Những mỹ nữ làm Vua "ôm hận"
Người xưa có câu: “Nhất cố khuynh nhân thành. Tái cố khuynh nhân quốc” quả chẳng sai chút nào.
Đắc Kỷ (Đát Kỷ)
Theo “Phong thần diễn nghĩa” thì Đắc Kỷ nguyên danh là Tô Đắc Kỷ, là con gái của Ký Châu hầu Tô Hộ. Do vua Trụ Vương vốn háo sắc, nghe lời của Bí Trọng và Vưu Hồn, nên đòi Tô Hộ phải dâng con gái để nạp làm phi tử. Tuy Tô Hộ phản ứng mạnh trước yêu cầu này, nhưng sau khi có thư khuyên giải cân nhắc của Tây Bá hầu Cơ Xương, ông quyết định dâng con gái.
“Phong thần diễn nghĩa” cũng cho rằng, Đắc Kỷ thực ra chỉ là người bình thường, nhưng trên đường dâng nạp cho Trụ Vương đã bị Hồ ly tinh nhập xác để thực hiện nhiệm vụ của Thạch Cơ giao cho, đó là làm cho Trụ Vương mê muội và nhà Thương sụp đổ, tạo điều kiện cho nhà Chu thu phục thiên hạ. Tuy nhiên, do thực hiện nhiệm vụ quá tàn ác và làm chết quá nhiều người, vì vậy đã bị Khương Tử Nha chém chết.
Tây Thi
Vào cuối những năm thời Xuân Thu, bên bờ suối Nhã Na, dưới chân núi Trữ La của nước Việt, có một người con gái đẹp nổi tiếng cả vùng. Người trong vùng gọi cô là Tây Thi. Tây Thi vốn họ Thi tên gọi là Di Quang là con của một người kiếm củi. Ở núi Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, Tây Thi là người ở thôn Tây vì vậy mới gọi là Tây Thi để phân biệt với cô họ Thi ở thôn Đông, gọi là Đông Thi.
Tây Thi là người đẹp có nhan sắc “chim sa cá lặn” (Ảnh minh họa)
Người ta kể rằng, khi Tây Thi đi hái củi ở ngọn núi gần làng, những con chim ưng bay trên trời nhìn thấy Tây Thi quên mất cả vỗ cánh nên bị rơi xuống đất. Khi Tây Thi ra bờ suối giặt quần áo, những con cá dưới lòng suối nhìn thấy sắc đẹp của Tây Thi xấu hổ phải lặn sâu xuống dưới đáy nước. Chính vì thế, người đời sau mới gọi Tây Thi là người đẹp có nhan sắc “chim sa cá lặn”.
Năm 494 trước Công nguyên, trong trận chiến quyết tử diễn ra ở Phu Tiêu, quân Việt đại bại, vua nước Việt là Câu Tiễn dắt theo vợ và cận thần thân tín của mình là Phạm Lãi, mặc quần áo của người hầu, ngoan ngoãn tới nước Ngô làm con tin.
Sau này, khi đã trở về nước Việt, Câu Tiễn đã dùng “mỹ nhân kế”, đưa Tây Thi dâng cho Ngô Phù Sai. Phù Sai là một vị vua anh hùng, nhưng từ khi Tây Thi xuất hiện thì lại lơi lỏng việc nước, bỏ bê chính sự. Tây Thi theo kế ra sức mê hoặc khiến vua Ngô ngày đêm cùng nàng chìm đắm trong xa hoa, hưởng lạc, dần dần mất hết ý chí.
Đúng 10 năm sau ngày thất bại ở Cối Kê, Câu Tiễn cho rằng thời cơ đã chín muồi, ra lệnh mang quân Bắc phạt. Quân Ngô bị quân Việt đánh cho tan tác.
Triệu Phi Yến
Trong lịch sử Trung Quốc, hoàng hậu thứ hai của Hán Thành Đế - Triệu Phi Yến là một mỹ nhân thân nhẹ tựa chim yến, tài sắc tuyệt vời. Với tài nghệ múa đệ nhất thiên hạ, Triệu Phi Yến nhanh chóng có được tình yêu của Hán Thành Đế.
Sau khi Triệu Phi Yến vào cung lại tiến cử em mình là Triệu Hợp Đức. Có được hai chị em họ Triệu, Hán Thành Đế chẳng thiết gì đến những người đàn bà khác.
Tuy nhiên, kể từ khi có được người đẹp, Hán Thành Đế không thiết tha gì đến triều chính, chỉ suốt ngày mua vui, hưởng lạc. Nhà Hán từ đó bị lung lay, các cuộc nổi dậy khắp nơi khiến dân tình vô cùng khốn khổ.
Dương Quý Phi
Mối tình của Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng được nhắc đến nhiều trong các điển tích và giai thoại của Trung Quốc. Mỹ nhân này cũng là một trong số người khiến cả triều Đường điên đảo, chìm trong binh đao, khói lửa.
Loạn An Lộc Sơn mà nhiều người cho rằng, nguyên do là ở Dương Quý Phi đã khiến cho triều Đường rơi vào hỗn loạn, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, khốn khổ.