Người giữ lửa gia đình

Nguyên Ngân,
Chia sẻ

"Lạt mềm buộc chặt", nên khi vợ chồng xung đột, các chị hay chọn cách "chồng giận thì vợ bớt lời", cố nhịn đến lúc cả hai bình tĩnh lại mới phân tích thiệt hơn.

Người vợ là  "nội tướng" trong gia đình, nên độ "nóng, lạnh" của mái ấm phụ thuộc phần nhiều vào họ. Cánh đàn ông mặc nhiên có nhiệm vụ chính là trụ cột kinh tế, nên nhiều ông chồng quan tâm đến việc nhà ở tầm "vĩ mô", làm cho người vợ nhiều lúc bị ức chế do phải quán xuyến đủ thứ việc không tên mà khó giữ được tâm thế vợ ngoan, mẹ hiền, dâu thảo trong nhà.

Trong gia đình, đã là vợ chồng hẳn có không nhiều thì ít những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Tránh sao được, khi hai con người hoàn toàn không "dây mơ rễ má" gì gặp nhau, yêu thương nhau và quyết định chung sống dưới một mái nhà, phúc cùng hưởng, hoạ cùng chịu. Hạnh phúc thường giống nhau, còn những va chạm nhà nào cũng có, và cách xử lý thì vô cùng phong phú.

Thông thường, các bà vợ rất ngấm câu "lạt mềm buộc chặt", nên khi vợ chồng xung đột, các chị hay chọn cách "chồng giận thì vợ bớt lời", bỏ đi chỗ khác, cố nhịn đến lúc cả hai bình tĩnh lại mới phân tích thiệt hơn.

Chị L., 30 tuổi, ở Linh Đàm, là một phụ nữ khá năng động. Chị làm việc cho một tờ báo điện tử khá lớn, thu nhập cũng vào loại khá. "Lỡ" nên đẻ sòn sòn 2 mặt con trứng gà trứng vịt, bận rộn quá chị phải huy động họ hàng. Khổ nỗi, nhà ngoại thì xa, nhà nội thì nay ở mai về, chồng thì mới làm kinh doanh vừa bận vừa khó khăn, chị phải căng ra lo đủ thứ việc. Đã thế, hai chú em chồng ở cùng lại vô tư, xem nhà anh chị là nhà mình, học hành lơ là, tiêu xài hoang phí, mà toàn tiêu tiền của... chị dâu. Lúc mới một con kinh tế còn rộng rãi, đến lúc đứa con thứ hai ra đời, chị chịu hết xiết. Chồng chị thì chiều em, nhiều lúc nhắm mắt làm ngơ trước khó khăn của vợ. Thế là vợ chồng hục hặc, vợ vừa cao giọng đòi phải siết chặt chi tiêu, cho các em tự lập mới nên người, chồng thì bênh em, bảo vợ cho em được tí tiền đã lên mặt không xem ai ra gì. Cứ thế, lời qua tiếng lại, tình trạng kéo dài vài năm nay đâu vẫn hoàn đấy. Chị đâm chán, cứ mong sớm có điều kiện ra riêng cho thoát nợ.

Chị H,. công tác tại một nhà xuất bản nhỏ, lại có cách xử lý hoàn toàn khác. Cứ việc lớn việc nhỏ gì trong nhà, hễ anh làm trái ý chị là ngay lập tức chị "nhảy" lên. Nhất là việc chi tiêu thì chị quản lý anh sát sạt. Anh chồng là dân chữ nghĩa, thu nhập thừa sức nuôi vợ con, song tính ngại xô xát, thử vài lần nhỏ nhẹ khuyên vợ không được, đành bó tay mặc chị quyết định mọi việc. Mỗi lần cãi nhau chị chỉ cần cao giọng là anh lại im cho qua chuyện.

 Xinh xắn, khéo léo, nhưng khi lên cơn tức bực chồng là chị D lập tức lôi hết quần áo, quà tặng, đồ kỷ niệm của 2 vợ chồng ra... xé, ném vỡ tan tành. Rồi khóc lóc bù lu bù loa, kể tội chồng không tiếc lời. Anh chồng tức điên, cho vợ cái tát, chị lăn đùng ra ăn vạ. Đến nước này anh đành chịu lép, chỉ còn cách nhượng bộ. 

Ứng xử trong gia đình là cả một nghệ thuật. Trong mỗi ngôi nhà cần có sự quan tâm, bình đẳng. Mỗi người chồng người vợ cần biết chấp nhận khiếm khuyết phía "nửa kia" của mình, vun đắp cho sự hoà hợp. Khi gặp những tình huống va chạm khó tránh khỏi trong cuộc sống gia đình, nên tùy tình huống mà xử sự thích hợp, trên nguyên tắc tôn trọng và hiệu quả. Nhất là đối với người vợ, vì người đàn bà là người giữ lửa trong mái ấm gia đình. 
 
  Cuộc sống gia đình bị tác động bởi nhiều thứ. Trong ngổn ngang lo lắng mưu sinh, nên tìm cách hóa giải những va chạm bằng nụ cười, bằng khiếu hài hước. Nụ cười và tình yêu thương, đó là phương thuốc hữu hiệu nhất để hoá giải những xung khắc vợ chồng.

 

Nguyễn Ngân

Chia sẻ