Khi vợ tự ép mình sống khổ

,
Chia sẻ

Liên được hàng xóm cho một quả sầu riêng. Cô không động đến vì muốn chờ chồng đi công tác về, mới bổ. Nhưng lúc đó, quả sầu riêng đã hỏng.

Những lần cơ quan chiêu đãi hay đi nghỉ mát, Liên chỉ đi khi có chồng. Có lần, hai vợ chồng gửi con cho ông bà ngoại, đi chơi Khoang Xanh. Trong khi chồng rủ đi dạo thì Liên chỉ ngồi lỳ một chỗ, ôm điện thoại, gọi điện về nhà hỏi thăm hai bà cháu. Chuyến đi mất vui vì Liên đã làm chồng “hết hứng”.

Đi làm thì đều đặn ngày 4 lần, Liên bấm điện thoại hỏi bà nội chuyện chăm cháu. Chỉ có mỗi chuyện: “Thằng Bờm ăn được mấy thìa sữa hả bà?” cũng được Liên cập nhật liên tục, suốt sáng – trưa và chiều. Cô thường xuyên vừa ăn cơm trưa, vừa bấm điện thoại hỏi thăm tình hình của con, rồi tranh thủ dặn dò bà nội cách pha sữa, quấy bột và cách cho ăn để cháu không bị trớ... Vì thế, chẳng có bữa trưa công sở nào của Liên được yên ổn. Ngay cả những bữa ăn ở nhà, cô cũng chẳng được ngon miệng vì lo con ngủ bị muỗi cắn, gối đè vào mặt nên 5-10 phút ăn cơm, lại chạy vào xem tình hình của con.

Trước khi đi công tác, Liên thức đến khuya nấu sẵn thức ăn, để đầy tủ lạnh, mà vẫn lo con không chịu ăn, chồng bị đói dù trong nhà đã có bà nội chăm bẵm. Nhiều lần, chồng Liên phải kêu lên: “Em cứ tự làm khổ mình, lo lắng những cái không đâu”.

Hoài (Đà Nẵng) từ ngày có chồng, con đã tự nguyện “ép mình” sống khổ. Cứ mỗi lần ngắm một chiếc áo đẹp hay đôi giày “xịn”, Hoài lại tự động quy đổi sang tiền mua sữa cho con, mua hải sản nấu lẩu cho anh xã hoặc sẽ tăng bao nhiêu trong sổ tiết kiệm… Hôm sinh nhật, được chồng mua cho bộ đồ ở nhà giá gần 400 nghìn đồng, Hoài chẳng thấy vui mà chuyển sang tiếc tiền.
 

Cả đêm, Hoài “cằn nhằn” đòi chồng mang đổi bộ khác vì: “Quần áo mặc ở nhà, cần gì phải đắt thế”. Chồng Hoài bực, lại cụt hứng nên cũng mang đi đổi cho vừa lòng vợ. Anh nhăn nhó: “Sao em cứ phải khổ thế làm gì? Mình có nghèo đến mức không mua được bộ đồ tử tế đâu?” nhưng Hoài chẳng quan tâm đến lời nói của chồng. Cô còn trách chồng hoang phí, không biết lo xa, bây giờ đã có gia đình, phải lo cho con cái trước đã…

Cũng vì yêu thương chồng con quá

Người phụ nữ nào cũng được sung sướng, an nhàn nhưng để thực hiện được thì đâu dễ. Việc cơ quan, gia đình chồng chất. Chị em lại phải lo lắng đủ thứ với chuyện gia đình, chăm sóc con cái, rồi lại chuyện lo giữ chồng. Sự nỗ lực này đã khiến họ phải cắt giảm thời gian dành cho bản thân, giảm thiểu những nhu cầu cá nhân như giải trí, thư giãn, gặp gỡ bạn bè hay làm đẹp. Nếu có được người chồng tâm lý, yêu vợ thương con, biết giúp vợ nghỉ ngơi, động viên tinh thần vợ thì chẳng còn gì bằng.

Thế nhưng, cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng như ý. Khi ôm đồm quá nhiều việc, không được chồng trợ giúp thì người vợ dễ rơi vào kiệt sức. Hoặc khi hy sinh hết thảy mà không được chồng đền đáp, trân trọng thì nỗi ấm ức càng dâng cao. Khi đó, không ít người vợ luôn trong tâm trạng mệt mỏi, cáu gắt.

Theo các nhà tâm lý, người vợ phải biết tạo cho mình hạnh phúc. Muốn thế, phải biết cân bằng mọi hoạt động trong gia đình, công việc và bản thân. Sắp xếp hợp lý thì mới có thời gian để thư giãn. Điều này nghe thì đơn giản nhưng để duy trì được thì đòi hỏi người vợ cần quyết tâm. Không phải ai cũng đủ “bản lĩnh” để đi café hay dạo phố với bạn bè, đồng nghiệp khi chồng con đang chờ ở nhà. Hoặc không phải ai cũng có tiền để sắm quần áo hay đi spa làm đẹp…

Tốt nhất, tùy hoàn cảnh, người vợ nên có cách nghỉ ngơi riêng, làm sao để bản thân luôn thoải mái mà không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tất nhiên, không được chỉ mải chăm lo cho mình vì khi đó sẽ biến thành ích kỷ. Cũng tránh làm việc đến kiệt sức, xem nhẹ yếu tố nghỉ ngơi. Khi mất cân bằng, người vợ dễ nảy sinh tâm lý chán nản. Chưa kể trường hợp, tham công tiếc việc quá thành thử khiến chồng lười nhác. Lúc đó, đã mệt, còn khổ hơn.
 
Theo Me&be
Chia sẻ