“Này vợ, anh nhớ em!”

,
Chia sẻ

Vợ và anh chung nhau căn nhà và cái giường ngủ, hôn tạm biệt buổi sáng, hôn chào nhau buổi chiều lúc về nhà, hôm nào đó trót bỏ qua, tưởng chừng như đó là điềm báo không may mắn.

Vợ và anh chung nhau cả một cuộc hôn nhân, trong đó mình chẳng giấu nhau điều gì. Chuyện nào cũng chia sẻ, không giận hờn, không bao giờ to tiếng. Một cuộc hôn nhân thấm đẫm yêu thương và lòng kính trọng, hơn hết thảy những cuộc hôn nhân khác của đám bạn bè.

Thế mà,

Không hiểu tại sao, 10 năm trở lại đây, chính xác là từ khi con gái đầu lòng của chúng ta ra đời, trong vòng xoáy điên cuồng của bú mớm và la khóc vì đau bụng, của dọn dẹp và thu dọn nhà cửa v.v. kiểu mẫu hôn nhân mà chúng ta từng coi là đương nhiên tồn tại ấy đã dần dần biến mất.
 
Vợ và anh quen nhau cách đây chừng 2 chục năm. Vợ là bạn của bạn của một trong những người bạn học cùng phòng với anh thủa ấy. Vợ xuất hiện lần đầu tiên trong buổi dạ tiệc vài tuần sau lễ tốt nghiệp. Khi ấy, trong mắt anh, vợ tỏa sáng lộng lẫy. Anh vẫn nhớ ngày ấy đứng cùng vợ trong bếp, anh - gã trai mới lớn đầy lóng ngóng cố làm mọi cách để vợ cười. Bữa tiệc ấy, vợ ra về hơi sớm. Rồi anh nghe nói vợ đi du học bên tận trời Âu.

Trái đất thật nhỏ bé, anh chuyển đến sống gần nhà một người bạn học của vợ, trong khi vợ học xong về nước, làm việc cùng cơ quan với đứa bạn học của anh. Hai chúng mình bỗng dưng có quan hệ “dây mơ” bạn bè.
 
Kiểu mẫu hôn nhân mà chúng ta từng coi là đương nhiên tồn tại ấy
đã dần dần biến mất.

Kế đó 1 - 2 năm, mình có cơ hội gặp gỡ, đi chơi cùng nhau nhiều hơn. Rồi cũng đến ngày anh đánh bạo hỏi vợ: “Tối thứ Sáu này em định làm gì?” - “Làm gì đó với anh” - Vợ hóm hỉnh trả lời. Từ ấy, chúng mình đi đâu cũng có nhau.

Năm đầu tiên yêu nhau thật đầy ắp tiếng cười. Rồi chúng mình quyết định mua nhà và nên duyên chồng vợ. Công việc có rồi mất, sức ép từ tài chính, chuyện sinh con v.v. - mọi vấn đề của người lớn cứ tới tấp lao vào thử thách đôi vợ chồng son, nhưng tất cả cuối cùng cũng chỉ kéo chúng mình lại gần nhau hơn. Vợ và anh trở thành cha mẹ, cùng chia sẻ trách nhiệm và bổn phận đáng “sốc” nhất đối với đứa bé còn ẵm ngửa, trông thì có vẻ đẹp như thiên thần.

Tất nhiên chúng mình vẫn bên nhau, nhưng ít thời gian hơn, ít sinh lực hơn. Cơ thể của  vợ, trong suốt thời kỳ mang thai và cho con bú, và cả sau này nữa, dường như đã chuyển sang quyền sở hữu của con gái chúng ta mất rồi.

Đứa bé lúc nào cũng được ve vuốt với tất cả tình yêu thương, chồng của vợ không được thế. Đứa bé được cù kít và nghe hát ru, được trò chuyện với mẹ những lời vô nghĩa, được chọc cho cười, chồng của vợ thì không được như thế…

Rồi đứa con thứ hai lại ra đời. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, như máy lái tự động.

Bọn trẻ lớn dần, nhu cầu của chúng cũng thay đổi. Chúng cần được cho ăn nhiều hơn, cần đi học, quần áo chưa mua đã chật… Anh và vợ lại chung lưng. Khối công việc của  vợ ở nhà lúc nào cũng chất cao như núi một cách cực kỳ vô lý. Và màn vòng tay ôm tình tứ của bố mẹ trong bếp giờ đã chuyển thành 4 cái đầu chụm lại hôn nhau rồi cười lên ngặt nghẽo…    

Giờ đi ngủ của vợ và anh cũng coi như xé nửa. Vợ gần bên các con, còn anh đọc sách, nghe nhạc hoặc ngồi ôm cái TV chán ngắt. Sự ích kỷ mang vợ chồng mình lại bên nhau đã mất rồi, có cái gì đó đã mất rồi…

Phải chăng tất yếu của việc trở thành người lớn, xây đắp gia đình và nuôi dạy con cái là phải hy sinh tình yêu cá nhân đi? Song dù thế nào, ở góc độ “hẹp hòi” mà nói, thì vợ ạ, anh nhớ em nhiều lắm.

Và nếu em có thế trì hoãn giờ ngủ cùng các con chỉ vài phút, để tìm anh dưới nhà, bên cạnh cái TV, thì anh có thể nói rằng, kéo anh rời xa cái máy chết tiệt ấy là điều vô cùng dễ.

Theo Dân trí/PT

Chia sẻ