Quá khổ vì chồng "cuỗm" tiền rồi đề nghị: "Giải phóng cho nhau"

Hoàng Anh ,
Chia sẻ

Đặt tờ đơn ly dị đã đơn phương kí lên trên mặt bàn, Quân phũ phàng đề nghị: Nên giải phóng cho nhau vì từ lâu tôi đã không còn coi cô là vợ".

Lâu nay luôn nghĩ câu nói của chồng là đùa cợt, giận hờn khi vợ bỏ về nhà ngoại nhưng đến hôm nay, khi Quân đặt tờ đơn ly dị đã đơn phương kí lên trên mặt bàn và phũ phàng đề nghị: "Nên giải phóng cho nhau vì từ lâu tôi đã không còn coi cô là vợ" thì chị mới hiểu rằng tất cả đã được Quân đặt dấu chấm hết. Nói rồi Quân ngoay ngoảy bước ra khỏi nhà, bỏ mặc vợ choáng váng ngồi nhìn tờ đơn ly dị nhạt nhòa qua màn nước mắt.
 
Lấy chồng được hai năm, những tưởng với tình yêu suốt 4 năm ở giảng đường đại học có thể giúp hai vợ chồng vượt qua mọi khó khăn mà sống hạnh phúc nhưng chị Hương không ngờ rằng cái kết không có hậu mà chị luôn phê phán trước đây đến với mình quá nhanh như vậy.
 
26 tuổi, có việc làm ổn định ở một trường đại học, để công việc hiện tại có thể duy trì lâu dài và có cơ hội phát triển, chị Hương buộc phải vừa làm vừa theo học cao học. Với mức lương khởi điểm khá thấp, nhưng chị vẫn cố gắng để có thể tự lo cho việc học của bản thân và chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Một năm đi học mặc dù rất khó khăn, eo hẹp về kinh tế nhưng chị chưa một lần được chồng tỏ sự cảm thông, hỏi han, chia sẻ. Có đôi chút tủi thân nhưng bên cạnh đó chị thông cảm với chồng vì cũng như chị, lương anh có khá hơn chị là bao nhiêu, chưa đủ cho việc chi tiêu cá nhân của anh thì lấy đâu dư giả mà đưa cho vợ. Hiểu và xác định rõ ràng nên chị Hương cũng chưa bao giờ tỏ ra bất mãn, trách móc, đòi hỏi điều gì ở chồng vì biết rằng chồng cũng có cái khó và nỗi khổ riêng.

Hai vợ chồng lương ba cọc, ba đồng, suy đi tính lại, căn ke hết mức có thể cũng không nuôi nổi con nên lấy cớ vợ đi học, chị Hương bàn với chồng gửi con về nhà nội, chỉ tranh thủ thứ 7, chủ nhật mới về thăm con. Có ông bà đỡ đần bao giờ cũng tốt hơn mình chị gồng mình lo toan tất tật mọi việc trong nhà hơn thế gửi con về nội, chị cũng có thể tranh thủ khoảng thời gian trước đây bận bịu chăm con để kiếm thêm thu nhập bằng cách làm những công việc ngoài giờ. Dự định qua năm khi cu Tít lớn hơn, có thể đi trẻ được, cuộc sống của hai vợ chồng có thể lúc đó sẽ dễ chịu hơn sẽ đón con ra. Nghe vợ giải trình kế hoạch, Quân có vẻ ngập ngừng không muốn nhưng nghĩ đến cảnh chưa bao giờ mình mua nổi cho con hộp sữa nên anh đành gật đầu.
 

Cuộc sống dù rất khó khăn vì lương thấp, lại thêm khoản nợ của chồng do góp vốn kinh doanh hồi mới cưới nhau nên nhiều khi cuộc sống của hai vợ chồng rơi vào cảnh khốn khó, căng thẳng. Vừa phải lo trả nợ, vừa phải lo chuyện học phí lại thêm khoản chi tiêu hàng tháng trong nhà nên chị Hương "tuyên bố": "Chồng không được đụng vào lương của em, khoản đâu đã ra khoản đó rồi". Đinh ninh vì chồng hiểu và thương vợ chỉ với hơn một triệu cộng với tiền làm thêm cật lực cũng được tổng cộng gần 4 triệu vừa chi tiêu, vừa đóng học lại đi đi, về về thăm con nên có khi còn thiếu nên chị vẫn rành rọt với chồng.
 
Để bớt gánh nặng cho chồng, chị cũng chưa bao giờ có tư tưởng nhìn vào lương của chồng vì nghĩ anh còn phải trả nợ như lời anh nói mặc dù chị không biết anh trả nợ cho ai, bao nhiêu? Điều đó anh giấu rịt với vợ. Gặng hỏi thế nào anh cũng không nói, cũng không muốn những thắc mắc của mình gây khó dễ cho chồng và quan trọng là luôn tin tưởng ở chồng, nên với những lý do mơ hồ: "kinh doanh thua lỗ là thường", "đi xe đâm vào cột điện phải đền tiền là thường" của anh, chị nghĩ phải trả nợ là điều không tránh khỏi.
 
Chuyện lớn chỉ xảy ra khi chủ nợ đến nhà bố mẹ đẻ của chị Hương để đòi nợ dáo diết. Lúc này chị mới vỡ lẽ, hóa ra lâu nay anh đi vay lãi nặng lãi trả theo ngày mà chị không hề biết. Khóc sưng mắt và sợ hãi nhưng vẫn phải nhỏ nhẹ hỏi chồng lý do thì anh dõng dạc: "Vay để trả cho ông bà nội". Tin chồng vì khoảng thời gian đó ông bà cần tiền nên đòi nợ hai vợ chồng rất "rát", hôm nào hai vợ chồng về thăm cháu cũng đòi. Hậm hực với bố mẹ chồng vì ông bà biết rõ hoàn cảnh của hai đứa rất khó khăn vậy mà ép thế nào để đến nỗi con trai phải đi vay nặng lãi, chi lại cố công cật lực làm thêm. Khoản tiền dành dụm dự định đóng học phí đã phải rút ra trả nợ cho chồng. Loay hoay xoay đủ số tiền cho chồng trả nợ, đến khi đủ số tiền 50 triệu chồng "hét" chị mới ngã ngửa khoản anh đi trả cho người ta chỉ vẻn vẹn 500 nghìn tiền lãi ngày. Vội vàng gọi điện hỏi bố mẹ chồng về khoản nợ thì thất kinh khi sự thực không có đồng nào được đưa về cho ông bà cả.

Hai năm sống chung với chồng, đến giờ chị biết anh nói dối như Cuội, luôn tìm cách "lật ngược" vấn đề. Chị vẫn luôn nghĩ những việc nhỏ nhặt thì có thể bỏ qua cho nhau, nhưng còn việc đặt điều cho bố mẹ đẻ để buộc chị đưa số tiền dành dụm thì thật là quá sức tưởng tượng của chị... Mất niềm tin vào chồng, chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ để cảnh cáo chồng.

Những tưởng vì thế chồng sẽ ăn năn nhưng ngược lại với suy đoán của chị, sau ba tuần Quân không bén mảng tới để năn nỉ đón vợ về nhà mà gọi điện đề nghị "giải phóng cho nhau". Chị Hương cay đắng không hiểu còn điều gì khiến chị luyến tiếc?! Cầm chiếc bút lên toan kí vào tờ đơn xin ly hôn chị lại đặt bút xuống vì chị thương đứa con nhỏ tội nghiệp rất quấn bố sẽ phải chịu thiệt thòi khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người cha. Nhưng dù chị có nhẫn nhịn và cam chịu thì cái chữ kí nghuệch ngoạc đã nằm trên lá đơn kia và câu nói dứt tình ráo hoảnh của Quân cũng không cho chị đường lùi.
Chia sẻ