Khi hai vợ chồng cùng cơ quan

,
Chia sẻ

Cứ nhắc đến chuyện vợ chồng làm chung cơ quan là có người bảo “ Coi như ông ấy khỏi lĩnh lương, mọi sự tự do cũng mất.., đố dám ngo ngoe nữa!”. Mọi sự có bi đát như vậy?

Mọi chuyện không thoát khỏi tay bà xã...
 
“Ở nhà ra va vào chạm, lên cơ quan lại gặp nhau. Gặp nhiều nên không còn chút gì của sự riêng tư sẽ dễ bị... chán. Làm hai cơ quan khác nhau, khi về nhà còn có cái để mà kể, chớ làm chung thì còn biết kể cái gì nữa”. Đó là tâm sự rất thật của anh Minh Duy, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước. Vợ anh là phó phòng nhân sự của cơ quan, anh là thủ quỹ. Làm việc cùng nhau thì không thể không gặp nhau, trưa phải đi ăn cùng nhau. Liên tục ngày nào cũng như ngày nào, Minh Duy “sợ” lắm, nhưng không dám nói thẳng với vợ.

Song, anh Duy đâu biết rằng chị Hạnh - vợ anh cũng có chung suy nghĩ như vậy. Vừa rồi, chị đã giới thiệu cho anh một công việc mới. Mức lương ở công ty mới khá tốt nên anh nhanh chóng quyết định chuyển chỗ làm.
 
Chuyện khó khăn tiếp theo và được nhiều người “cảnh báo” khi hai vợ chồng làm chung cơ quan là rất ít ông chồng thoát cảnh “lương có người khác lãnh giùm”! Thậm chí có khoản nào ngoài luồng hoặc tiền thưởng lễ, tết cũng khó lòng “thoát khỏi tay bà xã”. Nhiều anh bị đồng nghiệp thường xuyên chọc quê khi rơi vào tình cảnh này. Bởi bị vợ “tịch thu” hết lương lậu nên các anh chẳng có khoản nào riêng mà vợ không biết nên sẽ kẹt trong tiền bạc, tiêu pha, cà phê, chén chú chén anh với bạn bè, không lẽ khoản gì cũng xin... Đó chưa kể là chỉ trừ một số ít trường hợp do công việc, còn lại hai vợ chồng sẽ đi chung xe để tiết kiệm chi phí (xăng) thế nên sau giờ làm việc, chồng muốn đi “tăng này tăng kia” với bạn bè cũng khó khăn, phải về thôi, “xe ôm” mà!
 
Chị Hoàng Xuân nhận xét ở khía cạnh khác: “Một chuyện cũng thường gây ức chế là cả vợ lẫn chồng trong cơ quan đều mất tự tin mỗi lần tiếp xúc với người khác giới khi luôn có con mắt để ý xem mình nói gì, làm gì, luôn lo ngại người kia buồn hay giận mà thực chất là không có vấn đề gì, đôi khi chỉ là câu nói đùa cho vui”...
 
Quá nhiều “cái được” đi chứ!
 
“Hai vợ chồng em làm cùng công ty hơn năm năm rồi (từ hồi chưa cưới) nhưng cả hai đều thấy không vấn đề gì cả, thậm chí còn thích! Thứ nhất, lương của chồng mình không bao giờ phải nhận hộ, vì lương trả vào tài khoản, thẻ ATM của ai người ấy dùng. Vì thế chồng em không bị xì-trét vì mấy vụ trêu chọc của đồng nghiệp. Thứ hai hiểu công việc của nhau nên vợ chồng dễ thông cảm và chia sẻ. Công việc của cả hai đều bận rộn, người khác ngành khó mà hiểu được. Thứ ba là bạn bè chung rất nhiều... Thứ tư, vợ chồng ngồi làm việc mỗi người một nơi, thỉnh thoảng chạy đến chỗ nhau ngó nghiêng, trêu chọc tý nên cũng khá thú vị...”, chị Hải Nguyên, nhân viên thư ký, vui vẻ chia sẻ.
 
Chị Thảo Khanh, nhân viên PR, cũng cùng quan điểm: “Vợ chồng mình đang làm cùng một công ty quảng cáo. Bọn mình thấy hai vợ chồng càng có nhiều thời gian cho nhau hơn đấy. Và lúc nào cũng ríu rít vì có nhiều chuyện kể cho nhau. Quan trọng hơn là người nọ có thể góp ý, cùng bàn luận với người kia trong công việc... Nên công việc của bọn mình rất thuận lợi. Cái chính là do mình cả thôi. Và mình cũng không vì làm cùng với chồng mà dành quyền kiểm soát mọi thứ”. 
 
Một ý kiến hoàn toàn mang tính... phụ nữ: “Theo tôi thì vợ chồng làm chung cũng hay chứ sao. Vừa đỡ tốn tiền xăng xe, có người đưa đi đón về đỡ phải lái xe, nhất là những hôm mưa gió, lạnh lẽo thế này, rồi có thể kiểm soát được lịch làm việc của chồng, hơn nữa đi làm về có người đi ăn quà vặt cùng (bún riêu, hũ tiếu...), có “cận vệ” đi mua sắm cùng trước khi về nhà...”, chị Ngọc Dung cười vui cho biết.
 
Trân trọng niềm vui riêng của nhau
 
Như vậy có thể thấy dù là vợ chồng nhưng cũng cần có khoảng trời riêng. Sáng gặp, trưa gặp, tối gặp, đã cùng công ty thì không thể anh đường anh, tôi đường tôi, mất hết tự do là lý do không nhỏ khiến nhiều đôi nảy sinh mâu thuẫn. Giải pháp tốt nhất cho những trường hợp trên vẫn là một người nên thay đổi công việc như trường hợp vợ chồng anh Duy chị Hạnh đã nói bên trên.
 
Tuy nhiên, cũng có những chị em đã rất khéo léo và tế nhị để hóa giải những khúc mắc, khó khăn khi vợ chồng làm chung công ty. Vì làm trong một công ty nên hầu như chị Khanh ở bên chồng cả ngày. Để tránh sự nhàm chán do gặp nhau quá nhiều, nên vào ngày cuối tuần, chị Khanh động viên chồng đi chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè. Còn chị thì tranh thủ ở nhà dọn dẹp hay đưa con đi siêu thị mua sắm...
 
Khi hai vợ chồng cùng làm chung cơ quan đôi khi sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phiền phức. Để cân bằng được cuộc sống gia đình, cả hai đều cùng phải nỗ lực vun vén cho tổ ấm của mình. Nhưng rõ ràng vai trò “định hướng” của người phụ nữ là rất quan trọng. Nếu khéo léo, họ có thể làm “hoa tiêu” chỉ đường giúp người đàn ông lái con tàu gia đình đến bến bờ hạnh phúc.  
 
Và đừng mang trục trặc gia đình đến chỗ làm, vì rất có thể nó sẽ trở thành đề tài “tám” hấp dẫn cho đồng nghiệp. Vì thế tốt nhất các bạn chỉ nên bàn luận những chuyện xoay quanh công việc.
 
 Phải đảm bảo rằng mỗi người đều có những giờ phút riêng tư ngoài công việc để người này không trở nên chán hoặc bực mình với người kia.
 
 
Theo Người Lao Động
 
 
 
 
Chia sẻ