Khiếp vía chọn chồng Hà Nội!

Võ Trần,
Chia sẻ

Không ít người “tham vọng” lấy vợ (chồng) người Hà Nội để mong đến gần hơn một cuộc sống mình hằng mơ ước. Nhưng thật trớ trêu! Cái mác “thành phố” đã khiến bao người rơi vào cảnh… chết đứng!

Chị M. năm nay 35 tuổi, đã chung sống với người chồng “tiêu chuẩn” Hà Nội được 3 năm. Nhưng 3 năm qua đối với chị chẳng khác gì sống chung với… lũ. Vừa mới đầu tuần, chị đã mong nhanh đến cuối tuần để được đưa con về ngoại.

Vất vả mưu sinh nên ước ao con cái được đổi đời

Xuất thân từ một gia đình công chức ở Ninh Bình. Tốt nghiệp đại học, với tố chất thông minh cùng với sự nhạy bén của người hoạt động văn hóa tập thể, chị M. đã một mình bươn chải tìm kế sinh nhai chốn Hà Thành. Sau 6 năm thân gái một mình, chị đã vắt kiệt sức lực cũng như trí não, tích góp được một số tiền, cùng với tiền bán nhà của bố mẹ ở quê, chị đã lo được một căn nhà tập thể nho nhỏ cho gia đình chuyển ra Hà Nội sống.

Chính vì sự vất vả, cực khổ khi phải một mình bước qua những giai đoạn khó khăn nhất, lối suy nghĩ của chị hiển nhiên thực dụng. Chị thành đạt, sự nghiệp thăng hoa càng khiến tiêu chuẩn “Hà Nội” của chị càng phải được thực hiện, chị nói với tôi rằng: “Chị muốn con chị được hưởng một cuộc sống trọn vẹn, sau này không phải vất vả như chị”.

Bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu cho chị rất nhiều người thành đạt “xứng tầm” với chị, có anh là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, đã có ô tô riêng, có anh là công an phường lương bổng cũng khá ổn... nhưng tất cả đều bị chị khước từ, chỉ đơn giản vì: chưa có nhà Hà Nội.
 
Vì cuộc sống của mình vất vả, mong muốn con cái được sống thoải mái
nhiều chị em đã thực hiện “tiêu chuẩn” tìm chồng thành phố (Ảnh minh họa)

Tưởng rằng thoát kiếp, ai ngờ lại… tự còng chân 

Cách đây 3 năm, chị gặp được anh – là chồng chị bây giờ. Người Hà Nội, nhà Hà Nội. Anh to lớn bệ vệ, mỗi ngày anh chiều chuộng đưa đón chị đi làm và đưa chị đi ăn nhà hàng bằng SH, thỉnh thoảng anh vô tình để chị thấy cả cục tiền trong cốp xe, anh hé lộ: “Mỗi tháng chỉ cần lấy tiền lãi anh cho vay cũng đủ để “ăn chơi nhảy múa” chẳng phải làm gì”.

Cuộc sống của chị khi đó vô cùng hạnh phúc! Ngày nào đến cơ quan tôi cũng thấy chị cười, khác hẳn với chị của 4 năm qua tôi cùng làm việc. Sau 4 tháng quen biết và yêu nhau, chị giục anh cưới thì mới vỡ lẽ anh đã có một đời vợ và một đứa con. Chị đắn đo khá lâu nhưng rồi cũng quyết định cưới!

Tiến thoái lưỡng nan

Họ hàng 2 bên nói chuyện xong là lúc chị té ngửa, anh là con trai cả nhưng đến bây giờ vẫn chỉ đi làm cho cửa hàng… của mẹ, mọi chi tiêu trong gia đình một tay mẹ chồng chị đảm nhiệm. Mỗi tháng bà cho chồng chị bao nhiêu để tiêu thì chồng chị biết đồng đó. Đi chụp ảnh và mua sắm đồ cưới, chị là người phải bỏ tiền ra để trả. Chị không phải kiểu người chấp nhận chịu ấm ức mà giờ đây suốt ngày hậm hực, chửi thầm và nguyền rủa, chị bực bội và chửi thề nhưng… không dám rút lui!

Chị M. mà tôi biết trong 4 năm qua mạnh mẽ, quyết đoán đến chừng nào thì chị M. trước mắt tôi yếu mềm, bất lực đến chừng ấy. Chị vẫn thản nhiên, vui vẻ trước mặt mọi người trong cơ quan, nhưng lo âu bực bội trước mặt tôi mỗi buổi nghỉ trưa. Tôi nói với chị: “Em sợ cuộc sống không có tình yêu lắm! Không yêu nhau mà ở với nhau được hả chị?”. Chị không nói gì nhưng tôi hiểu, chị sợ rút lui sẽ khiến bố chị là trưởng khu phố phải hổ thẹn, chị sợ rút lui đồng nghiệp, bạn bè sẽ thương hại chị, chị cũng đã lớn tuổi rồi, đã từ chối quá nhiều rồi.

Có lẽ hơn ai hết, lúc này chị thấy được tác hại của “tiêu chuẩn Hà Nội” mà chị đặt ra. Thấy tiếc nuối tuổi xuân xanh và bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu tấm chân tình chị đã để tuột mất…
 
Thế nhưng bất hạnh thay, họ không thể có được cuộc sống như mong muốn
(Ảnh minh họa)

Chấp nhận sống chung với lũ

Vợ trước của anh bỏ đi khi con anh vừa được 4 tháng. Chị chấp nhận về làm dâu trong bộn bề lo âu tính toán.

Hai vợ chồng chị ở trong căn phòng cạnh nhà vệ sinh nên mỗi lần mẹ chồng đi qua đều tự ý mở cửa phòng ngó vào “hỏi han”. Cuối tuần chị thay đổi vị trí bàn trang điểm thì đầu tuần chị đi làm về đã thấy bàn trang điểm trở về vị trí cũ. Tháng đầu chị thấy mẹ chồng mặt nặng mày nhẹ mà không hiểu vì sao. Chị hỏi chồng có đóng tiền sinh hoạt cho mẹ không thì chồng nói: “Không phải đóng, làm gì có tiền mà đóng?”, chị lại phải rút hầu bao đóng tiền cho Mẹ chồng.

Từ ngày lấy anh, chị không còn được đưa đón đi làm nữa, hỏi anh xe SH đâu thì anh trả lời: “Bán đi mua xe Air blade rồi”. Một mình chị lại phải tiếp tục nhọc nhằn với kế sinh nhai…

Chia sẻ