, tất cả tùy thuộc vào ghe đánh cá của nhà ấy đã về chưa?

Phút giao thừa cứ đến rồi đi, lặng lẽ và êm đềm. Năm mới ùa về tự lúc nào. Lòng người nôn nao, ai cũng cầu trời đất phù hộ cho cả nhà sang năm mới “mưa thuận gió hòa”.

Quê tôi là vùng lũ, năm nào cũng có vài cơm bão đổ bộ vào kéo theo bao nhiêu nhà cửa, mùa màng mất mát. Kinh tế càng khó khăn hơn, nhà nào có lao động chính đi biển còn có cái ăn, còn bình thường ở nhà trông chờ vào mấy sào ruộng mùa được mùa mất thì đói kém lắm.

Nhưng tết đến vẫn phải no đủ, cũng phải có cây đào trong nhà. Nhà có điều kiện còn tậu thêm cả cây quýt xum xuê quả là quả. Mỗi năm ông Nội đan cho nhà tôi một cái thuyền nhỏ bằng cái quạt nan để treo trước cửa, nhìn rất tỉ mỉ và cẩn thận. Tôi tưởng tượng và thấy bố và anh trong đó và thổn thức chờ đợi.

Những ngày giáp tết thế này là không khí lại bắt đầu náo nhiệt ở xóm chài nhỏ. Mẹ bỏ vôi đã tôi vào chậu nước, hòa tan rồi lấy chổi quét lên các bức tường để đón chào năm mới. Bao nhiêu rêu phong của năm cũ bị lớp vôi trắng xóa tan. Lòng người cũng nhẹ nhàng hơn khi nhà ai kia có mùi bánh chưng bắt đầu lan tỏa. Tôi thì người nhỏ làm việc nhỏ nên mẹ giao cho nhiệm vụ lau rửa mấy cảnh cửa và quét dọn nhà.

… Những ghe cá dù đầy, dù vơi nhưng đã đáp đỗ, cập bến là ai nấy đều tươi rói. Tuy kinh tế không khá giả nhưng mọi người sống với nhau bằng tình nghĩa. Nhà nào thiếu gạo nếp sẽ đi vay mượn và có thể bù lại bằng thịt mỡ. Lá dong thiếu thì đi xin nhà còn thừa. Chuyện vay mượn, cho, xin rất tự nhiên chứ không ngại ngùng. Không khí tết vì thế càng trở nhộn nhịp hơn bằng chính những lời nói vọng từ nhà này sang nhà khác: “Nhà bác còn thừa lá dong không? Nhà em thiếu mất 6, 7 lá…”

Phiên chợ tết, mẹ cho tôi đi cùng để vác hai cây mía về nhà. Hai cây mía được mẹ lựa rất kỹ, phải ít mắt, dài ống để dựng hai bên bàn thờ vì mía trong ngày tết là gậy của ông Vải. Chiều 30, mẹ nấu cơm rước ông Vải về nhà.

Ngày mai, có lẽ mẹ con tôi và bao nhiêu gia đình khác sẽ cùng nô nức chạy ra bờ biển để chờ đợi những ghe đánh cá. Hương tết của nhà tôi mang cả ra biển, nơi có bố và anh.

Theo HÙNG THOA
Tuổi trẻ
Chia sẻ