Ly hôn tuổi xế chiều

,
Chia sẻ

Ông tha thiết: “Xin bà thẩm phán cho tôi được ly hôn. Tôi không cần chia tài sản, không đòi hỏi gì hết. Tuổi già hay bệnh tật, tôi chỉ mong được yên tĩnh”.

Lưng còng, chân yếu, mắt đã kèm nhèm, lại không người con nào chịu đưa đi, nhưng ông Nguyễn Văn Minh, 67 tuổi, vẫn nhờ anh xe ôm chở đến tòa án Q.10, TP.HCM để tự nộp lá đơn xin ly hôn.
 
Ông trình bày: ông và bà Lê Thị Toan (62 tuổi) kết hôn từ năm ông 25 tuổi. Ông là nhân viên ngành thuế, bà là nhân viên bưu điện. Ông bà có được năm người con, hiện đều đã có gia đình riêng. Khoảng sáu năm nay, con cái ra ở riêng, trong nhà chỉ còn hai vợ chồng già thì vợ ông sinh tật nói nhiều. Ngày nào bà cũng lôi những chuyện cũ, những lỗi lầm xưa của ông ra chì chiết; cả lúc ăn, lúc ngủ cũng không yên, khiến ông gần như khủng hoảng.
 
Tòa mời hòa giải lần một, vợ ông không đến. Lần thứ hai bà mới xuất hiện và đúng như lời ông, bà xổ một tràng khi tòa còn chưa kịp hỏi: “Tôi không đồng ý! Ông ấy giỏi thì ly hôn một mình đi. Già mà còn đòi ly hôn cho người ta cười thúi đầu, làm xấu mặt con cái. Thời trẻ thì lo ăn chơi, không có trách nhiệm với gia đình, làm khổ vợ con; già lại làm khổ con cháu kiểu khác. Ông làm cha kiểu gì vậy?”. Ông lên tiếng: “Bị cười còn hơn có ngày tôi bị bà làm cho tăng xông mà chết”. Ông kể tiếp: “Tôi để đôi dép không ngay ngắn, úp cái chén không đúng chỗ cũng bị la. Tôi vừa ho thì bà ấy càm ràm, cho là lúc trước tôi hút thuốc, uống rượu nên già mới bệnh. Tay chân tôi bị run, bà ấy quy tội thời trẻ ăn chơi trác táng, bồ bịch lung tung... Bà ấy cứ ra rả suốt ngày, làm sao tôi chịu nổi. Thậm chí, tôi im lặng không trả lời cũng chẳng yên. Bà ấy nói tôi coi thường bà ấy, lại tiếp tục chì chiết. Xin tòa cho tôi ly hôn. Tôi sợ mình không đủ kiên nhẫn, không kiềm chế được sẽ phản ứng tiêu cực”.
 

Sau khi gả cô con gái út được một tháng, ông Phạm Văn Trọng 65 tuổi - bất ngờ đưa đơn ly hôn cho vợ là bà Đỗ Thị Thu, 62 tuổi, bảo ký. Bà choáng váng, cự: “Già sắp xuống lỗ rồi, ly hôn làm gì?”. Ông Trọng kiên quyết: “Gần 40 năm qua, tôi đã sống cho bà và cho con. Giờ tôi muốn được sống cho mình”.

Bà chưa kịp phản ứng thì ngay hôm sau, ông đã đơn phương nộp cho tòa với lý do “lối sống không phù hợp, hôn nhân không hạnh phúc”. Ba lần hòa giải, bà Thu đều không đồng ý ly hôn. Bà nói: “Không phù hợp, hạnh phúc, tại sao chung sống đến 38 năm, sinh đến sáu đứa con. Chẳng qua là ổng chê tôi già, sanh tật nên mới đòi ly hôn”.

Cáo buộc của vợ làm ông Trọng mất bình tĩnh, tuôn ra một tràng: “Cưới nhau 35 năm thì có đến 34 năm tôi phải chịu đựng, nhịn nhục mà sống. Nếu có hạnh phúc thì chỉ mình bà ấy thôi! Bao năm qua, điều gì bà ấy mong muốn mà chẳng đạt được. Bà ấy chỉ quan tâm đến tiền và quản thúc tôi. Đến tháng bà ấy thu hết lương, phát cho tôi vài đồng lẻ và chẳng bao giờ biết hỏi han xem chồng làm việc có mệt không, vui không. Bà ấy kiểm soát tiền bạc gắt gao vì sợ tôi luồn tiền cho gia đình tôi và cũng để tôi không có cơ hội lăng nhăng. Với gia đình chồng, bả còn cư xử tệ hơn. Thỉnh thoảng tôi mới về thăm quê, nhưng bà ấy vẫn khó chịu, chì chiết, than thở tốn kém. Trong khi với gia đình, họ hàng nhà vợ thì bà ấy giúp hết lòng. Tôi nhục lắm, nhưng vì con cái và cũng hy vọng bà ấy sửa đổi nên cố chịu đựng. Nay con cái đều yên bề, bà ấy chẳng thay đổi chút nào, lại thêm tật nói nhiều. Tôi muốn được tự do để sống cho mình ở quãng đời còn lại”.

Bà Thu chống chế yếu ớt: “Tại ông ấy hiền lành, khù khờ, tôi sợ bị người ta gạt nên mới quản lý. Ông ấy muốn ly hôn kệ ông ấy, tui già rồi, ly hôn làm gì?”.

Ổn định ảo

Thông thường, thử thách lớn nhất đối với một cặp vợ chồng là ở giai đoạn đầu chung sống (1 đến 3 năm). Vượt qua thời kỳ này và tiến đến cái mốc 20 năm trở lên, khi con cái trưởng thành, kinh tế ổn định... thì gia đình được xem là đã bước vào quỹ đạo của sự ổn định, bền vững. Thế nhưng, nhiều cặp vợ chồng chuẩn bị kỷ niệm đám cưới bạc, đám cưới vàng thì lại đổ vỡ.
 
Theo thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương - nguyên Phó chánh án Tòa án Q.10, TP.HCM - người từng giải quyết nhiều vụ ly hôn ở tuổi xế chiều thì: “Những cặp vợ chồng này thường có mâu thuẫn tồn tại, tích lũy nhiều năm do có những điều chồng/vợ không hài lòng về nhau nhưng nín nhịn, chịu đựng. Thời trẻ, vợ chồng còn có nhiều yếu tố chi phối, mang đến niềm vui, giúp giải tỏa bớt muộn phiền, khủng hoảng của gia đình như: công việc thuận lợi, thăng quan tiến chức, gặp gỡ bạn bè, chăm sóc con cái... Khi về già, niềm vui công việc không còn, con cái đều ra riêng... Những mối bận tâm và quan hệ xã hội của họ đều đã thu hẹp, niềm vui duy nhất lúc này chỉ còn gia đình - thì  họ phải đối diện với sự khủng hoảng, mâu thuẫn, không hạnh phúc nên nghĩ đến ly hôn. Một nguyên nhân quan trọng khác là nhiều ông chồng đòi ly hôn vì cho rằng không thể chịu đựng được người vợ nói quá nhiều (thời trẻ đã nói, về già nói càng nhiều hơn) và thường lôi những lỗi lầm xưa của chồng ra đay nghiến. Thậm chí, nhiều ông chọn cách sống ly thân: ở phòng riêng, tự nấu ăn vẫn không thoát được sự “tra tấn” của vợ nên kiên quyết ly hôn”.
 
 
Nhắc đến vấn đề ly hôn của những cặp vợ chồng già, các thẩm phán đều có chung nhận định: những vụ chia tay này khó hòa giải hơn người trẻ nhiều. Các cụ ông, cụ bà đều đã cân nhắc, suy nghĩ kỹ mới quyết định, chứ không phải do giận dỗi nhất thời. Người đứng đơn xin ly hôn hầu hết là các ông chồng. Bị đơn là vợ thì ít ai chịu ly hôn. Cho dù tòa phân tích thế nào thì cả hai vẫn giữ nguyên ý định.

Có một nghịch lý là dù thật lòng không  muốn gia đình đổ vỡ, chia tay ở tuổi gần đất xa trời, nhưng hành động “cộng dồn” và kể tội chồng của các các bà vợ lại là nguyên nhân chính đẩy chồng ra khỏi gia đình. Do vậy, cái lý “già rồi, ly hôn người ta cười” của những người vợ không thể xem là căn cứ để tòa bác đơn, không chấp thuận yêu cầu ly hôn của ông chồng.

Nhìn thực trạng này ở góc độ tâm lý, bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Hồn Việt phân tích: “Thế hệ cha mẹ, ông bà chúng ta khi kết hôn hầu hết là qua mai mối, gia đình sắp đặt, không có thời gian tìm hiểu và yêu nhau. Vì thế, khi về chung sống sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn do không hợp tính tình, sở thích, thói quen, niềm tin... Ngoài ra, các ông chồng thời xưa thường có tính gia trưởng, gây nhiều bất công, đau khổ cho người vợ. Lúc trẻ, người vợ cam chịu vì nghĩ đến con cái, dư luận... Khi lớn tuổi, họ không còn sức khỏe và sự nhẫn nhịn chịu đựng nên sinh ra như vậy. Phân tâm học cũng cho rằng, con người từ 60 tuổi trở lên thường nhìn lại quá khứ để “tổng kết cuộc đời”. Với những phụ nữ có đời sống hôn nhân không hạnh phúc, từng phải chịu đựng, kìm nén thì đó là lúc họ “bùng nổ”, tung hê hết lỗi lầm của chồng từ xưa đến nay. Người chồng bị bất ngờ và không thể chấp nhận sự thay đổi đột ngột của vợ nên mâu thuẫn càng tăng, hai người không thể tìm thấy bình yên lúc tuổi già, nên ly hôn là sự tất yếu”.    

Khi xảy ra mâu thuẫn, bất hòa hoặc không hài lòng về nhau. Vợ chồng nên nói ra để cùng sửa đổi, điều chỉnh, đừng cam chịu, nín nhịn cho qua chuyện. Mâu thuẫn đó không tự nhiên mất đi, mà vẫn tồn tại như những cơn sóng ngầm, đến một lúc nào đó sẽ bùng lên, không thể cứu vãn được. Sống thật, sống có trách nhiệm với nhau mới chính là nền tảng xây dựng gia đình bền vững.
 
Theo PNO
Chia sẻ