Phận dâu con “cấm” làm giỗ mẹ chồng!

Lucy,
Chia sẻ

Vừa bước vào sân, tiếng cô em dâu út đã lanh lảnh cất lên: “Các bác muốn làm cỗ, muốn cúng linh đình ở đâu thì làm, riêng ở nhà em thì không!”.

Ngày mai là giỗ mẹ. Cũng như mọi năm, chiều hôm trước, anh Hoan đã gọi điện thông báo cho tất cả an hem, con cháu tối nay phải tập trung về ngôi nhà chung vốn là của cha mẹ để làm giỗ cho bà cụ. Ngày giỗ mẹ năm nay rơi vào chủ nhật nên anh đã cùng vợ mua thực phẩm, lỉnh kỉnh xách về vì sợ thím dâu mới còn bỡ ngỡ.

Bình thường mọi năm khi Nam – cậu em út chưa lập gia đình, ở lại trông coi ngôi và lo chuyện hương hỏa cho các cụ, thường là người đầu tiên lăng xăng gọi điện cho tất cả anh chị thông báo ngày giỗ và việc cỗ bàn, khoản thực phẩm cậu cũng lo từ A đến Z không để ai phải nhắc nhở.

Rồi cứ thế, hễ cứ đến ngày giỗ chạp là con cháu lại tề tựu đông đủ, tiếng nói, tiếng cười nói vang cả phố khiến hàng xóm ngưỡng mộ vì anh em trong nhà luôn đoàn kết, đầm ấm. Mặc dù mỗi người một việc, gia đình riêng rồi con cái lại xa gần khác nhau nhưng đến ngày giỗ là tề tựu không thiếu một ai.
 

Năm nay, cận kề ngày giỗ, vẫn chưa thấy cậu em rục rịch thông báo gì. Trước hôm giỗ, anh Hoan nói chuyện với vợ: “Chắc chú ấy bận nhiều việc nên chú ấy quên. Anh đưa em đi chợ mua đồ rồi ngày mai mình chở về nhà để kịp giỗ mẹ. Chứ sáng mai mới đi mua sắm thì…”.

Chị Loan không để chồng nói hết câu: “Em đã tranh thủ mua được một số thứ từ hôm qua rồi. Bây giờ chỉ cần mua đồ tươi nữa là ổn anh ạ! Em cũng đã đặt hàng sẵn rồi, sáng hôm đấy, họ sẽ mang đến tận nhà cho mình”. Vừa nói chị vừa nhanh chân chuẩn bị sửa soạn để đi cùng chồng.

Mọi thứ tinh tươm, hai vợ chồng cùng hai đứa con rồng rắn kéo nhau về nhà nội để còn kịp họp bàn anh em. Thật ra cả năm tất bật cũng nhân tiện “lấy cớ” làm giỗ để anh em có thể hàn huyên tâm sự, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với nhau. Chứ ngày thường làm sao tập trung được cho hết, đứa bận việc này, người bận việc kia, bọn trẻ con thì túi bụi học hành…

Tối đến, con cháu xum vầy đầy nhà, tiếng cười nói vui vẻ, rôm rả trong ngôi nhà thân thuộc. Chỉ thiếu mỗi em dâu mới bận việc cơ quan nên về trễ. Mọi kế hoạch cho việc làm được cả nhà thông qua. Mấy chị em dâu xoắn xuýt vào nhau bàn chuyện lên thực đơn.

Đang rôm rả họp bàn mời người này, người kia, món này, món nọ thì cô em dâu bước vào. Không chào hỏi ai, cô đứng tựa cửa một lúc rồi thản nhiên ý kiến: “Các bác muốn làm gì ở đâu thì làm chứ ở nhà em là kiên quyết không cỗ bàn gì hết!”…

Cả nhà tròn mắt ngạc nhiên còn chưa kịp phản ứng gì thì cô em dâu đã tiếp lời: “Đây là nhà tôi, không giỗ dành gì hết, các bác muốn làm, đem đi chỗ khác mà làm. Cỗ bàn vốn là việc nhà anh cả phải lo, sao lại mang đến nhà phận em út như chúng tôi?!”.

Anh Hoan lúc này như vỡ lẽ. Cách đây ít lâu, vợ chồng Nam có đến nhà xin bán ngôi nhà của cha mẹ để lại cho mấy anh em với lí do ngôi nhà quá cũ kĩ, thiếu trang thiết bị hiện đại nên không thể sống được, vợ chồng Nam muốn bán đi, mấy anh em chia nhau số tiền bán nhà, vợ chồng Nam với số tiền đó có thể mua được căn nhà mới hiện đại hơn.

Uớc muốn của cha mẹ trước khi qua đời là phải gìn giữ ngôi nhà để có nơi thờ tự tiên tổ nên mấy anh em đồng lòng không bán mà muốn góp tiền cho vợ chồng Nam sửa lại căn nhà chỉn chu hơn. Tuy nhiên, không hiểu thấu đáo tấm lòng của mấy anh em, vợ Nam quy kết rằng các anh chồng không muốn vợ chồng Nam ngẩng mặt với thiên hạ nên không muốn cho bán căn nhà cũ kĩ đó. Kể từ đó, nàng dâu mới có thái độ nặng nhẹ với các anh chồng.

Chưa hết, mỗi độ đến kì giỗ chạp của gia đình, Mai thường xuyên tìm cớ vắng mặt, không tham dự. Đến lần giỗ này của mẹ, trong lúc các anh đang họp bàn, Mai tỏ luôn thái độ ngược ngạo, hỗn hào của mình.

Nghe thấy vợ nói vậy Nam nóng mặt, toan đứng dậy cho vợ một cái tát nhưng bị anh trai kéo giật lại.

Không muốn mọi chuyện ầm ĩ trong ngày giỗ mẹ để hương hồn bà tủi thân nơi chín suối, không muốn vợ chồng Nam xung đột với nhau, anh Hoan từ tốn đứng lên, thắp cho mẹ nén nhang rồi bảo mọi người qua nhà mình làm giỗ cho bà cụ.

Chia sẻ