Khi im lặng chẳng phải là... “vàng”

,
Chia sẻ

Thay vì nói hết nỗi khó chịu, bực dọc những khi có mắc mứu với nhau, nhiều đôi vợ chồng lại chọn cách im lặng bày tỏ thái độ.

Không nói, người kia có hiểu?

Chị Ngọc Hạnh (một nhân viên quan hệ công chúng) nổi tiếng là người nhã nhặn trong giao tiếp. Ngoài việc sở hữu bề ngoài ưa nhìn, chị còn khiến nhiều người ganh tỵ bởi một giọng nói “ngọt như đường” hiếm ai có. Vì vậy, dù ở tuổi ngoài 40 nhưng chị vẫn dễ dàng khiến nhiều quý ông để ý trong các cuộc gặp gỡ hội nghị, học nghiệp vụ... Điều đó trở thành cái gai trong mắt nhiều “hội bà tám”.

Anh Phương, chồng chị, lần đầu tình cờ nghe những lời xì xầm không hay về chị còn vui vẻ bỏ ngoài tai, nhưng qua lần thứ hai, thứ ba thì không thoải mái nữa. Vốn nóng tính, anh thẳng thắn hỏi chị khi cả hai đang ăn cơm tại nhà. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản nếu anh yêu tôi thì anh thừa biết tôi thế nào. Với lại tôi không muốn gây nhau trước mặt con nhỏ nên chỉ im lặng cắm cúi ăn” - chị Hạnh bộc bạch.

Và kết quả là sau buổi cơm, anh lẳng lặng bỏ đi coi tivi chứ không phụ chị rửa chén, dạy con học như thường lệ. “Cây ngay không sợ chết đứng”, chị Phương tin mình không có lỗi thì không việc gì phải giải thích. Thế nhưng một tháng trôi qua, cả anh và chị từ vợ chồng bỗng dưng thành hai người xa lạ.
 
Chiến tranh lạnh” không thể giúp bình thường hóa xung đột vợ chồng (ảnh minh họa) - Ảnh: N.C.T.

Còn anh Tuấn Nam (nhân viên ngân hàng) lại chọn giải pháp im lặng trong mọi tình huống vì tin điều đó sẽ hạn chế phát sinh những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình. Thấy vợ mặc váy ngắn đi làm, anh im lặng dẫu lòng tức tối. Vợ chi tiêu quá tay, anh im lặng dẫu không đồng ý. Vợ to nhỏ qua điện thoại với ai đó, anh vẫn cố nhắm mắt cho qua dẫu không ít lần dấy lên sự ngờ vực.

Ngay cả khi gặp khó khăn trong công việc anh vẫn không hé răng một lời. “Thấy vợ chồng hàng xóm mỗi lần giận dỗi là bù lu bù loa lên, cả xóm biết để rồi ai nấy đều chê cười... Tôi cũng sợ mình bị như vậy” - anh nén tiếng thở dài, thốt ra câu nói trong một chiều ngồi bên cốc bia cùng mấy anh đồng nghiệp.

Vì phải chất chứa nhiều phiền muộn trong lòng nên anh nhanh chóng mất đi sự trẻ trung ngày nào. Bạn bè lúc bấy giờ gặp lại chỉ còn thấy một Tuấn Nam trầm tư, gầy rộc và rít thuốc ngày nhiều hơn.

Làm sao gỡ “đá” trên vai?

Anh Tuấn Nam sau thời gian dài rơi vào chứng trầm cảm, khi thoát ra đã vui vẻ ví von sự chịu đựng của mình hệt như việc tập tạ: “Này nhé, mỗi tuần chúng ta nếu tập chăm chỉ thì có thể nâng tạ lên mỗi bên. Thế nhưng đến một mức độ nào đó phải dừng lại. Nếu cố tập quá sức thì việc bạn nhập viện hoặc thậm chí mất mạng chỉ là sớm muộn”!

Anh cho biết việc trò chuyện để gỡ bỏ khúc mắc với vợ tưởng khó hóa ra lại dễ. “Tôi viết email ghi hết những điều nghi ngờ và gửi cho cô ấy. Khi viết email, tôi hoàn toàn kiểm soát cảm xúc trong khi đây là điều không dễ dàng nếu phải nói chuyện trực tiếp” - anh khẳng định. Và khi nhận được tin nhắn từ vợ “Tối nay mình đi ăn ở ngoài nhé anh”, anh cũng chưa ngờ đó là đêm nhiệm mầu!

Trong góc quán cà phê nhỏ, lãng mạn... những bức xúc của anh tuôn trào với sự khuyến khích của vợ! Chị tập trung lắng nghe và sau đó trả lời cụ thể. Có những câu trả lời khiến anh vừa ý, cũng có nhiều điều khiến anh chưa hết ngờ vực. Tuy vậy, anh biết sợi dây căng thẳng trong lòng mình đang ở mức tối đa giờ trở nên an toàn hơn.

Tương tự, chị Ngọc Hạnh cũng kịp thời đưa ra giải pháp trước khi mối quan hệ của cả hai bị đẩy đến bờ vực thẳm. “Dù chồng yêu mình bao nhiêu cũng đừng nên thử thách tình yêu ấy bằng sự im lặng. Sự im lặng đâu phải lúc nào cũng là vàng”, chị cười khi nghe lời thuyết giảng hơi hướm triết lý đầy hài hước từ người bạn thân. Nhưng ngẫm lại chị nhận ra điều đó đúng.

“Tôi may mắn vì lấy được người chồng tốt. Nhưng sẽ là sự xuẩn ngốc nếu cứ nghĩ người kia luôn hiểu thấu mọi chuyện của mình khi không có sự giải thích, chia sẻ. Lịch làm việc căng thẳng, muôn vàn vấn đề phải giải quyết trong ngày... khiến sự đồng cảm của vợ chồng đôi khi là quá sức” - chị nhận ra điều đó trong những lần thấy chồng gục mặt bên chiếc laptop, sổ sách đầy bàn.

Và sau một chuyến đi chơi xa hai ngày không có “công chúa nhỏ” theo cùng, khi trở về vợ chồng đã hạnh phúc lại như thuở còn son. “Gia tài” mới theo họ trở về là một cuốn nhật ký nhỏ, trong đó chất chứa những bí mật, thông điệp chỉ có hai người biết được...
 

Tình yêu có thể chuyển thành sự chịu đựng

Ông bà ta có câu “Một điều nhịn, chín điều lành”, tuy nhiên theo tôi đây không phải là giải pháp hoàn hảo. Sự im lặng, nhẫn nhục là giải pháp tức thời cần thiết để khiến một trong hai bên “hạ hỏa”, tránh nói những điều gây tổn thương cho nhau khi mâu thuẫn xảy ra... Nhưng khi cả hai bên đều bình tĩnh thì cần ngay một buổi trò chuyện thẳng thắn để giải quyết phần nào sự căng thẳng không đáng có.

Việc chất chứa những tức tối, hoài nghi trong khoảng thời gian dài chắc chắn khiến không chỉ một mà cả hai bên mệt mỏi, chưa kể dẫn đến những hậu quả khó lường như stress hoặc trầm cảm.

Tôi từng gặp nhiều trường hợp các cặp vợ chồng trí thức đều chọn giải pháp im lặng cho “yên cửa ấm nhà” và cho rằng đó là cách cư xử của người có văn hóa. Hầu hết cuối cùng đều thừa nhận rằng sự im lặng đã có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, tình yêu dần chuyển sang sự chịu đựng nặng nề.

Thạc sĩ Lý Mai Anh
(chuyên viên tham vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình,
Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM)

Theo Tuổi trẻ

Chia sẻ