Rước "búp bê" về làm vợ

Linh Nhi,
Chia sẻ

Nhiều người than thở chồng vô tâm, chồng lười nhưng đây là trường hợp có sướng mà không biết hưởng.

Xe ôm của vợ

Trước đây lúc mới yêu nhau, mỗi cái lắc đầu, ngúng nguẩy của Thủy đều khiến Giang thấy đáng yêu và ra sức chiều chuộng, nâng niu nàng. Mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi từ khi Thủy có cái quyền lớn lao, đó là quyền làm vợ. 

Thủy không biết đi xe máy. Nàng kể lể rằng hồi bé nàng hay ốm vặt, người xanh rớt, còi cọc, ăn chẳng ăn được lại thường xuyên chóng mặt, đau đầu nên rất sợ tốc độ. Đã thế nàng còn say xe, say đến ngất ngư, nôn cả mật xanh, mật vàng. Thời sinh viên, Giang ung dung lĩnh cái nhiệm vụ "xe ôm" đưa Thủy đến trường, đi chơi, về quê hay thăm thú người thân. Không chút khó chịu mà Giang còn an tâm vì đi đâu, ở đâu anh cũng được kè kè bên người yêu, chẳng phải lo lắng, nghi ngờ gì. 

Rồi họ cưới nhau, Thủy cũng đi làm. Công ty của Giang và Thủy cách nhau đến 5km mà anh vẫn sáng sáng đưa nàng đi, chiều chiều đón nàng về. Những ngày trời nắng không sao, mưa gió, đường ngập, giao thông ách tắc thì thật là thảm họa. Thương vợ yếu nên Giang cũng chẳng lấy đó làm điều phiền muộn. Nhưng điều đáng nói là Thủy không hề thông cảm hay hiểu cho sự yêu chiều của người chồng tốt bụng. Hễ Thủy gọi mà Giang đến muộn, ngay lập tức nàng mặt sưng mày sỉa trách móc, dọa dẫm "Anh không đến nhanh em gọi người khác đón bây giờ". 

Bạn bè nhìn Giang ngày ngày tất bật đưa đón, chăm sóc vợ thì ngấm nguýt rằng: "Thủy lấy được người chồng nhân dân", có người lại dè bỉu: "Lấy vợ hay làm ôsin cho vợ không biết?". Chẳng phải Giang không nhận ra thói õng ẹo, hạch sách của vợ nhưng vốn tính chịu khó, lại thương vợ hay ốm đau nên anh vẫn đành lòng. Cũng đôi lần Thủy cư xử quá đáng, Giang tức tối quát nạt, mắng mỏ thì chỉ nhận được những tiếng nức nở không dứt của Thủy, cho dù là giữa chốn đông người hay ngay tại nhà chồng. Nghĩ hai đứa đã nên vợ, nên chồng, dầu gì cũng là vợ mình, gia đình mình, có gì đóng cửa bảo nhau nên Giang ngậm ngùi cho qua chuyện.

Rước

Anh trộm nghĩ, có phải mình quá hèn?

Búp bê tủ kính

Từ dạo Thủy mang bầu, cô càng được đà mệt mỏi và liên tục ra lệnh cho chồng nhiều hơn. Từ cái bát, đôi đũa, túi rác..., Thủy cũng không hề động tay. Mỗi sáng, Giang dậy sớm đi chợ, nấu bữa sáng gọi vợ dậy ăn rồi đưa đón nàng đi làm. Nhưng chỉ cần chồng chậm trễ vài phút vì đang kẹt trong… toilet, giọng nàng đã dõng dạc vẳng từ dưới lên: "Có đi làm hay ở nhà ngủ hả chồng?".

Gần 9 tháng 10 ngày bụng mang dạ chửa, Thủy không hề "ló mặt" về quê chồng với lý do đi lại nhiều ảnh hưởng đến con, dù có giỗ chạp hay thậm chí là em chồng tổ chức đám cưới. Nhà có việc, Giang lại là con trưởng nên không thể không về.

Oái oăm thay, Thủy còn mắc bệnh sợ tối, rồi sợ cả ban ngày. Cứ khi chồng đi vắng, phải ở nhà một mình là Thủy sợ. Khi bạn bè rủ rê thì nàng ngăn cản không cho chồng đi, khi gia đình chồng có việc không đừng được thì Thủy bắt anh nhanh chóng đón em hoặc chị gái sang ngủ cùng. Dù vậy nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều lần vừa xa vợ, vài phút Giang lại nhận được một cú điện thoại hay tin nhắn của Thủy chỉ để giục giã "Chồng về chưa?". 

Sát ngày sinh, Thủy nghỉ ở nhà, Giang cũng phải đưa cô em vợ sang chơi cùng Thủy cho nàng đỡ buồn phiền, kẻo ảnh hưởng đến con. Tưởng thế đã an tâm, vậy mà hôm nào Giang về muộn, mặt Thủy đăm đăm ngay "Anh làm cái trò trống gì mà giờ này mới về, vợ thì ở nhà một mình".

Dù chồng có giải thích rằng việc công ty phát sinh, đối tác đến muộn... thì nàng vẫn mặt nặng mày nhẹ, hậm hực vì chồng không về sớm nấu cơm, bỏ đói hai mẹ con. Giang ức chế to tiếng: "Hai chị em ở nhà mà bữa cơm cũng không lo nổi" thì Thủy gào lên nức nở: "Anh không thương hai mẹ con em. Anh có công to việc lớn gì mà không ngó ngàng đến vợ?"... 

Bạn bè, người thân ai ai cũng ngậm ngùi thương Giang vất vả, khổ vì vợ vì con. Giang mới ngấm lời cảnh báo của mẹ ngay từ khi đưa Thủy về ra mắt “Thứ búp bê tủ kính ấy, lấy về rồi hầu nó con ạ”. Nhưng ván đã đóng thuyền, giờ thì chẳng ai có thể giúp anh chia sẻ nỗi khổ này. Anh trộm nghĩ, có phải mình quá hèn?



Rước
Chia sẻ