Nụ hôn ngọt ngào mà truân chuyên

,
Chia sẻ

Nụ hôn đã làm giảm áp lực căng thẳng trong cuộc sống, trẻ hóa con người...nhưng nụ hôn cũng trải qua bao nỗi truân chuyên

Hầu hết mọi người đều ghi nhận sự cần thiết của nụ hôn trong việc biểu lộ tình cảm. Nghiêm túc như các thầy thuốc cũng phải công nhận những nụ hôn đã làm giảm áp lực căng thẳng trong cuộc sống, làm trẻ hóa con người, chống mập (vì làm tiêu hao một số calori, coi như tập thể thao...).  
 
Tuy vậy, cái gì cũng thường có hai mặt, nụ hôn cũng vậy, không tránh khỏi những rủi ro, những chống đối và cả những tế nhị về ngoại giao, thật là lắm nỗi truân chuyên!

Sự chống đối của dư luận

Ở một số sắc dân châu Phi, kiêng kỵ việc hôn nhau vì làm thế “linh hồn sẽ ra đi không trở lại” (!).

Ở Trung Quốc và Nhật Bản việc môi áp môi giữa nam và nữ ở nơi công cộng là khiếm nhã, coi đó là lối sống đồi trụy là điều cấm kỵ trước đây.

Ngay ở châu Âu, thói quen ôm hôn nhau cũng đã từng phải vượt qua những lời chỉ trích gay gắt, nhất là từ nhà thờ Thiên Chúa giáo. Theo nhà thờ, thói này chỉ tạo thuận lợi cho sự sa ngã, kích thích thú vui nhục dục và họ chỉ chấp nhận nụ hôn mang dấu thành kính đối với chúa trời.

Còn ở các nước Hồi giáo, những cặp nam nữ chưa thành hôn mà dám hôn nhau sẽ bị trừng phạt bằng roi. Nữ diễn viên Iran nổi tiếng Gohar Kheirandish đã bị dọa đánh 74 roi vì dám hôn vào trán nam đạo diễn trẻ Ali Zamani khi trao giải nhất cho anh ta tại Liên hoan phim Yazd, ngày 23/4/2003,
 
Gian truân nụ hôn trên màn ảnh
 
Nụ hôn đầu tiên xuất hiện trên phim trường là vào năm 1896 trong phim Bà vợ góa của Jones, trong đó hai diễn viên nam, nữ đóng cặp với nhau đã công khai bày tỏ nụ hôn trước toàn dân thiên hạ. Sự chỉ trích nổi lên ầm ầm, coi là vi phạm thuần phong mỹ tục, cần phải lên án, thậm chí có nhà phê bình đề nghị gọi cảnh sát đến can thiệp (!)
 
Năm 1922 đã xuất hiện một đạo luật tên là Hays, ở Mỹ, kiểm duyệt về điện ảnh trong đó có quy định: Việc hôn trên màn ảnh không được kéo dài quá 30 giây. Luật này quả đã gây khó khăn cho các nhà làm phim, mãi đến 1960, luật mới được bãi bỏ. Nhưng các nhà làm phim lại nảy ra sáng kiến: hôn chớp nhoáng nhưng diễn ra nhiều lần. Trong  phim Don Juan có tới 191 cái hôn không quá 30 giây và các đạo diễn tài ba vẫn tạo được nụ hôn xếp loại kinh điển giữa nam, nữ diễn viên Clark Gable và Vivien Leigh trong phim Cuốn theo chiều gió.

Tế nhị nụ hôn ngoại giao

Có những quy định không thành văn bản như khi hôn ở má thì hôn má nào trước, cách mũi bao nhiêu cm, hôn 3 lần hay 4 lần (thường 3 lần coi là chứng tỏ giữa hai người còn có điều gì chưa thống nhất), hôn chậm rãi và đầm ấm hay hôn chớp nhoáng lạnh lẽo. Trong ngành ngoại giao, có nước (nước Đức) thường mở lớp huấn luyện về nghi lễ, trong đó có việc hôn, cuối đợt học, có sát hạch để xem học viên thực hiện có đạt yêu cầu hay không để còn bố trí công tác.

Báo chí nước Anh đã từng xôn xao khi cựu Tổng thống Nga Boris Eltsine, khi tiếp kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II, đã cầm tay bà khá chặt khi hôn mà theo quy ước của dân xứ sở sương mù là bất cứ ai, dù là quý tộc đến đâu cũng chỉ được nhẹ nhàng khẽ cầm tay đặt một nụ hôn tỏ lòng thành kính.

Báo chí Pháp cũng từng so sánh hai nụ hôn mà cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã thực hiện với nữ Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. Lần 1, tháng 8/2005, bà Rice sau khi nhậm chức có đến thăm Pháp, được ông Chirac tặng một nụ hôn xã giao và khá hờ hững, vì trước đó ít hôm bà nêu vấn đề trừng phạt Pháp do phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq.
 
Rủi ro gặp phải khi hôn 
 
 Các tai nạn do hôn: Hôn sâu, hai bên đều có răng giả nên hai móc buộc răng dính vào nhau, phải đến phòng cấp cứu như một đôi vợ chồng người Đan Mạch. Có vị khách du lịch đi giữa đường phố thủ đô của Thụy Điển được một cô gái trẻ mời hôn, thích thú thực hiện nhưng sau đó, chiếc ví có 300 đô-la trong túi đã bay theo kiều nữ.

Ở Ai Cập, có cặp vợ chồng cãi nhau mấy ngày liền, đột nhiên bà vợ thay đổi thái độ, ôm hôn chồng thắm thiết, tiện thể cắn đứt lưỡi của phu quân, khỏi “rát tai”, để rồi phải lĩnh án 7 năm tù. Đã xảy ra tại Nalpes (Ý) sau khi người chồng vừa tiêm penicilin, người vợ ôm hôn nên bị dị ứng, môi sưng vù. Có lời khuyên người bị dị ứng với lạc không nên hôn người khác khi họ vừa ăn lạc luộc (hoặc rang) xong.

Cần tìm hiểu luật pháp nơi cư trú để tránh vi phạm như tại thành phố Hartford (bang Connecticut – Mỹ) có quy định: chồng hôn vợ vào ngày chủ nhật nếu để bị phát hiện sẽ bị tống giam (!) hoặc như một “sếp” ở Mỹ, nhân ngày lễ tình yêu, tranh thủ hôn môi cô nhân viên mà không được sự đồng ý, bị kiện: mất việc, phạt 1.500 lire, ngồi bóc lịch 14 tháng!
 
Theo Phạm Tiếp
 SKĐS 
 
 
Chia sẻ