Nước ngọt siêu rẻ, siêu bẩn

,
Chia sẻ

Những loại nước giải khát ấy được sản xuất hàng loạt trong những nhà xưởng tối tăm, thậm chí ngay bên nhà vệ sinh bằng thứ công nghệ siêu… kinh hoàng.

“Công nghệ” thủ công với lượng sản xuất lớn, mặt hàng này đang vươn chân rết tiêu thụ về nông thôn thậm chí còn xuyên biên giới. Chai nước cam 1 lít giá chỉ 1.500 đồng; lon tăng lực “hạng sang” bán lẻ trên thị trường 7.000 – 8.000 đồng cũng chỉ có giá xuất xưởng 2.200 đồng… nước cam và trà bí đao giá cũng “xêm xêm”...

Buôn bạc vụn, lãi quan viên

Trong chuyến công tác vào miền Trung vừa qua, dừng chân ở quán nước ven đường thuộc địa phận Can Lộc, Hà Tĩnh, tôi gọi lon “bò húc”. Vừa đưa lên miệng nhấp thử, vị ngọt đậm mà đắng của đường hoá học không lẫn vào đâu được. Uống xong thấy cổ họng đắng chát, không hề có mùi thơm của nước tăng lực.

Về hình thức, lon nước này hầu như không khác so với lon nước tăng lực “xịn”. Duy chỉ có điều hình ảnh hai chú bò tót húc đầu vào nhau được thay bằng hai… con chuột túi. Phía bên dưới thân hộp ghi rõ: “Sản xuất tại km 32 Quốc lộ 1A Minh Cường, Thường Tín, Hà Tây.”

Nhập vai lái buôn đi tìm nguồn hàng, chúng tôi lần theo địa chỉ trên lon nước dởm tìm đến xã Minh Cường. “Mua à? Cái thứ nước dở hơi ấy ai thèm uống! Cứ đi đến đầu thôn Nghệ, thấy chỗ nào nước ngọt xếp cả dãy ra ven đường là nó đấy”, một thanh niên thẳng thắn trả lời khi chúng tôi ngỏ ý tìm cơ sở sản xuất nước giải khát.

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm tới một xưởng sản xuất nước giải khát đầu thôn Nghệ, cách quốc lộ 1A khoảng 500m. “Mua nước à?” Một người phụ nữ bước ra, nhìn với vẻ dò xét. Tôi giới thiệu là dân chuyên buôn hàng điện tử trên Lạng Sơn, tiện chuyến xe từ nhà lên đưa thêm nước ngọt tới các tỉnh vùng núi tiêu thụ.

 
Nước ngọt tăng lực "chuột túi húc" và nhãn hiệu Cola với rồng uốn lượn 

Sau khi trả lời một lô câu hỏi kiểm tra đại loại “Tiêu thụ ở đâu? Làm sao biết mà đến đây?”, tôi được người phụ nữ tên Ngọc, chủ của cơ sở sản xuất, đưa vào “văn phòng”. “Hiện tại, bọn chị chỉ sản xuất ba loại: tăng lực, trà bí đao và nước cam. Tăng lực giá 53.000/thùng, trà bí đao giá 64.000/thùng, nước cam 60 nghìn/thùng, mỗi thùng 24 lon”, bà chủ Ngọc phát giá.

Thấy khách lưỡng lự chừng như muốn tìm cơ sở khác khảo giá thêm, Ngọc “bồi” thêm vào lòng tham của cánh con buôn:  Đây là giá bán buôn tại gốc còn bọn em đưa đi muốn phát giá bao nhiêu thì tuỳ. Buôn cái này lời lắm đấy, như bọn em lại còn không mất cước xe thì đánh lớn vào chị giảm giá cho”.

Kinh hoàng dây chuyền “3 trong 1”

Chúng tôi ngỏ ý muốn xem tận mắt nguồn hàng, Ngọc miễn cưỡng chấp thuận. Đó là một kho chứa rộng hơn trăm mét vuông, hàng nghìn thùng gỗ đen xì, mốc meo vì ẩm ướt xếp cao đến tận nóc nhà.

Toàn bộ cái gọi là “dây chuyền công nghệ Thái Lan” như ghi trên vỏ lon vừa vặn khép kín trong một không gian chưa đầy 5m2. Nhớp nháp, tối tăm. Mùi tanh nồng tỏa ra từ nhà vệ sinh cuối xưởng, cộng thêm những bể chứa thứ nước vàng đục không khác gì nước tù. Thêm vào đó, dòng chất thải từ “công nghệ” pha chế này khi chảy xuống cống rãnh đã kết tủa cũng bốc mùi chua nồng khó chịu.

Bốn trẻ vị thành niên đang miệt mài vận hành “dây chuyền” sản xuất. Một cô bé thoăn thoắt xếp vỏ lon vào “băng chuyền” dài khoảng 1m rộng bằng nửa gang tay, vặn vòi xả thứ nước đã được pha chế sẵn trong một thùng lớn. Cậu thanh niên mình trần trùng trục, phụ trách bơm khí Nitơ, sản phẩm hoàn thiện bằng công đoạn cuối ở một máy dập nắp thủ công.

Nước ngọt tràn khỏi lon được gom lại bằng cách chảy xuống chiếc xô để dưới chân cô bé xếp lon. Lon tăng lực sau khi dập nắp được “làm sạch” bằng cách vứt vào một thùng nước to trước khi đưa vào khay gỗ chất lên xe cút kít… Công đoạn cuối cùng là… mang ra đường phơi khô!

“Trông đơn giản thế thôi nhưng dây chuyền này là “3 trong 1” đấy, có thể sản xuất cả rượu, bia, nước ngọt, chỉ cần thay đổi công thức pha chế nước thôi, cần gì có đó. Mỗi ngày bọn em phải cho ra hơn nghìn lon”, Xuân - người làm trong xưởng tiết lộ.

Cô bé khoe, dịp Tết hàng làm ra không kịp, xưởng vừa phải tăng ca, tăng thợ, 30 người thay nhau làm ngày làm đêm, xe tải vào bốc hàng đi các tỉnh miền Trung và phía Nam nườm nượp. Hàng của cơ sở này đa số tiêu thụ trong các vùng nghèo.

“Nhưng sao giá lại rẻ thế? Mỗi lon nước chỉ hơn 2.000 đồng, tiền vỏ lon chắc cũng phải mất đến cả nghìn đồng rồi. Họ lấy đâu ra lãi mà trả công bọn em?” Cậu bé nháy mắt ranh mãnh: “Bí mật! Cái này là “bí truyền” không thể tiết lộ”.

Tuy vậy, cậu ta cũng kịp khoe rằng vỏ lon được lấy tại Công ty CR… (công ty chuyên sản xuất bao bì cho các hãng nước ngọt lớn). “Trông nó mới như thật thế chứ”, cậu ta tự hào.

Sau khi mục sở thị dây chuyền sản xuất của gia đình bà Ngọc, tôi băn khoăn: “Em đưa hàng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc, dân nghèo lắm, nước giải khát lon chắc khó tiêu thụ. Xưởng chị không làm nước ngọt đóng chai nhựa à?”.

Thế là lập tức Ngọc dẫn tôi sang nhà cô em họ gần đấy. “Xưởng” nhà Loan chuyên sản xuất nước cam, nước tăng lực đóng chai nhựa loại 1 lít giá 1.500 đồng/chai, loại 0.5 lít giá 900 đồng/chai. Màu nước đỏ quạch như màu phẩm, một vài chai đóng váng nhầy nhầy.

Hàng “lởm” vẫn được cấp phép

Thấy khách tỏ ý lo ngại chất lượng sản phẩm, Loan trấn an: “Nhà chị có “truyền thống” sản xuất nước ngọt 20 năm nay. Có cả giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ y tế đấy. Cứ yên tâm đi, nước cam nhà chị còn xuất sang cả Lào và Campuchia, không có “tiếng” làm sao trụ được!”.

Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu được xem giấy chứng nhận thì chị này nhất định không đưa mà khẳng định lúc nào giao hàng mới cho xem.

Một cơ sở sản xuất nước ngọt đóng chai “hoành tráng” khác có tên Anh Đô (thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ngoài nước cam, nước tăng lực còn có thêm sản phẩm mang nhãn hiệu Cocacola.

Công nhân ở đây tiết lộ: ngoài xưởng làm ra, nhà chủ còn có kho chứa rộng hơn 300m2, vào thời điểm chính vụ, mỗi ngày có xe tải 5 tấn tới bốc hàng mang đi. Nếu như các cơ sở sản xuất tại Minh Cường chuyên cung cấp hàng cho các tỉnh miền Trung thì Thổ Tang tuồn lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tiêu thụ.

Khi thâm nhập vào cơ sở này cũng là lúc kẻ mua người bán đang tấp nập bốc hàng chất lên xe tải. Nước ngọt đã đóng thùng còn lại vứt vương vãi trên sàn nhà. Chai nước nhãn Cola có vỏ làm bằng nhựa tái chế đen đục, sần sùi, mùi sộc nồng lên khiến tôi từ bỏ ngay ý định… uống thử xem vị của nó ra sao?

Thổ Tang nổi tiếng với “nghề” buôn hàng… “hiệu”. Mặc dù cơ  sở sản xuất nước giải khát trên nằm ngay sát trụ sở UBND thị trấn Thổ Tang những vẫn ngang nhiên hoạt động với quy mô lớn và được “cấp phép” hơn chục năm nay. Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Đã nhiều lần các cơ quan y tế vào kiểm tra những vẫn xác nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Theo Đất Việt

Chia sẻ